Bài: Lữ Khách
Fansipan được mệnh danh là “nóc nhà Đông Dương” (3.143 m) thuộc dãy núi Hoàng Liên Sơn, cách thị trấn Sapa khoảng 9 km về phía tây nam. Đây là một địa điểm mà những người ưa mạo hiểm tìm đến khi đến Sapa.
Những bước chân mạo hiểm
Leo núi là môn vận động hấp dẫn nhưng đầy nguy hiểm, trước đây tôi có người bạn tên Dũng, là PGĐ công ty Du lịch Thế Hệ Trẻ, đã hy sinh khi mở tour du lịch thám hiểm. Chinh phục Fansipan cũng không khó lắm. Vì độ cao tương đối của đỉnh núi cũng chỉ 1.140 m, lại có đường độc đạo dẫn lên. Có thể từ Sapa đến đỉnh đèo Trạm Tôn hoặc ít phổ biến hơn là khu du lịch Cát Cát bằng ô tô hoặc xe ôm. Tại đây có số người dân tộc H’Mông, Dao làm nghề “cửu vạn” (poster) phục vụ khách leo núi. Du khách leo bở hơi tai, còn người dân tộc gùi đồ đi theo nhẹ nhàng như không, mỗi ngày họ có thể leo lên leo xuống 2 lần.
Trước kia từ Sapa lên đỉnh Fansipan và quay trở về mất khoảng chừng 2 ngày men theo đường mòn. Từ ngày 2/2/2016, cáp treo đã khánh thành, đường núi hiểm trở đã trở nên bằng phẳng, dang tay chào đón du khách. Cáp treo khởi điểm từ Thung lũng Mường Hoa mỗi cabin cáp treo Fansipan Sapa có sức chứa tối đa 30 – 35 khách. Tại lễ khai trương, đại diện Kỷ lục Thế giới - Guinness World Record đã trao chứng nhận 2 kỷ lục Guinness cho cáp treo Fansipan Sapa là:
Cáp treo có độ chênh giữa ga đi và ga đến lớn nhất thế giới: 1410 m
Cáp treo ba dây dài nhất thế giới: 6325 m
Mặc dù đã có cáp treo, chỉ mất 15 phút lên đỉnh, nhưng vẫn không ngăn nổi những bước chân ưa mạo hiểm. Ngày 2/6/2016, vẫn có 1 nhà leo núi chuyên nghiệp người Anh A.Webb “đi phượt”, chệch khỏi đường độc đạo quy định, rồi mất liên lạc; ngày 9/6 mới tìm thấy thi thể Webb ở độ cao 2.800 m.
Nơi gặp gỡ đất trời
Cáp treo là 1 quần thể kiến trúc, trong làn sương mờ ảo, nhà ga đi của cáp treo Fansipan hiện lên lộng lẫy. Gây ấn tượng cho du khách là cổng chào với kiến trúc tạo hình mô phỏng đồng hồ chợ Bến Thành.
Ngay tại quảng trường trước cửa nhà ga, có biểu tượng Fansipan, dành cho những du khách không có dịp lên đỉnh chụp hình lưu niệm.Trước khi bước vào đại sảnh nhà ga, nơi bán vé cáp treo niêm yết giá: 600.000đ/người, riêng đối với cư dân 6 tỉnh Tây Bắc (Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Lai Châu Điện Biên, Hòa Bình) hưởng giá đặc biệt 400.000đ/người. Với đẳng cấp và tiện nghi như vây, không ai chê mắc; chỉ có việc phân chia công dân thành 2 “đẳng cấp” thì thật là khó hiểu, chẳng lẽ chúng tôi lặn lội từ miền Nam ra, không xứng đáng được ưu tiên?Bước vào đại sảnh, lộng lẫy như 1 cung điện hoành tráng: có thang cuốn đưa hành khách xuống tầng hầm lên điểm khởi hành cáp treo. Ngoài ra, còn có nhà hàng, quầy bán đồ lưu niệm, coff ee shaw rất hiện đại. Đứng trên đài quan sát ngoài trời, du khách có thể nhìn thấy đỉnh Fansipan từ xa, nhìn xuống dưới chân thấy bãi đậu xe kín chỗ, xa hơn nữa là thung lũng Mường Hoa mây mù bao phủ.
