Sau 4 năm ra mắt cuốn sách hướng nghiệp được yêu thích “Cứ đi để lối thành đường”, tác giả Hồ Phụng Hoàng (Phoenix Ho) vừa tiếp tục giới thiệu ra mắt ấn phẩm hướng nghiệp thứ hai - “Cùng con định hướng nghề nghiệp” viết cùng Thạc sĩ Trần Thị Thu.
Phoenix Ho là Thạc sĩ tham vấn chuyên ngành Phát triển nghề nghiệp, đại học Santa Clara, Hoa Kỳ; Thạc sĩ Quản trị giáo dục, đại học RMIT, Úc. Phoenix có 12 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực hướng nghiệp.
Thạc sĩ Trần Thị Thu có 45 năm kinh nghiệm trong ngành giáo dục và gần 20 năm trong lĩnh vực giáo dục hướng nghiệp. Bà là cán bộ nghiên cứu về chương trình, sách giáo khoa và giữ chức trưởng phòng Hướng nghiệp trong thời gian công tác tại Trung tâm Lao động Hướng nghiệp của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
|
“Cùng con định hướng nghề nghiệp” được viết cho các cha mẹ và những người đang làm việc với các bạn trẻ, mong muốn giúp người trẻ phát triển trong nghề nghiệp, hiểu hơn về bản thân và tìm được nghề đúng theo phương pháp khoa học.
Hướng đến những cha mẹ bận rộn, vì thế sách chia các phần nội dung theo lứa tuổi của trẻ để cha mẹ tiện theo dõi và thực hành tại nhà.
Với cha mẹ có con từ 3-8 tuổi thì quan trọng nhất là cách trò chuyện, tương tác với con để hiểu về đặc tính và sở thích của con. Thạc sĩ Phoenix cho biết có thể chính con chưa chắc đã thấy rõ về mình, cho đến khi có một tấm gương phản chiếu trước mắt là cha mẹ. Tuy nhiên, cha mẹ cần lưu ý sử dụng ngôn ngữ, cách đối thoại trung dung, nói về điều có thật theo cách khách quan khi trò chuyện với con. “Phoenix đã từng nghe một bạn trẻ nói bạn sợ được ba mẹ khen. Ba mẹ khen “vô tội vạ” và bạn không tin là bạn giỏi”, Thạc sĩ Phoenix kể.
Từ sở thích đến khả năng phải trải qua một chặng đường dài với sự quan sát và trải nghiệm. Vì thế cha mẹ có con ở độ tuổi 8-12 tập trung vào việc cho con trải nghiệm có chọn lọc. Cha mẹ giúp con phân tích, lựa chọn xem từ sở thích nên chọn hoạt động trải nghiệm nào và nên chọn trải nghiệm miễn phí trước rồi mới tiến đến các trải nghiệm có phí.
Thế giới nghề nghiệp thay đổi rất nhanh. Từ 13 tuổi trở lên là độ tuổi trẻ bắt đầu tìm hiểu về thế giới nghề nghiệp và không ai nên làm thay trẻ. Cha mẹ hãy để con tự tìm hiểu để làm một nghề nào đó thì tố chất nào là quan trọng và liệu công việc đó có giúp nuôi sống trẻ trong tương lai hay không. Thạc sĩ Phoenix cũng gợi ý đến việc cha mẹ tạo ra một cộng đồng hướng nghiệp – nơi các phụ huynh tạo cơ hội cho trẻ quan tâm đến ngành nghề của phụ huynh tìm hiểu thông tin thực tế về nghề. Tuy nhiên, sự hỗ trợ này là cho thông tin chứ không phải nhờ vị phụ huynh đó hướng nghiệp cho con mình.
|
“Cùng con định hướng nghề nghiệp” là sách thực hành, vì thế cha mẹ nên đọc kỹ mục lục sách và chọn mục mình thấy hứng thú. Sau đó sử dụng nguồn tài nguyên miễn phí để thực hành cho bản thân trước, rồi thực hành cùng bạn đời và cuối cùng mới thực hành với con. Tài nguyên là các bài trắc nghiệm, công cụ bổ trợ cho hành trình cùng con định hướng nghề nghiệp được cập nhật mỗi 6 tháng tại website của hướng nghiệp Sông An.
Một điều quan trọng nữa là hoạt động trò chuyện, lắng nghe mang tính đồng hành hướng nghiệp này cần được thực hiện định kỳ theo tuần hoặc theo tháng. Ngoài ra, cha mẹ rất nên đi học và tìm các lớp học đưa ra kiến thức căn bản để hiểu tâm lý của con và tâm lý của chính mình, đừng tìm kiếm câu trả lời nhanh. “Không một cuốn sách hay chuyên gia nào có thể thay thế bạn trong hành trình đồng hành cùng con”, thạc sĩ Phoenix cho biết.