Những ngày gần đây, ở khu vực Bắc bộ, khu vực từ Thanh Hóa đến Phú Yên có nắng nóng và nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35 - 37 độ C, có nơi trên 37 độ C. Trong đó, tại Điện Biên, Sơn La và khu vực từ Nghệ An đến Quảng Ngãi có nắng nóng gay gắt, có nơi nắng nóng đặc biệt gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 37 - 39 độ C, có nơi trên 40 độ C như H.Mường La (Sơn La) 42,4 độ C, H.Sông Mã và TT.Yên Châu (Sơn La) 41,3 độ C, H.Tương Dương (Nghệ An) 40,3 độ C,...
Nhận định về tình hình thời tiết từ nay đến cuối năm 2023, ông Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn, cho biết hiện tượng ENSO (chỉ cả hai hiện tượng El Nino và La Nina và có liên quan với dao động của khí áp giữa hai bờ phía đông Thái Bình Dương với phía tây Thái Bình Dương - Đông Ấn Độ Dương để phân biệt với dao động khí áp ở bắc Đại Tây Dương) đang chuyển dần sang trạng thái trung tính từ tháng 4 - 6.2023 với xác suất khoảng 80 - 90%, sau đó trong nửa cuối năm 2023 ENSO có khả năng chuyển sang pha El Nino với xác suất khoảng 55 - 65% và có thể kéo dài sang năm 2024.
Theo ông Thái, El Nino (hiện tượng nóng lên dị thường của lớp nước biển bề mặt ở khu vực xích đạo trung tâm và đông Thái Bình Dương) năm nóng đặc trưng là cường độ, nhiệt độ tăng cao, bất thường. Một năm sẽ không có quá nhiều mưa, các cơn bão bất thường hơn và khó đoán hơn.
Về nắng nóng, ông Thái dự đoán xuất hiện sớm, có khả năng gay gắt và có nhiều ngày nắng nóng hơn hơn so với năm 2022.
"Trong tháng 5.2023, nắng nóng sẽ xuất hiện nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc, kể cả ở Bắc bộ, Trung bộ và Nam bộ. Đặc biệt, cao điểm của nắng nóng sẽ là trong tháng 6 - tháng 7 ở Bắc bộ và từ nửa cuối tháng 6 - tháng 8 ở Trung bộ. Trong khi đó, tháng 5 và tháng 6, Nam bộ sẽ chấm dứt nắng nóng", ông Thái nhận định.
Về bão và áp thấp nhiệt đới, ông Thái cho hay, từ nay đến tháng 5, bão và áp thấp nhiệt đới ít có khả năng xuất hiện trên Biển Đông. Bão và áp thấp nhiệt đới có khả năng xuất hiện trên Biển Đông từ khoảng nửa cuối tháng 6. Số lượng bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực Biển Đông, cũng như ảnh hưởng đến đất liền có khả năng thấp hơn với trung bình nhiều năm (trung bình nhiều năm khoảng 11 - 13 cơn trên Biển Đông và 5 - 7 cơn ảnh hưởng đến đất liền). Bão hoạt động nhiều hơn trên Biển Đông từ tháng 8 - tháng 10 và giảm dần từ tháng 11.
Về lượng mưa, ông Thái nhận định, mùa mưa bắt đầu tương đương so với trung bình nhiều năm ở khu vực Tây nguyên và Nam bộ. Trong các tháng mùa mưa bão, tại khu vực Bắc bộ lượng mưa có xu hướng thấp hơn đến xấp xỉ trung bình nhiều năm, khả năng xảy ra mưa to dồn dập cuối tháng 5, đầu tháng 6 ở Bắc bộ như năm 2022 là thấp.
Tại khu vực Trung bộ, lượng mưa có xu hướng xấp xỉ đến cao hơn so với trung bình trong giai đoạn tháng 7 - tháng 9. Tuy nhiên, từ tháng 10 - tháng 12 (thời điểm chính của mùa mưa tại Trung bộ) lượng mưa lại có xu hướng thiếu hụt so với trung bình nhiều năm tại khu vực này. Xu hướng thiếu hụt mưa có thể kéo dài sang đầu năm 2024.
Tại khu vực Tây nguyên và Nam bộ, tổng lượng mưa dự báo từ xấp xỉ đến cao hơn trung bình nhiều hơn trong các tháng 6 - tháng 9, tuy nhiên từ tháng 10 đến hết năm 2023 lượng mưa có xu hướng thiếu hụt so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.
Trong các tháng mùa lũ, lượng dòng chảy trên các lưu vực sông khu vực Bắc bộ và đến hồ chứa lớn trên lưu vực sông Đà, sông Gâm, sông Chảy thiếu hụt từ 10 - 30% so với trung bình nhiều năm. Từ tháng 4 - tháng 8, có khả năng xảy ra khô hạn, thiếu nước cục bộ ngoài vùng cấp nước của các công trình thủy lợi tại các tỉnh Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Ninh Thuận, Bình Thuận và khu vực Tây nguyên.
Bình luận (0)