Với những đường nét kiến trúc khỏe khoắn và đầy nghệ thuật, từ xa, công trình hứa hẹn mang tới cho du khách những trải nghiệm kỳ thú. Ga Fansipan Sapa lại khiến du khách sững sờ ở không gian văn hóa truyền thống của các dân tộc vùng Tây Bắc được ông Bill Bensley tinh tế lồng trong các chi tiết được kiến trúc sư hàng đầu thế giới Bill Bensley thiết kế, ga Fansipan Sapa như một công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo.
Huyền thoại cáp treo
Mỗi khoang cáp treo Sapa chỉ được tối đa 35 người, trong một giờ có thể vận chuyển được 2.000 khách, là cabin lớn nhất tôi từng gặp thế mà chẳng thấy kỷ lục nào được ghi.
Cáp treo xuyên qua những tầng mây, nhìn thấy núi rừng Tây Bắc dưới chân mình, tôi cảm thấy như thần tiên đi mây về gió. Ga đến ở độ cao 3.000 m, đón khách là một cổng chào với những hoa văn truyền thống, nhưng tạo hình mô phỏng “Nam thiên môn” ở núi Thái Sơn Trung Quốc. Muốn lên đỉnh, du khách phải leo lên 600 bậc nữa. Đi hết 60 bậc thang đầu tiên du khách sẽ dừng chân tại một ngôi chùa, vừa viếng chùa vừa nghỉ chân.
Núi Thái Sơn tuy được danh là đứng đầu Ngũ Nhạc Trung Quốc, nhưng cũng chỉ cao 1.540 m, thấp hơn Fansipan nhiều. Tạo nên cảnh hùng vỹ Thái Sơn, vì đó là ngọn núi cao chót vót giữa đồng bằng, còn đỉnh Fansipan của ta được vây quanh giữa nhiều ngọn núi cao.
Cáp treo nào cũng không lên thẳng đỉnh, mà phải trừ ra một đoạn để khách nhẩn nha dạo bước và khai thác thương mại. Cáp treo ở Thái Sơn dừng bước ở Phố Trời, dãy phố dài 200m người dân ăn mặc cổ trang, buôn bán tấp nập, khiến du khách như đi ngược thời gian, ai cũng sẵn sàng cởi hầu bao mua những đặc sản từ thời Tể tướng lưng gù. Dọc đường còn các danh thắng nơi Hoàng Hà ra biển, nơi mặt trời mọc, rừng bia, chỉ có đi bộ mới thưởng ngoạn được. Núi Monté Blanc ở tỉnh Québec Canada, hết đường cáp treo, cũng có 1 phố thị sầm uất, tái hiện cảnh cowboy Bắc Mỹ, bán những đặc sản như đường lấy từ cây phong (mapple sugar). Còn mình, chưa khai thác đáng kể về mặt thương mại.
Trải qua chặng đường khá gian nan, cuối cùng, ai cũng cố lên được “nóc nhà Đông Dương” cao 3.143m. Gần đỉnh, có lan can gỗ cho du khách chụp ảnh.
Ở độ cao không khí loãng, lại phải gắng sức, nên từ đầu năm khai trương đến giờ đã có hai trường hợp du khách ngất xỉu do suyễn và suy tim, phải chở ngay về Sapa cấp cứu, trong đó một trường hợp đã chết. Khắp khu du lịch, cả ga đi và ga đến, đều không có trạm cấp cứu.
Ai dám bỏ ra 4.400 tỷ vào núi rừng Tây Bắc? Ít ai biết được rằng, Lê Viết Lam ông chủ của Sun Group, "cha đẻ” của cáp treo thiên đường mộng mơ Bà Nà Hills, khu nghỉ dưỡng Intercontinental đầu tiên tại Việt Nam, chính là đại gia bí ẩn của dự án cáp treo Mường Hoa - Fansipan.