Bài: Minh Minh
Ảnh: Quang Giang
Khi nón Sơn đã quá quen thuộc, người phụ nữ đứng đằng sau thương hiệu nón có tiếng ấy đã bất ngờ tiếp tục chinh phục một nhánh khác của thời trang. Nói vui thì sau hai mươi năm miệt mài với chỗ đội đầu của người tiêu dùng, người phụ nữ này dành rất nhiều thời gian cho một đam mê khác, ở trên vai và trên tay người dùng: những chiếc túi hiệu Ahanaba. Tính đến nay, nhãn hiệu túi xách mới này xuất hiện trên thị trường chưa đầy 10 tháng, rồi thì niềm đam mê của chị Thu Hà cũng đã tìm được những sự đồng cảm ban đầu của người đam mê thời trang. Và đầy tự tin, như người sáng lập của nó vậy. Bởi chị tự tin vào sản phẩm và nguồn nhân lực rất ổn định, thạo nghề của mình.
Câu chuyện rất nhỏ ở xưởng
Tôi quan tâm đến yếu tố con người ở mỗi sản phẩm thời trang, nên khi có dịp, đã tranh thủ theo chân một số đồng nghiệp đến xưởng sản xuất nón và túi xách của chị.
Ấn tượng với tôi là cái khung cửa sổ ở tầng 2 của xưởng sản xuất rất rộng ấy. Khung cửa lấy gió đơn giản, không vuông vức như thường lệ mà cong hình bán nguyệt bên trên. Bên ngoài là tán cây xanh mướt phủ bóng. Nó không chỉ phản ánh sở thích của chủ doanh nghiệp, mà còn cho thấy một chút về sự tinh tế chia sẻ đến những công nhân của mình về môi trường làm việc. Nó không giống như nhiều xưởng sản xuất khác, nhất là những xưởng, nhà máy may mặc thời trang mà tôi hình dung hay được xem qua sách báo. Một môi trường làm việc sạch sẽ, quan trọng là thoáng, phải nói là rất thoáng, mát và khi bước vào, người ta cảm nhận được một năng lượng tích cực và một sự thoải mái để làm việc. Nhà xưởng sáng choang, trần cao, thoáng, gió mát, vệ sinh sạch sẽ, chỗ làm việc thoải mái, vào các giờ cố định trong ngày, còn có nhạc mở như phụ họa thêm cho sự sáng tạo của một công việc đòi hỏi không chỉ sự tỉ mỉ, chăm chỉ, chuẩn xác mà còn là sự sáng tạo mang ít nhiều “nghệ sĩ tính”, từ những người công nhân - những nghệ nhân đan giỏ. Một chiếc giỏ nhỏ bằng đôi ba bàn tay nhưng người nghệ nhân đan giỏ phải mất hơn 10 ngày để thực hiện.
“Mình rất may là các chị em thợ của Ahabana đều có cùng đam mê công việc và cùng đến với nhau vì niềm đam mê ấy. Mình có những nhân viên làm việc với tất cả say mê về sản phẩm của mình. Họ yêu công việc của mình lắm. Và tay nghề rất cao. Nhiều khi mệt mỏi gặp nhau nói chuyện lại truyền cảm hứng tốt cho nhau để lại làm việc tốt hơn. Xem nhau như bạn, thậm chí như chị em ruột vậy, chứ không chỉ là quan hệ chủ - nhân viên.” Hà kể về những người thợ của mình một cách trìu mến. Cũng dễ hiểu vì sao mà nhân viên của chị, có nhiều người gắn bó nơi làm việc của mình cả thanh xuân của họ mà không có ý định rời đi nơi khác. Kể cả khi lập gia đình, vẫn thuê nhà hay mua nhà gần công ty để lại tiếp tục gắn bó. Thu Hà chia sẻ: “Sự đãi ngộ là một phần thôi, xuất phát với nhau chủ yếu từ tình cảm. Đến với nhau vì tình cảm thì mới gắn bó lâu dài được. Nếu chỉ là quan hệ tiền bạc không thôi thỉ lỏng lẽo lắm. Sao mà người ta đi với mình dài, lâu và toàn tâm như vậy được.”
Đã có rất nhiều người nói với tôi rằng trong các sản phẩm tiêu dùng do con người làm ra, ví dụ như quần áo, túi xách… chẳng hạn, nếu những nhân công sản xuất ra món đồ ấy trong yêu thương, vui vẻ, tự thân món đồ ấy cũng sẽ tiếp nhận được nguồn năng lượng tích cực ấy. Mà người được cộng hưởng chính là người dùng. Bởi đồ vật ấy phản chiếu tâm trạng của người làm ra nó, khi họ đang vui, đang ung dung hay đang bực bội, khốn khó, oán giận. (Đó là lý do vì sao mà khi diện bộ đồ này, cầm túi xách kia hay mang đôi giày nọ, mà có cái thì khi mang vào cảm thấy rất thoải mái, có cái khi diện vào lại có những sự bực bội, khó chịu, kém vui.)
