Thời tiết khắc nghiệt thử thách nhân loại

19/07/2023 06:30 GMT+7

Nắng nóng, mưa lũ thất thường đang ảnh hưởng nghiêm trọng tại nhiều nước, trong khi dự báo xu hướng thời tiết cực đoan sẽ tiếp tục gay gắt.

Trang The Conversation ngày 18.7 đưa tin Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) xác nhận tình trạng El Nino đang tác động và sắp phát triển lên mức từ trung bình đến mạnh trong thời gian tới. El Nino là giai đoạn nóng trong chu kỳ dao động của khí hậu trái đất và đang xảy ra cùng với xu hướng nóng lên toàn cầu do tác động của con người.

Thời tiết khắc nghiệt thử thách nhân loại  - Ảnh 1.

Ý đang trải qua những ngày nóng như đổ lửa

Reuters

Ngày càng cực đoan

Dù El Nino chỉ mới tác động, nhiều nơi từ Mỹ đến châu Âu và châu Á đang oằn mình dưới những đợt nắng nóng kỷ lục. Những khu vực ở đông bắc Đại Tây Dương nóng hơn 5 độ C so với mức trung bình. Trong khi đó, diện tích băng quanh Nam Cực thấp hơn đến 2,5 triệu km2 so với mức trung bình vào thời điểm này trong năm.

Cảnh báo sức khỏe được đưa ra khi thời tiết khắc nghiệt bao trùm toàn cầu

"Nhiệt độ thiêu đốt đang bao trùm phần lớn bắc bán cầu, trong khi lũ lụt tàn khốc do mưa kéo dài đã làm gián đoạn cuộc sống và sinh kế của nhiều người", theo Hãng tin môi trường ENS dẫn thông tin từ WMO. Trong thông cáo ngày 18.7, WMO cảnh báo nhiệt độ ở Bắc Mỹ, châu Á, Bắc Phi và Địa Trung Hải sẽ trên mức 40 độ C, kéo dài nhiều ngày trong tuần này với đợt nắng nóng tăng cường.

Cảnh báo nhiệt độ vượt ngưỡng

Đài CNN ngày 18.7 đưa tin Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) dự báo thế giới nhiều khả năng sẽ lần đầu vượt ngưỡng quan trọng về khí hậu trong vòng 5 năm tới, do ô nhiễm bẫy nhiệt từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch và El Nino. Từ năm 2023 - 2027, nhiều khả năng nhiệt độ trái đất tăng thêm hơn 1,5 độ C so với thời tiền công nghiệp, khiến đây là giai đoạn 5 năm nóng nhất từ trước đến nay. Giới khoa học cho rằng cơ hội đang khép lại, nhưng vẫn còn thời gian hành động bằng cách chuyển đổi sang năng lượng sạch, trong khi giúp các cộng đồng dễ bị ảnh hưởng có thể thích ứng.

Tại Mỹ, một vòm nhiệt đang thiêu đốt khu vực phía tây, đẩy nhiệt độ tại Thung lũng Chết ở bang California hôm 16.7 lên 53 độ C, một trong những mức nhiệt cao nhất ở trái đất trong 90 năm qua. Đợt nắng nóng ở Mỹ trùng với nhiệt độ cực đoan tại bắc bán cầu. Thị trấn Tam Bảo ở Tân Cương (Trung Quốc) cũng ghi nhận nhiệt độ kỷ lục hôm 16.7 là 52,2 độ C.

Châu Âu đang trải qua đợt nắng nóng thứ hai trong vòng 2 tuần, đẩy nhiệt độ lên 48 độ C, kèm theo nhiều đám cháy rừng. Giới chức Pháp và Ý đưa ra nhiều cảnh báo về sức khỏe liên quan nắng nóng.

Châu Âu tiếp tục đối mặt với nắng nóng gay gắt

Trong khi đó, mưa lớn kéo dài gây lũ lụt đang ảnh hưởng hàng triệu người ở nhiều nơi như Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ và Hàn Quốc. Giới chức Hàn Quốc hôm qua cho biết ít nhất 50 người chết và mất tích trong đợt mưa lũ kéo dài suốt một tuần qua và vẫn đang tiếp diễn. Trước đó, đợt mưa lũ tại Nhật Bản khiến ít nhất 6 người thiệt mạng và 19 người bị thương.

Thời tiết khắc nghiệt thử thách nhân loại  - Ảnh 3.

Lũ lụt tại vùng ngoại ô thành phố Jalandhar (bang Punjab, Ấn Độ) hôm 17.7

AFP

Thiệt hại lớn

Theo Đài CBS, Mỹ chứng kiến 12 thảm họa lớn về thời tiết và khí hậu trong 6 tháng đầu năm, khiến 100 người thiệt mạng và thiệt hại vật chất hơn 32 tỉ USD. Phần lớn thảm họa là bão, lũ lụt và những hiện tượng thời tiết cực đoan khác. Một nghiên cứu đăng trên chuyên san Science mới đây cho rằng nền kinh tế toàn cầu có thể tổn thất đến 3.000 tỉ USD, khiến GDP sụt giảm do thời tiết cực đoan ảnh hưởng sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và gây dịch bệnh.

Hoạt động quân sự: điểm mù trong cuộc chiến chống khí thải

Nhận định về việc đối phó tác động của thời tiết cực đoan, quan chức Stefan Uhlenbrook tại WMO cho biết những nước phát triển như Nhật Bản cực kỳ cảnh giác và chuẩn bị rất tốt các biện pháp kiểm soát lũ, trong khi nhiều nước thu nhập thấp chưa có hệ thống cảnh báo, công trình chống lũ và kiểm soát lũ lụt.

Theo Tổng thư ký WMO Petteri Taalas, thời tiết cực đoan đang tác động lớn đến sức khỏe con người, hệ sinh thái, kinh tế, nông nghiệp, năng lượng và nguồn cung cấp nước. "Chúng ta phải đẩy mạnh nỗ lực giúp xã hội thích ứng với điều bình thường mới không may này", CNN dẫn lời ông kêu gọi.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.