Bài: Thùy Dung
Người Việt thích ăn các món kho, chiên, xào, nướng nấu nhiệt độ cao. Chính cách chế biến và dụng cụ nấu đã mang lại những nguy cơ về sức khỏe
Người viết nhận ra rằng để có thể đưa thực phẩm thật “từ đất lên bàn ăn”, làm nên những bữa cơm ngon và lành, ngoài chọn nguyên liệu còn cần phương pháp và dụng cụ nấu nướng tốt. Phương pháp lành mạnh nhất vẫn là ăn sống, hấp và luộc. Khi nhìn qua thị trường dụng cụ nấu nướng có thể thấy được sự đa dạng về chất liệu như đất, gốm, kim loại (nhôm, inox, gang), thủy tinh… nhưng để tìm được những xoong nồi có giá vừa tầm, chất lượng và an toàn lại không dễ.
Lựa chọn vì sức khỏe
Sức khỏe là vốn quý nhất – đây là điều không cần phải bàn cãi. Tuy vậy, chúng ta ít đào sâu vào câu hỏi làm gì để có được sức khỏe. Ngoài luyện tập thể dục thể thao thường xuyên, ngủ đủ giấc, sinh hoạt điều độ thì ăn uống chính là yếu tố quan trọng để có sức khỏe tốt. Chúng ta thấy rằng những người theo lối sống dưỡng sinh, ăn gạo lứt (gạo chà sơ) và thực phẩm tự nhiên có sức khỏe rất tốt. Ông Lý Ngọc Minh, người sáng lập thương hiệu gốm sứ Minh Long cho biết: “Với cường độ làm việc và di chuyển bằng máy bay liên tục 5-6 ngày/tuần, mỗi ngày liên tục 6-9 tiếng không dừng nghỉ, và ở lứa tuổi của tôi, nếu không phải là ăn uống thì sức khỏe đâu để làm việc?”. Ông Minh là người theo lối sống dưỡng sinh. Ông đọc nhiều sách và ngưỡng mộ những người như bác sĩ Hiromi Shinya - người Mỹ gốc Nhật, tác giả cuốn sách dưỡng sinh “Nhân tố enzyme” đang rất được ưa chuộng. Ông Minh kể dù đi đến quốc gia nào, ông cũng luôn mang theo chiếc nồi nhỏ để tự nấu cơm gạo lứt, và chỉ mua thức ăn ở nhà hàng.
Những người hay nấu ăn, tôi tin ít hay nhiều đều từng trải qua những “tai nạn” nấu nướng: nồi inox bốc khói chỉ sau vài giây đặt lên bếp, vừa đổ dầu vào chưa kịp phi thơm thì hành tỏi đã cháy đen kịt; nồi canh cua chuyển màu xanh lè sau nửa ngày để quên trong nồi nhôm, chảo đựng thức ăn mặn nổi u… Các loại chén bát, tô, ly, hộp đựng thức ăn đã có thể dễ dàng chọn chất liệu sứ hay thủy tinh nhưng còn nồi, người viết vẫn “lăn tăn” tìm kiếm. Mua thử chiếc nồi đất thì không ưng ý vì thức ăn bám chặt khó chà rửa và nhanh nứt vỡ, nồi thủy tinh giá cao…
Vì thế, dù đã tận mắt nhìn thấy những đầu bếp trổ tài luộc rau muống, bắp cải, luộc khoai, luộc gà không dùng nước, chiên chả giò nhiệt độ thấp nhưng khi mang chiếc nồi sứ nhỏ được tặng về nhà, tôi vẫn muốn tự tay mình thử nghiệm.
Người nấu có chút hồi hộp trong khi người nhà bật cười với ý tưởng luộc khoai lang không nước. Khoai rửa sạch xếp vào nồi, đặt lên bếp gas vặn lửa to, đến khi thấy hơi nước thoát ra từ nắp thì hạ lửa nhỏ trong 15 phút. Trong khi người dưới bếp còn đang hồi hộp thì kẻ trên nhà đã “báo động” khoai cháy! Cố đợi thêm 5 phút sau khi tắt bếp để khoai chín thêm bằng hơi nóng sẵn có trong nồi, mở vung đã có thể thở phào. Mùi thơm hơi khét vừa rồi chính mà mật rỉ ra từ khoai. Khoai chín bở, thơm, vỏ tróc không dính tay, vị ngọt tự nhiên. Vì không cần nước nên cách luộc mới này đã tiến thêm một bước trong việc giữ lại những hương vị tự nhiên của thức ăn, vừa không sợ mất đi các vitamin tốt trong thực phẩm, vừa không phải ép trẻ nhỏ trong nhà ăn rau nhớ phải uống cả nước luộc rau.
Riêng với cách chiên nhiệt độ thấp, người viết quan sát đầu bếp chiên trên chảo có gắn nhiệt kế. Nhiệt độ chảo dầu sôi chỉ xấp xỉ 130 độ trong suốt quá trình chiên, thời gian chả giò vàng lâu hơn các loại chảo thường dùng nhưng chả vàng đều, giòn lâu sau khi vớt ra. Ưu điểm dễ thấy là khi chiên nhiệt độ thấp, cả dầu ăn và thực phẩm đều không bị biến đổi cấu trúc, giúp giảm đi các nguy cơ về sức khỏe do ăn thực phẩm chiên xào.
