Bài và ảnh: Thanh Lê
Đại lộ Hàm Nghi hồi đó chủ yếu là ngân hàng và những dãy nhà cổ (theo cách gọi bây giờ) của người Hoa sinh sống. Mang kiến trúc Pháp đặc trưng của vùng Sài Gòn – Chợ Lớn, chủ yếu nhà lầu 2 đến 3 tầng và mỗi dãy phố là của một ông chủ giàu có người Hoa đầu tư để cho thuê. Người ta nói khi xây nhà người Hoa luôn làm một đạo bùa trấn giữ và gửi một phần linh hồn của mình vào trong ngôi nhà đó, vừa để quản lý điền trạch thuận lợi làm ăn vừa để giữ nhà mãi mãi là của mình. Khoảng cuối thập niên 90 khi tiệm bánh Như Lan làm ăn thịnh vượng, Bà Dậu chủ hiệu Như Lan đã mua lại một lúc 3 căn nhà cổ ở góc đường Hồ Tùng Mậu – Hàm Nghi – Hải Triều rồi đập ra xây thành cái hiệu bánh Như Lan hoành tráng như bây giờ. Lúc đó người ta chỉ nói bà phá di sản, không biết lời đồn đoán về linh hồn của ngôi nhà đúng hay sai nhưng giờ bà Dậu không còn là chủ của hiệu Như Lan nữa.
Chợ bao lâu gọi là chợ Cũ?
Chợ Cũ, từ nhỏ tôi đã nghe gọi vậy, quen đến nỗi định hình trong đầu và không cần tìm hiểu nguyên cớ của cái tên vốn là tính từ chứ không phải danh từ. Sau này lớn lên có dịp đi xa và đọc nhiều mới biết, cái tên Chợ Cũ để phân biệt với chợ Bến Thành xây sau, tức là “chợ mới” ở thời điểm bấy giờ. Cũng giống như Chợ Lớn, người ta gọi lâu thành nếp, ít ai biết đó là cách gọi để phân biệt với “chợ nhỏ” là chợ Tân Kiểng hay còn gọi là chợ Quán ở quận 5 (không phải là chợ Tân Kiểng ở quận 7 bây giờ).
Chợ Cũ ngày xưa là một khu nhà trù phú dọc con sông Bến Nghé. Có tàu thuyền chở khách buôn từ biển lên, hàng hóa buôn bán tấp nập, sản phẩm phong phú tạo nên một vùng thương cảng sầm uất bậc nhất Sài Gòn lúc bấy giờ. Do nhu cầu buôn bán trao đổi hàng hóa lớn, chợ Cũ được hình thành và xây dựng bằng gạch, lợp mái tranh, đặt tên là chợ Bến Thành.
Nguồn gốc cái tên, theo nhiều nguồn tài liệu ghi lại là bởi vì chợ nằm bên cạnh thành Quy, gần Bến Nghé nên được gọi là Bến Thành. Cũng có người nói là chữ “Bến Thành” có nghĩa là từ cái bến mà hình thành nên.
Sang đến thế kỷ thứ 18, Pháp đánh chiếm thành Gia Định, chợ Cũ bị hủy hoại hoàn toàn. Sau đó để bảo đảm giao thương và ổn định xã hội sau khi chiếm Gia Định, người Pháp đã cho xây dựng lại nhà lồng chợ mới gần đó, gọi là chợ Vải. Các thương nhân khu vực chợ trước kia vẫn tiếp tục buôn bán và công việc làm ăn ngày càng phát đạt hơn theo sự phồn vinh của thành phố Sài Gòn xưa.
Ngôi chợ tồn tại đến thế kỷ thứ 19 thì khu nhà lồng xuống cấp và hư hỏng nặng. Chính quyền Pháp không muốn cải tạo mới mà quyết định dời chợ về vị trí khu vực ga tàu lửa Sài Gòn – Mỹ Tho. Phát triển thương mại đường bộ thay vì là đường sông như trước đây. Pháp cho lấp ao Borese cũng như các con Kinh lớn quanh đó và xây dựng chợ Bến Thành mà ta thấy bây giờ. Chợ Bến Thành cũ có tên từ đó để phân biệt với chợ Bến Thành mới xây. Lâu dần người Sài Gòn chỉ gọi tắt là chợ Cũ, ngôi chợ gắn liền với lịch sử của Sài Gòn, không có bảng tên, không có nhà lồng nhưng luôn nằm trong câu cửa miệng và là một phần không thể thiếu trong nếp sống của người Sài Gòn xưa.
