Bài PV
TS Nguyễn Hữu Long
"Vừa qua, tôi có chia sẻ với sinh viên của một trường Đại học Bách Khoa về chủ đề khởi nghiệp. Tôi nói rằng, trước khi quyết định khởi nghiệp (hay làm bất cứ việc gì), đừng bắt đầu bằng câu hỏi thế nào, làm cách nào (tức HOW?), mà hãy bắt đầu bằng câu hỏi tại sao (WHY?). Và tôi cũng hỏi các bạn sinh viên “Tại sao phải hỏi tại sao?”. Đa số lúng túng với chuyện bắt đầu bằng câu hỏi tại sao, và lại còn câu hỏi: “Tại sao phải hỏi tại sao?”.
Tại sao phải khởi nghiệp, thay vì đi học tiếp hay đi làm ở một công ty nào đó? Và tại sao nhất thiết phải mở ra làm ăn, kinh doanh riêng gì đó thì mới gọi là khởi nghiệp; còn đi “bán chất xám” cho một công ty hay đi dạy ở một trường nào đó thì không là khởi nghiệp? Đó là những câu hỏi mà tôi hỏi các em, đồng thời muốn các em phải tự hỏi mình. Tôi cũng nhắc các em phải hỏi “tại sao” nhiều lần trước khi quyết định.
Gần đây phong trào khởi nghiệp rộ lên, làm cho nhiều người, đặc biệt là giới trẻ háo hức. Thậm chí đến nông dân, công nhân cũng nôn nao chuyện khởi nghiệp và lo lắng không biết khởi nghiệp bằng cách nào, thế nào. Như tôi đã đặt vấn đề trước những sinh viên mới ra trường, người ta có xu hướng lao vào làm gì đó theo phong trào, và tìm cách thức để thực hiện công việc, mà ít khi chịu đặt ngược vấn đề là tại sao mình phải làm việc đó.
Ông Nguyễn Hữu Long nói về khởi nghiệp với sinh viên ĐH Bách Khoa (ảnh trên) và các thành viên Group Phát triển doanh nghiệp Việt (ảnh dưới)
Nếu đặt câu hỏi tại sao một những người có ý định khởi nghiệp, hầu hết đều nói là vì họ thích được làm chủ, thích được tự do làm việc theo ý mình, thích chủ động về giờ giấc, thích làm giàu… Đó là những suy nghĩ sai lầm vì thực tế không phải cứ khởi nghiệp, lập doanh nghiệp làm ăn thì sẽ được tự do về giờ giấc, được làm việc tùy tiện, theo ý thích, hay chắc chắn sẽ trở nên giàu có… Chính vì suy nghĩ này mà nhiều bạn trẻ khởi nghiệp đã nhanh chóng bỏ cuộc khi mình không được tự do, thoải mái trong công việc như mình tưởng, mà trái lại, áp lực về tiền bạc, công việc, khách hàng, sản phẩm… luôn đè nặng lên vai. Người mở ra làm ăn kinh doanh riêng còn bận rộn, vất vả trăm lần hơn so với người đi làm thuê. Và nếu người làm thuê chỉ phục vụ cho một người chủ thì người khởi nghiệp phải phục vụ trăm, ngàn người chủ, đó là khách hàng của mình. Và khách hàng thì có khi còn khó tính hơn bất kỳ chủ doanh nghiệp nào. Tại sao phải khởi nghiệp? Thực ra, tôi chờ đợi câu trả lời của các bạn trẻ: “Tôi khởi nghiệp vì đam mê thôi thúc từ bên trong, vì tôi có năng lực làm việc này, và vì tôi biết chắc chắn thị trường cần thứ mà tôi định bán”. Nếu một bạn trẻ nào đó, có đủ ba thứ: (1) đam mê, (2) năng lực, và (3) thị trường thì đó cũng chỉ là điều kiện cần để bạn có thể khởi nghiệp, chưa phải là điều kiện đủ (còn rất nhiều thứ khác phải chuẩn bị cho khởi nghiệp). Nhưng nếu bất kỳ ai có ý định khởi nghiệp mà thiếu một trong ba thứ trên – không có đam mê, thiếu năng lực, thị trường không có hoặc không đủ lớn, thì tốt hơn hết là dừng lại, từ bỏ ý định khởi nghiệp. Đơn giản là vì thiếu một trong ba yếu tố đó, sự thất bại gần như là chắc chắn. Bạn không có năng lực, sao cạnh tranh nổi với đối thủ? Bạn không có đam mê, sao chịu được khó khăn, thách thức? Sản phẩm của bạn không có thị trường thì làm sao bán được? Ấy vậy mà nhiều bạn trẻ khởi nghiệp lại không hề quan tâm đến ba yếu tố sống còn này.
Trở lại câu hỏi tại sao phải khởi nghiệp; và tại sao phải hỏi tại sao. Nếu không có được câu trả lời rõ ràng, tự tin cho những câu hỏi tại sao này, thì việc chạy theo phong trào khởi nghiệp là hết sức nguy hiểm.
Lời khuyên cho những người khởi nghiệp là hãy hỏi tại sao, và phải hỏi nhiều lần câu hỏi tại sao!”
Nguyễn Hữu Long