• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái
Bạn cần biết Tiện ích Liên hệ
Theo dõi báo trên
Tận hưởng

Chọn sống xanh hay tối giản?

23/05/2020 13:00 GMT+7

Tối giản và sống xanh từng được xem là những trào lưu mới rất được giới trẻ Việt yêu thích. Nhóm người “bắt trend” nhanh cũng thường dễ bị choáng ngợp bởi cái mới và cái mới hơn đến tiếp sau đó. Vì thế sau một khoảng thời gian đủ dài, nhóm những người thực hành tối giản và sống xanh sẽ ít đi đáng kể. Họ tự cam kết với lựa chọn cá nhân, cùng tạo nên các cộng đồng để hỗ trợ và chia sẻ với người cùng quan tâm các trải nghiệm của bản thân.

Ảnh: Shutterstock

Tối giản và sống xanh có thể không liên quan gì với nhau nhưng cũng có thể rất gần gũi. Khi bạn tối giản hóa nhu cầu của bản thân, loại bỏ những thứ không quan trọng và suy nghĩ rất kỹ trước khi mang về thêm thì cũng là bạn đang bớt tiêu thụ, bớt tạo ra rác - một trong những chặng của hành trình sống xanh. Nếu bạn đã sống xanh rồi, tối giản là bước tiến đưa bạn gần hơn với lối sống xanh bền vững.

Tối giản để cuộc sống ý nghĩa hơn

Có rất nhiều nguồn để bạn bắt đầu tìm hiểu về lối sống tối giản (LSTG). Nhiều tài nguyên như sách, video, trang blog, nhóm, app… để bạn nắm bắt trọn vẹn tinh thần của một Minimalist. Tuy nhiên hãy chầm chậm để bước vào lối sống này bởi như tác giả “Một cuốn sách về chủ nghĩa tối giản” - Chi Nguyễn thì “LSTG không có luật lệ”. Dù được xem là sách “gối đầu gường” của những người thực hành LSTG  nhưng cuốn sách cũng không đưa ra “công thức chuẩn” của tối giản; mà chỉ giới thiệu về các khái niệm mở và trải nghiệm của cá nhân tác giả. Cuốn sách là một nguồn cảm hứng để bạn đọc thay đổi tư duy, tự đưa ra quyết định về phương pháp riêng, tìm ra con đường riêng của bản thân khi thực hành LSTG.

Nói đến tối giản thì đồ đạc luôn là chủ đề “mở cửa”. Với Chi Nguyễn, đồ đạc chỉ ra con đường bắt đầu tối giản hóa cuộc sống thông qua việc từ bỏ những giá trị vật chất không cần thiết. Quan điểm cắt giảm đồ dùng trong nhà đến mức tối đa, chỉ giữ lại những vật dụng cần thiết nhất cũng được đề cập trong cuốn “Phong cách tối giản của người Nhật”. Khá đông người bắt đầu thực hành LSTG đã tìm cảm hứng từ câu chuyện của người sáng tạo ra phương pháp Konmari qua series trên Netflix  - Tidying Up with Marie Kondo - khi Marie Kondo đến và giúp các gia đình tổ chức và sắp xếp đồ đạc. Tuy vậy, sắp xếp đồ đạc một cách khoa học thực ra chỉ là một cách để giấu bớt đi những thứ bạn đang có. Điều quan trọng là bạn phải có một cú hích để quyết liệt vứt bỏ những thứ thừa thãi, từ bỏ thói quen tích trữ, thay đổi thói quen mua sắm từ việc tối giản hóa nhu cầu. Chỉ khi bỏ đi các thứ thừa thãi, bạn mới có chỗ cho những thứ mới mẻ mang giá trị và ý nghĩa tích cực cho bản thân mình.

Không dừng lại ở đồ đạc, còn có thể ứng dụng tối giản vào chuyện ăn. Chuyên gia huấn luyện dinh dưỡng Trần Lan Hương đã chỉ ra bí quyết cho các Minimalist: mỗi bữa chỉ một loại đạm, một loại rau trái, một loại chất béo, một loại bột đường là đã đủ nhu cầu năng lượng của cơ thể, vừa nhẹ cho hệ tiêu hóa lại đỡ tốn công nấu nướng nhiều món. Khi cơ thể đã nhẹ nhàng thì là lúc nghĩ đến tối giản tinh thần, các mối quan hệ thật và ảo, sắp xếp lại thứ tự ưu tiên cho những việc thật sự quan trọng với bản thân, công việc và gia đình họ. Khi có thể giản lược cuộc sống một cách tối đa ở nhiều mặt, người ta cảm thấy tinh thần nhẹ nhõm, có các mối quan hệ chất lượng, thấy mình sống ý nghĩa hơn và không còn bị lệ thuộc. Chính vì thế, khi đã thực hành tối giản trong một thời gian đủ lâu, người ta ít khi nào muốn quay trở lại lối sống cũ.