Dấu xưa còn lại
Đường Nguyễn Huệ xưa được người Pháp gọi là đường Charner, còn người Việt thì gọi là đường Quảng Đông vì có nhiều người Hoa gốc Quảng Đông sinh sống. Đó cũng là lý do khu chợ Cũ tập trung rất nhiều quán ăn ngon của người Hoa, sau khu Chợ Lớn và rất nhiều khu nhà phố của người Hoa. Nổi tiếng nhất trong các món ăn ở chợ Cũ phải nói đến cơm Thố, sau đó là hủ tiếu cá, hủ tiếu gà, mỳ hoành thánh, cơm chiên dương châu, gà ác tiềm thuốc bắc và con đuông chiên. Những cơm thố nổi tiếng từ xưa bây giờ đã không còn nữa, chỉ còn sót một tiệm duy nhất bên trong chợ Cũ nhưng cũng chủ yếu là bán cơm văn phòng vào buổi trưa chứ không còn chuyên về cơm thố và món Hoa như hồi xưa. Các tiệm như Chí Tài, rồi một tiệm nữa tôi không nhớ tên với món bồ câu quay xì dầu độc quyền cũng đã nghỉ. Hủ tiếu cá tuy vẫn còn nhưng nấu theo cách xưa nên không còn hợp với khẩu vị của người hôm nay mặc dù khá nhiều người đến ăn theo một thói quen.
Chợ Cũ ngày nay nằm trên đường Tôn Thất Đạm, bắt đầu từ Huỳnh Thúc Kháng đến Hàm Nghi thì kết thúc. Nhà hàng xưa tuy vẫn còn nhưng danh tiếng và chất lượng không bằng những quán cơm thố trước đây. Mặc dầu vậy cũng đủ gợi nên một ký ức Sài Gòn hào hoa và trang nhã. Buổi tối dạo chơi, nếu muốn ăn cơm Tàu phải chịu khó đi xuống khu Nguyễn Thái Bình. Hàng quán tuy không lâu đời lắm nhưng ngót nghét cũng 30 năm tuổi. Gọi ông chủ tiệm người Hoa - cũng là đầu bếp - một dĩa cơm chiên Dương Châu. Ông chủ thong thả lấy tôm, mực tươi ra xắt rồi đánh trứng, múa chảo chiên cơm. Lúc tính tiền đừng ngạc nhiên vì sao giá cao hơn các chỗ khác một chút. Khu chợ Cũ mà, giá tiền tương xứng với danh tiếng món ăn.
Chuyện nàng công chúa
Cũng ít có người thời nay biết khu Chợ Cũ gắn liền với câu chuyện thần tiên về hai nàng công chúa da đen lưu lạc, người cha vốn là lính lê dương sau trở thành vua của một vương quốc Trung Phi. Cô con lai da đen tên Baxi hàng ngày vẫn ôm cái mẹt kim, chỉ, đồ ráy tai cùng đủ thứ linh tinh đi bán dạo quanh khu chợ Cũ, bỗng một ngày báo chí Sài Gòn đưa tin cô chính là đứa con bị lưu lạc của ông hoàng Trung Phi. Người thời đó không biết chính xác đất nước này nằm ở đâu trên bản đồ thế giới mà chỉ đồn đó là một nước có nhiều kim cương giàu có, ai cũng mừng cho số phận của cô. Tuy nhiên cô lại không phải là con gái ruột của ông vua nọ, cô con gái ruột sau này được xác định lại là đang ở Thủ Đức và làm nghề bốc vác cho nhà máy xi măng Hà Tiên. Có rất nhiều biến cố tiếp theo trong cuộc đời của hai nàng công chúa và cả ông vua trọng tình trọng nghĩa, nhưng đối người dân khu chợ Cũ - Hàm Nghi thì câu chuyện về cô công chúa da đen giờ là chuyện của nơi đây.
Còn rất nhiều câu chuyện ly kỳ xung quanh khu chợ Cũ, ngôi chợ không có cổng tên, không có nhà lồng và thuộc hàng chợ nhà giàu của đất Sài Gòn.