Bài: Thùy Dung
Thống nhất quan điểm
“Cha mẹ không có tính tiết kiệm sẽ không thể dạy con mình tiết kiệm” - Thạc sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An đã chia sẻ trong một buổi trò chuyện cùng các phụ huynh và học sinh như thế. Việc giáo dục một đứa trẻ luôn bắt đầu từ nền móng của gia đình với vai trò quan trọng nhất là cha mẹ. 70% tính cách của con cái là sự tổng hòa giữa tính cách của cha và mẹ. Cha mẹ không thống nhất quan điểm nuôi dạy con sẽ tạo ra “kẽ hở” để trẻ từ từ phá tan những quy tắc mà họ dày công gây dựng. Do vậy, cách dạy con tốt nhất, thật và đơn giản nhất là các bậc cha mẹ hãy cố gắng trở thành người mà mình muốn con trở thành.
Giới hạn thời gian. Bạn có thường lên lịch làm việc hàng ngày, hàng tuần và con bạn cũng có thời khóa biểu? Vậy việc sử dụng điện thoại và máy tính để online cũng cần được cha mẹ quy định thời gian cụ thể khi nào và bao lâu. Tùy theo độ tuổi của con mà gia đình bạn sẽ cùng thảo luận những con số. Một điều nữa bạn nên lưu ý là hãy đảm bảo máy tính được để ở nơi cha mẹ có thể thấy cũng như các con sẽ không mang điện thoại vào giường ngủ. Tắt sóng wifi khi tới giờ đi ngủ sẽ khiến người
lớn khó chịu trong thời gian đầu nhưng lại là cách tốt để “làm gương” cho con trẻ.
Chọn bạn mà chơi
“Chọn bạn mà chơi” vẫn đúng cả trong thế giới thật lẫn thế giới ảo. Hãy nói với con chỉ kết bạn với những người con biết trong đời thật. Theo dõi những người bạn có những status, hình ảnh tích cực và hủy theo dõi hay thậm chí ngừng kết bạn với những người hay than thở, khoe khoang hay thường chia sẻ những tin tức giật gân... Th.S Đào Lê Hoài An còn “mách” các bạn trẻ cách để xác minh người đang mời kết bạn: “Hãy vào trang riêng của người ấy để xem lịch sử hoạt động của người ấy. Tài khoản sử dụng ảnh thật, tên thật và có lịch sử sử dụng mạng xã hội đó một thời gian dài đáng tin hơn tài khoản mới vừa thành lập. Một cách khác nữa là yêu cầu người mời kết bạn chụp một kiểu ảnh đặc biệt (theo mô tả của bạn) – nếu trong vòng 30’ người đó không làm được thì nhiều khả năng đó là một tài khoản mạo danh sử dụng ảnh của người khác.
Suy nghĩ trước khi đăng
Hãy đề nghị và khuyến khích con bạn “chậm lại một nhịp” trước khi đăng tải hay chia sẻ bất cứ thứ gì trên trang cá nhân của chúng. Các bạn trẻ khi có ấm ức với bạn bè, bất đồng với thầy cô... liền lên mạng để “đá xéo”. Cứ viết ra cho thỏa cơn tức giận, cảm xúc nhưng hãy chờ đến khi cảm xúc lắng dịu rồi mới quyết định đăng hay hủy. Ngoài ra cần lường trước hậu quả của những status hay hình ảnh không tích cực. Thử hỏi con: “Có sẵn lòng xin lỗi công khai cô giáo/ bạn nếu việc nói xấu trên mạng ảnh hưởng đến cuộc sống của con?” Hướng con bạn đến tương lai của chúng – khi con là một ứng viên tìm việc thì tham khảo trang cá nhân cũng là một cách để các nhà tuyển dụng đánh giá và quyết định tuyển dụng.