Chia sẻ tại một chương trình tọa đàm do Nhà văn hóa Phụ nữ TP.HCM tổ chức mới đây, một người mẹ ngoài 60 tuổi buồn rầu kể chuyện con gái chị đã 25 tuổi không đi làm cũng chẳng làm việc nhà. Tốt nghiệp Đại học loại khá giỏi nhưng cô không hội nhập được với môi trường làm việc, cô cũng không biết làm việc nhà. Người mẹ nóng tính hay la con, muốn con tự làm lấy mọi việc nhưng chồng chị quá chiều con, thương làm thay con nên hai vợ chồng mâu thuẫn. Chị than thở: “Tôi chỉ mong sau này nó lấy được người chồng chiều nó như bố hay anh trai nó”.
Tự lập là khả năng tự làm lấy những việc của bản thân, tự lập trong hành động và suy nghĩ. Cha mẹ dạy con tự lập là trao cho con sức mạnh để dù cuộc sống có thay đổi hay đặt ra những thử thách như thế nào thì con vẫn có thể vượt qua trên chính đôi chân con.
Tiến sĩ Xã hội học - Thạc sĩ Tâm lý trị liệu Phạm Thị Thúy. Ảnh: NVCC
|
Nói về việc thời điểm thích hợp, Tiến sĩ Xã hội học - Thạc sĩ Tâm lý trị liệu Phạm Thị Thúy cho biết thời điểm 2 tuổi chính là dấu mốc để dạy con tự lập. Trẻ ở tuổi này đã biết đi, bắt đầu tách khỏi cha mẹ và rất muốn tự làm nhiều việc như tự ăn, tự mặc quần áo, tự xỏ giày… thì cha mẹ hãy để trẻ làm và dần hướng tới mục tiêu con có thể tự chăm sóc bản thân và giúp đỡ cha mẹ những việc nhỏ. Đặc biệt đừng để con cái phụ thuộc cha mẹ, ông bà hay thậm chí là phụ thuộc vào người giúp việc, người chăm sóc trẻ…
Cha mẹ không chỉ rèn cho con tự lập trong hành vi mà cả trong suy nghĩ bằng cách đặt câu hỏi, cho con nói lên suy nghĩ, ý kiến riêng của con. Ngoài tự lập trong việc chăm sóc bản thân, nên hướng đến các mục tiêu lâu dài như tự lập trong việc học, trong định hướng nghề nghiệp tương lai, tự lập trong các mối quan hệ và tự lập về tài chính.
Rèn tự học lúc con 3-4 tuổi thích tô màu xem truyện qua việc làm góc học tập cho con, giao nhiệm vụ, chia thời gian hợp lý. Con vào lớp 1, cha mẹ tập để con tự vào bàn học, chuẩn bị cặp sách đồ dùng cho ngày hôm sau. Theo TS Thúy, cha mẹ không nên ngồi kèm con học bởi mỗi trẻ có thói quen học, giờ học khác nhau nên nề nếp học tập khác nhau. Quan trọng hơn, hãy để con trách nhiệm về việc học của con.
Lúc nhỏ cha mẹ thường hỏi con lớn lên thích làm nghề gì, lớn dần ít hỏi hoặc không hỏi nữa. Ước mơ của trẻ có thể thay đổi đến “chóng mặt” nhưng việc hỏi, nghe trẻ trả lời là cách để con tự tìm tòi, phấn đấu và đặt ra mục tiêu cho bản thân. Việc định hướng phải được làm liên tục và khi trẻ lên cấp 3, cha mẹ hãy trẻ chọn khối học yêu thích.
Cha mẹ có thể dạy con cách nhận ra một người bạn tốt, cách nhìn người, cách giao tiếp, tôn trọng mọi người nhưng không can thiệp vào mối quan hệ của con với bạn bè, thầy cô... Xung đột của con, hãy để con tự giải quyết.
Và cuối cùng, tự lập về tài chính là dạy con biết giá trị của đồng tiền, sử dụng tiền đúng cách, cho con cơ hội học cách kiếm tiền, tiết kiệm tiền… có như vậy khi lớn con mới có thể độc lập tài chính và tự chủ trong cuộc sống.
“Có 3 quyết định quan trọng trong cuộc đời con cha mẹ không được phép chọn thay con là chọn người yêu, chọn vợ chồng và chọn nghề nghiệp”, Tiến sĩ Thúy nhắc nhở. “Sự tự lập là món quà đẹp nhất mà cha mẹ dành cho con, để con sống cuộc đời của chính con, trong khả năng của con”.