Sống xanh, tối giản hay trở về với lối sống tự nhiên

Mới đây khi cả nước cùng thực hiện giãn cách xã hội, nhiều đôi chân đi bỗng nhiên bị “nhốt” ở nhà. Không còn được rong ruổi theo những chuyến du lịch xa gần, không có dịp để diện những mốt quần áo mới nổi, lúc ấy họ mới quay ra chăm hoa, tưới cây, nấu ăn, làm bánh, đọc sách, tập plank, đạp xe (tại chỗ)… Đó phải chăng là sống xanh?

Sống xanh, tối giản là nghĩ cho mình hay nghĩ cho môi trường? Theo người viết cái được lớn nhất của cả hai lối sống này là mang đến lợi ích cho cá nhân người thực hành lối sống ấy chứ không phải ai hay cái gì khác (môi trường cũng thế). Trong khi người ta vẫn tranh luận thế nào là sống xanh thì đã có cộng đồng “Chim Ruồi” bảo nhau làm phần của mình, trồng một cây và bớt một cọng rác. Nhiều người sẽ vặc lại: mình bớt rác nhưng trăm ngàn người xung quanh vẫn xả rác thì có “thấm” vào đâu? Có chứ. Bea Johnson - tác giả của “Nhà không rác” nói rằng:“Tạo ra bao nhiêu rác không thực sự quan trọng, quan trọng là bạn hiểu được tác động tiêu dùng của mỗi cá nhân tới môi trường và bắt tay vào hành động. Mọi thay đổi dù nhỏ nhưng bền vững đều có tác động đến hành tinh và xã hội loài người”. Những cái tin như các kênh đào trong xanh trở lại với cá heo và thiên nga bơi lội khi thành phố Venice bị phong tỏa; người Ấn Độ lần đầu nhìn thấy dãy Himalaya sau 30 năm bị khói bụi che phủ… có lẽ chính là lời giải đáp. Giảm bớt nhu cầu, mua sắm khi thật cần thiết và nếu khó quá, hãy từng bước thực hiện là tiêu dùng bền vững.

Bạn đã loại bỏ bớt tủ quần áo, tối giản nhu cầu mua sắm, chỉ chọn mua đồ tốt, có chất lượng và thời hạn sử dụng lâu dài, nên chăng tiến thêm một bước bằng cách từ chối thời trang nhanh, chỉ mua quần áo làm từ các chất liệu tự nhiên và được làm thủ công? Bạn còn có thể mua đồ cũ, tái chế đồ cũ thành các đồ dùng hữu ích như  làm túi, ba lô từ quần jean cũ, tập sửa chữa đồ dùng bị hư hỏng thay vì ném đi mua cái mới ngay.

Bạn đã ăn uống tối giản rồi, thử tìm hiểu thêm về thực phẩm bạn ăn mỗi ngày. Hãy chọn thực phẩm sản xuất ở địa phương, ăn thực phẩm theo mùa sản xuất tự nhiên, tìm hiểu nguồn gốc, cách thức làm ra chúng cũng như con đường chúng đến gian bếp nhà bạn. Khi “con đường” thực phẩm đi càng ngắn có nghĩa là năng lượng dầu mỏ càng ít bị tiêu tốn - cũng là một cách tiết kiệm năng lượng cho trái đất.

Giữa rất nhiều đơn vị cung ứng một sản phẩm cùng loại, hãy “thử thách” thêm bản thân bằng cách chọn các cửa hàng giảm thiểu bao bì hoặc cho phép refill. Đây chính là sống xanh và cũng là cách “tối giản” lượng rác mà bạn thải ra mỗi ngày. Còn ý tưởng phân loại rác để tái chế thì sao? Ủ phân từ rác thải nhà bếp để bón cây, tự làm ra dung dịch enzim dùng tẩy rửa đa năng trong gia đình. Nếu làm được, bạn đã tối giản được các loại chất tẩy rửa, loại bớt các chai lọ hóa chất trong nhà tắm và gian bếp của gia đình.

Khi thực hành sống xanh, bạn thường lên kế hoạch trước khi đi mua sắm để mang theo các đồ đựng có sẵn. Vậy hãy có kế hoạch trong cả việc chăm sóc các mối quan hệ với người thân, gia đình thay vì mải mê dành hết thời gian và sự chú ý đến các chủ đề nóng, các chương trình giảm giá khuyến mãi… Đó chẳng phải là cách của người sống tối giản sao?

Lắng sâu nhìn kỹ sẽ thấy bản chất của tối giản và sống xanh chính là làm cho mọi thứ trở về tự nhiên. Không có quá nhiều đồ đạc, ta đâu cần tối giản? Không tạo ra rác, chẳng phải đau đầu nghĩ cách xử lý. Lối sống nào cũng hữu ích, thú vị nhưng chỉ có lối sống không tạo (thêm) vấn đề là lối sống bền vững và thuận với thiên nhiên.
Top
Top