Nói dông dài như thế, chỉ để muốn rõ thêm một điều rằng, ít ra, trong quan sát và được nghe chính nữ doanh nhân này tâm sự, chị đang có trong tay một đội quân tốt và hết lòng gắn bó với công việc. Có hết lòng như vậy, họ mới ngồi tỉ mẫn từng đường đan, mũi kim để cho thành hình những chiếc túi được làm hoàn toàn bằng thủ công với chất liệu mà chị tự hào là luôn thân thiện với môi trường. Những sản phẩm như thế thì rõ là luôn có cơ sở để tin nó không thể là sản phẩm tồi được.
Muốn chinh phục cả hai thị trường phổ thông và cao cấp
Chính thức ra mắt sau khoảng 5 năm thai nghén chuẩn bị, rõ ràng là người phụ nữ này đã quyết tâm rất nhiều để có thể kiên trì tạo dựng một lối đi riêng cho mình, sau thương hiệu nón Sơn quá nổi tiếng của gia đình mình. Gọi Thu Hà khởi nghiệp ở tuổi 40 cũng được, mà xem đây là cuộc chơi cá tính mang đậm dấu ấn riêng của mình cũng không sai. Đằng sau sự khả ái duyên dáng tưởng như mong manh ấy là một sự tự tin với những quyết sách của mình trong kinh doanh. Tôi định hỏi chị về hành trình cho đến khi Ahanaba có hẳn một cái tên. Nhưng cảm thấy thừa. Vì sau vẻ nữ tính ấy là một sự cương quyết. Đã có quá nhiều kinh nghiệm từ việc cùng chồng gây dựng thương hiệu nón Sơn qua bao thăng trầm có lúc tưởng như đứng trên bờ vực, những trải nghiệm quý giá ấy giúp người nữ doanh nhân này hiểu rõ hơn mình cần phải chuẩn bị gì, phải đi thế nào trên con đường riêng đầy thử thách ấy. Vì tôi biết, người phụ nữ ấy hiểu rất rõ mình cần gì, muốn gì.
Ahanaba đang hướng tới người tiêu dùng sành điệu, không chỉ có tiền, có am hiểu về thời trang mà còn văn minh trong tiêu dùng. Nhất là khi tình hình chung của ngành công nghiệp thời trang “fast food” siêu nhanh siêu rẻ đang kéo theo nhiều hệ lụy không hay ho. Ở Ahanaba, không chỉ bán một cái túi thông thường. Dễ hiểu vì sao bước đầu, nó được khách nước ngoài và những người tiêu dùng thời trang văn minh yêu thích.
"Thực ra, ban đầu Ahanaba đã có dòng phổ thông hơn, với sợi cotton, vỏ cây tổng hợp, giá cũng hợp túi tiền cho đối tượng văn phòng, sinh viên học sinh. Nhưng khi dòng luxury phù hợp với nhu cầu thị trường, lại gây được chú ý nhiều hơn nên người ta ngỡ là mình mới có thêm dòng phổ thông. Thực ra dòng túi phổ thông là đam mê lớn của mình, nhưng ban đầu không thể một lúc làm cả 2 mảng khác nhau. Bây giờ có thời gian hơn, mọi thứ đi vào ổn định, mình đầu tư cho cả hai, để cùng tỏa sáng”. Chị cười tự tin. Vẫn là đam mê đấy nhưng mình vẫn chuộng có cả 2 dòng, để những người yêu thời trang có thể tiếp cận được nhiều hơn.
Chị quan niệm “dòng túi phổ thông làm bằng vỏ cây đảm bảo cho mức độ tiếp cận thị trường mạnh mẽ hơn. Nếu chỉ bán hàng cao cấp, thì coi như tự mình hạn chế mình đi, trong khi thị trường Việt Nam rất rộng, và mình cần mức độ lan tỏa của Ahanaba ngày một nhiều hơn, nhanh hơn. Nhưng không vội vàng. Điều này mình cũng học hỏi một phần từ các thương hiệu nước ngoài".
Tháng 4 này bà chủ của Ahanaba sẽ đi Nhật, để xúc tiến công việc kinh doanh với khách hàng ở nước này. Hà cho biết đối tác của chị đã tiếp cận với mình từ nhiều năm nay, khách Nhật rất thích những chiếc túi thủ công như thế này. Đây là điều kiện tiên quyết để đi đến những kết quả hợp tác bước đầu hứa hẹn khả quan. Như vậy là, từ mùa hoa anh đào này, những chiếc túi của thương hiệu mới này lại có cơ hội đi xa hơn.