Một công ty Nhật Bản vừa trình làng chiếc áo lụa màu xanh rực rỡ, và nếu chẳng đọc kỹ chi tiết sản phẩm, chẳng ai ngờ rằng vải may váy làm từ tơ nhện tổng hợp. Theo CNET, Hãng Spiber đã công bố sản phẩm hết sức đặc biệt để khẳng định rằng vẫn còn có những vật liệu mỏng manh nhưng vô cùng chắc chắn. Sợi nhân tạo dựa trên tơ nhện được gọi là Qmonos, lấy từ chữ tiếng Nhật “kumonosu” có nghĩa là mạng nhện.
|
Nếu tính theo tỷ lệ gram, tơ nhện chắc gấp 5 lần thép mà lại mềm dẻo hơn cả sợi ni lông. Nếu được dùng làm áo giáp, nó còn tốt ít nhất gấp 3 lần vật liệu chuyên dụng là sợi Kevlar. Tơ nhện khởi đầu nằm trong tuyến sợi như là một cuộn protein ngẫu nhiên trước khi nó đi qua những ống dẫn trong điều kiện cực kỳ chính xác về độ a xít, dung dịch lỏng và độ tập trung hóa chất. Kế đến nó được đẩy ra khỏi cơ thể nhện thông qua một bướu dệt. Và kết quả là một tơ nhện chống thấm nước, vừa trong suốt vừa xoắn. Sợi tơ nhện từng được dùng để khâu vết thương do nó có tính kháng khuẩn.
Chiếc đầm dạng cocktail cổ cao, đang được trưng bày tại khu Roppongi Hills ở Tokyo, được chế tạo để thể hiện công nghệ đằng sau Qmonos. Các nhà khoa học đang ngày càng quan tâm đến tơ nhện vì họ cho rằng nó có thể được dùng làm bất cứ thứ gì từ dây dù đến mạch máu nhân tạo. Tuy nhiên, bản chất tự nhiện của nhện khiến con người gặp vấn đề khó nuốt khi nuôi nhện như nuôi tằm. Không có mồi, nhện sẵn sàng xoay sang ăn thịt lẫn nhau. Chúng cũng sản sinh một lượng vừa đủ tơ, phục vụ cho nhu cầu dệt mạng nhện và nuốt trọng mọi vật liệu còn sót lại sau khi mạng đã tượng hình đầy đủ.
Trong tự nhiên, tơ nhện được dệt thành sợi, nhưng trong điều kiện thí nghiệm, cũng cùng một dạng protein có thể được sắp xếp lại thành khối cầu, những bảng mỏng hoặc thành viên nhộng. Thậm chí một nhóm các chuyên gia Mỹ còn thử tạo ra tơ nhện bằng cách điều chỉnh gien để dê sản sinh ra protein tơ nhện trong sữa của chúng. Hãng Spiber đã tạo ra phiên bản nhân tạo của tơ nhện bằng cách dùng các gien tổng hợp để buộc vi khuẩn tạo ra fibroin, protein cấu trúc có trong tơ nhện. Kế đến, Spiber dùng kỹ thuật để nuôi vi khuẩn và dệt fibroin thành vải. Công ty thuộc Đại học Keio của Nhật Bản đã đăng ký tổng cộng 16 bằng sáng chế liên quan đến công nghệ tơ nhện. Hãng cũng hợp tác với nhà sản xuất phụ tùng xe Kojima Industries để xây dựng một nhà máy có thể sản xuất khoảng 100 kg sợi nhân tạo/tháng.
Spiber hy vọng sẽ khởi động quy trình sản xuất hàng loạt với mục tiêu 10 tấn/năm vào năm 2015. “Loại vải này có thể được sử dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau, như xe cộ và thuốc men”, tờ The Asahi Shimbun dẫn lời Chủ tịch Spiber là ông Kazuhide Sekiyama. Nhà quản trị cho rằng đây là bước đi quan trọng đầu tiên tiến đến quá trình sản xuất mà không phụ thuộc vào dầu mỏ. Thậm chí ở một số lượng nhỏ, tơ nhện cũng vẫn có ích, như làm lưới đánh cá hay trong các thiết bị quang học. Đây cũng không phải là lần đầu tiên một bộ váy làm bằng tơ nhện được giới thiệu trước công chúng. Hồi năm ngoái, Bảo tàng Victoria và Albert (Anh) cũng đã trưng bày một tấm áo choàng không tay màu vàng làm dệt từ tơ nhện mạng cầu xứ Madagascar, còn gọi là nhện vỏ sần Darwin. Được biết, tơ của loài nhện này là vật liệu sinh học chắc chắn từng được phát hiện từ trước đến nay.
Phi Yến
>> Mạng nhện chặn đứng đoàn tàu
>> Giải mã sức mạnh của mạng nhện
>> Tấm mạng nhện khổng lồ
>> Mạng nhện giăng... giữa trời ?
>> Mạng nhện" giữa trời
Bình luận (0)