Khá nhiều người đặt câu hỏi về màu xanh rêu của dòng sản phẩm nồi sứ dưỡng sinh mới của Minh Long, ông Minh đã lý giải: “Từ câu chuyện của đứa con út mà tôi biết rằng loài địa y chỉ mọc ở môi trường sạch. Màu xanh rêu là màu xanh địa y, là sạch, là lành với sức khỏe”.
Tất cả là lựa chọn – chọn cho mình và chọn cho gia đình
Khi bắt đầu làm khách hàng của một địa chỉ cung cấp thực phẩm mà người viết cho là tin cậy – rau củ quả canh tác theo lối tự nhiên, đa canh theo hướng mỗi khu vườn là một khu rừng và biết về người chủ, tiêu chí hoạt động… người viết chỉ dám mua rau vì lý do giá cả. Những lần nhận hàng đầu tiên đều chung một cảm quan là ngạc nhiên và thất vọng. Ngạc nhiên vì rau được gói trong lá chuối, buộc dây cỏ… nhận xong phải trả lại túi vải đựng hàng, thất vọng vì rau héo và xấu. Nhưng vì quyết định sẽ kiên trì với lựa chọn mới nên đã bỏ qua sự ưa thích những lá rau xanh mướt ngoài chợ, chúng tôi làm quen với các món rau quen và lạ (thực ra là rau dại) để nấu, ăn và cảm nhận hương vị không thể trộn lẫn - hương vị của các loại rau xanh mà khi xưa sống ở nông thôn, chúng tôi đã tự trồng cho gia đình. Dần dà, chúng tôi mua thêm cá biển, tôm, thịt… chấp nhận ăn ít đi một chút nhưng ngon lành và yên tâm.
Trở lại câu chuyện xoong nồi, ông Lý Ngọc Minh kể rằng thuở nhỏ ông thường phụ mẹ nấu ăn trong bếp. Ông đã thưởng thức những món ngon mẹ ông nấu trong nồi đất, trên bếp củi. Ông cũng từng vào bếp từ khi rất nhỏ và làm vỡ vô số chiếc nồi, cả nồi đất lẫn nồi gang. Ông kể: “Nồi đất truyền thống nấu ăn ngon nhưng độ bền kém, dễ vỡ lại hay hút ẩm sinh nấm mốc. Đừng khen nồi gang bền, chính tay tôi cũng làm vỡ không ít nồi gang của mẹ khi nấu nướng không đúng cách”. Chính vì vậy, ông ấp ủ ước mơ làm nồi sứ - đúng với ngành nghề và chuyên môn của ông. Chất liệu sứ có những ưu điểm nổi trội như không hút nước, không sản sinh ra các chất gây hại, độ bền cao… Nhưng từ ý tưởng đến khi có thể giới thiệu chiếc nồi sứ dưỡng sinh đến đông đảo người nấu ăn, phải đi qua hành trình 14 năm liên tục.
Ông Minh tự hào giới thiệu sản phẩm nồi, chảo, bình, ấm sứ dưỡng sinh Minh Long được làm từ chất liệu đất hiếm thiên nhiên, lành tính, an toàn cho sức khỏe vì không chứa các chất độc hại thường gặp như chì, cadmium…, sứ sốc nhiệt 800 độ nên chịu nhiệt rất tốt, độ bền cao, thức ăn nhanh chín, nhanh mềm và giữ nóng lâu, cứng chắc và khó bị nứt vỡ, hay bị rạn men, bung men trong khi sử dụng, thích hợp với những món kho cần kho đi kho lại nhiều lần. Tương tự nồi đất từ xa xưa, nồi sứ có đặc điểm làm chín thực phẩm bằng bức xạ hồng ngoại nên thực phẩm chín đều, sâu từ bên trong.
Hiện tại, nồi sứ nấu tốt nhất trên bếp ga và bếp điện. Minh Long đang nỗ lực hoàn thiện hơn sản phẩm nồi sứ nấu trên bếp từ để sớm ra mắt. Theo như chia sẻ của ông Minh, Minh Long đã nghiên cứu và làm ra nồi sứ nấu bếp từ rồi nhưng vẫn chưa đạt được các tiêu chuẩn như nồi sứ nấu trên bếp ga nên ông chưa muốn đưa sản phẩm ra thị trường.
Nồi inox dẫn nhiệt không đều, nồi nhôm dể sủi khi nấu món mặn, nồi đất dễ vỡ, nồi thủy tinh giá cao… Có lẽ, sản phẩm nồi sứ dưỡng sinh này chính là phương án tốt để mỗi gia đình Việt lựa chọn. Giá sản phẩm phù hợp với đại đa số các gia đình, chất lượng nấu ăn quá tuyệt vời từ những thí nghiệm như đã kể ở trên. Tuy vậy, người viết không khuyên bạn chọn nồi sứ mà lựa chọn là của bạn, cho bạn và cho gia đình bạn. Hãy không ngừng tìm hiểu và sàng lọc để mang về những gì hữu ích nhất cho mình và cho những người thân yêu.
Thế nào là bữa ăn an toàn?
Bữa ăn an toàn cần hội tụ 3 tiêu chí:
Nguyên liệu an toàn. Người Việt hiện tại rất chú ý tới thành phần trong thực phẩm. Nguyên liệu nấu ăn cần sạch, nguồn gốc rõ ràng, đáng tin cậy.
Phương pháp nấu an toàn: các phương pháp hấp luộc đang được tăng cường, giảm chiên, xào, làm đa dạng bữa ăn qua nhiều phương pháp nấu ăn khác nhau.
Đựng thức ăn an toàn. Sứ là lựa chọn hàng đầu của người Việt khi đựng thức ăn: tô, chén, đĩa.