Eco-fashion - Đừng để nhu cầu làm đẹp bôi xấu thế giới
Đồng hành cùng rất nhiều lĩnh vực sản xuất đang cố gắng giảm thiểu rác thải đến môi trường, các thương hiệu thời trang cũng đua nhau cho ra mắt những dòng sản phẩm hoặc kỹ thuật sản xuất có trách nhiệm với sức khỏe của hành tinh chúng ta. Bông hữu cơ, vải tái chế, thuốc nhuộm từ thực vật là những ví dụ điển hình.
Cuối năm 2016, Adidas đã hợp tác cùng Parley for Ocean để ra mắt dòng UltraBoost bảo vệ môi trường: Nguyên liệu tái chế được sử dụng để sản xuất một đôi giày tương đương với 11 chai nhựa. Nhãn hiệu này hứa hẹn sẽ chuyển sang sử dụng 100% nhựa tái chế vào năm 2024.
Có thể nói, quần jeans là sản phẩm thời trang làm tiêu hao nhiều nước sạch nhất trong quy trình sản xuất. Chính vì thế, Levi Strauss đã thể hiện trách nhiệm của mình bằng cách mở các chương trình phi lợi nhuận dạy cho nông dân ở Ấn Độ, Pakistan, Brazil kỹ thuật tưới và thu nước mưa trong trồng trọt. Đồng thời, nhãn hiệu này cũng áp dụng quy trình làm mịn vải bằng đá thay vì giặt nhiều lần với nước.
Slow fashion - Chậm mà chắc
Vấn đề thiếu tôn trọng bản quyền thiết kế cũng như gây ảnh hưởng nặng nề đến môi trường của các thương hiệu thời trang nhanh đã trở thành chủ đề nóng của thế giới những năm gần đây. Đó cũng là lý do mà xu hướng thời trang chậm - thời trang dựa trên chất lượng - lên ngôi.
Xem xét lại mối quan hệ của chúng ta với quần áo, chúng ta có đang quá nuông chiều những thiết kế bắt mắt, đúng “gu” hơn giá trị thực chất của nó?
Với lịch trình sản xuất chậm hơn, chất liệu được đầu tư kỹ lưỡng, các thiết kế tuy đơn giản nhưng không lỗi mốt, nhiều nhà sản xuất đã tạo được sự yêu thích của người tiêu dùng chính bởi sự quan tâm sâu sắc của họ với tình hình chung của thế giới.
Điều này khuyến khích nhiều tín đồ thời trang xây dựng tủ quần áo tối giản với những món đồ mà họ có thể lưu trữ suốt đời. Nói cho cùng, trong ngôn ngữ của thời trang, tiết kiệm không phải là bạn tậu được một món đồ rẻ đến bao nhiêu mà hơn hết chính là giá trị sử dụng của chúng kéo dài đến bao lâu.
Ethical fashion - Các “nhà mốt” có thực sự quan tâm như những chiến dịch truyền thông của họ?
“Thời trang đạo đức” là một khái niệm không dễ để định nghĩa rõ ràng vì chính đạo đức cũng không có bất kỳ thước đo nào chuẩn mực. Tuy nhiên, chúng ta có thể mơ hồ hiểu được đây chính là xu hướng quan tâm đến công việc và chế độ phúc lợi của tất cả mọi người trong chuỗi cung ứng thời trang, không riêng gì nhà thiết kế hay các quản lý cấp cao.
Người tiêu dùng thế hệ Millennial và Gen Z càng ngày càng quan tâm nhiều đến thời trang bền vững cũng như tính minh bạch của những “lời hứa” đạo đức từ thương hiệu. Bên cạnh chất lượng sản phẩm, thương hiệu có thực sự tạo ra môi trường làm việc an toàn và mức lương phù hợp với nhân viên hay không cũng là những yếu tố dễ dàng dẫn đến quyết định tẩy chay bất kỳ nhà cung cấp nào.
Ảnh: Nguồn Adidas, Levi Strauss, Uniqlo, Retviews, The Good Trade