Bài và ảnh: Lữ Khách
Đoàn du lịch chúng tôi đã vòng qua Seoul, đến thẳng đảo Nami, là một đảo sông nhỏ hình bán nguyệt rộng 46 ha, nằm ở Chuncheon, cách thủ đô Seoul 63 km về phía đông. Nhìn từ xa Nami như một chiếc thuyền lá khổng lồ trên mặt sông Bắc Hán thơ mộng. Khác với những hòn đảo được thiên nhiên ban tặng, Nami là hòn đảo nhân tạo do năm 1944 xây dựng đập nước Cheongpyung, nước sông Bắc Hán tràn ngập hình thành.
Nami, mùa tuyết tan
Nami nguyên là hòn đảo hoang vu, năm 1965, ông Min Bingtao mua lại hòn đảo, đầu tư thành khu du lịch sinh thái. Năm 2001, phim truyền hình "Bản tình ca mùa đông" lấy nơi đây quay ngoại cảnh, khiến hòn đảo nhỏ này càng tiếng tăm lừng lẫy. Ngày 1 tháng 3 năm 2006, ông Min tuyên bố thành lập "Nước công hòa Naminara", chẳng ai coi đó là hành động phản loạn mà chỉ làm tăng thêm nét thú vị cho du khách.
Hòn đảo xinh đẹp này được đặt theo tên của vị tướng Nami nổi tiếng – người đã có công lớn giúp vua Thế Tổ (Sejo) Triều Tiên dẹp loạn vào thế kỷ 13 và đã chết oan ở tuổi 28 do bị gian thần vu cáo mưu phản, 300 năm sau mới được minh oan.
Đến đảo Nami phải mất 8.000 won phí "visa" (thực chất là vé vào cổng), tuy số tiền không tới 10 USD, nhưng nếu nhân với số 1,5 triệu lượt người hằng năm mới biết thu nhập tài chánh của "nước cộng hòa" lớn cỡ nào. Ngay cổng vào, treo cờ LHQ và quốc kỳ "Cộng hòa Nami" gồm trăng và sao.
Lên đảo phải qua phà hết 10 phút, tôi vô cùng thích thú khi thấy những tảng băng trôi nổi trên sông. Kẻ sinh trưởng ở vùng nhiệt đới lần đầu tiên được sờ tay vào tảng băng thiên nhiên thật thú vị. Những người bạn ở xứ sở có tuyết thường kể với tôi rằng, đừng sợ tuyết rơi, chỉ sợ tuyết tan, vì tuyết tan sẽ hấp thu nhiệt, là lúc lạnh nhất. Đến đảo Nami, tôi mới thấu hiểu được điều đó. Tôi đánh giá thấp uy lực của thần băng giá, nên đã run cầm cập, ngón tay đơ cứng, gần như không bấm nổi máy hình nữa, đường thì sình lây, nước bùn thấm qua cả giầy vớ, rét thấu xương.
Cách đó không xa, một căn nhà gỗ đơn sơ treo biển "Ngân hàng trung ương Cộng hòa Naminara" bằng 3 thứ tiếng Hàn, Trung, Anh, chỉ có 1 nhân viên kiêm thống đốc ngân hàng đang ngồi buồn thiu chờ khách đến đổi tiền. Đây có lẽ là ngân hàng nhỏ nhất thế giới.
Lãng mạn “Bản tình ca mùa đông”
Mười bốn năm trước, khi câu chuyện tình yêu của hai diễn viên chính Bae Yong Joon và Choi Ji Woo trong bộ phim trứ danh Bản tình ca mùa đông khép lại, lượng du khách đến với đảo Nami tăng gấp đôi, trong đó khách nước ngoài chiếm 1/3. Những năm tiếp theo từ 2003 đến 2005, du khách tiếp tục tăng, đặc biệt là từ Nhật Bản. Chính vì sức ảnh hưởng lớn của bộ phim nên hai bức tượng đồng chân dung Bae Yong Joon và Choi Ji Woo đã được đặt tại hòn đảo. Nhiều địa điểm từng được bộ phim này ghi hình trên đảo Nami như chiếc ghế đã mà 2 người trao cho nhau nụ hôn đầu tiên, cũng được đánh dấu và trang trí hình ảnh kỷ niệm của đoàn phim. Khán giả từng xao xuyến khi xem hai nhân vật chính cùng trên chiếc xe đạp dưới con đường mùa đông phủ đầy tuyết trắng giữa hai hàng cây. Tôi lên đảo gặp tuyến tan, cũng hàng cây đó, cũng con đường đó, nhưng kém phần thơ mộng hơn trong phim một chút.
Hòn đảo của tình yêu và đồng thoại
Ngay tại bến phà, có ngọn tháp cao, du khách có thể chọn phương thức mạo hiểm: đi cáp trượt. Khác với cáp treo bên mình, du khách đuợc ngồi trong xe trong suốt, đi cáp trượt như ngồi trên chiếc ghế có thắt dây an toàn, không có động cơ, chỉ nhờ trọng lực trượt qua bờ bên kia, mỗi lần chỉ đi 2 người với chiều dài 640 m. Giá cáp trược khá cao: 38.000 won/người trong khi qua phà chỉ mất 8.000 won (khoảng 190.000 VNĐ/10.000 won), lai còn phải kiểm tra cân nặng (<120 kg) thế mà người đi vẫn xếp hàng rất đông.
Bước lên đảo, ngay dưới sông bên trái, có một "nàng tiên cá" ngày đêm lội nước đưa đón khách không biết mệt mỏi. Đến gần thì thấy "người đẹp" có đôi chân lành lặn, không phải mình người đuôi cá như trong truyện cổ tích Andersen. Đây là bức tượng đồng được đúc khi xây mộ tướng Nami, nhưng chủ đảo Min thấy tượng đồng sexy quá, không hòa nhập được không khí bình yên trên đảo, nên đã vứt bỏ xuống sông, sau lại được nhân viên dựng lại ở ven sông, trở thành biểu tượng của đảo.
Để thể hiện tư tưởng "lập quốc" thân thiện với môi trường của "nước cộng hòa", đảo Nami đã tận dụng các loại phế liệu như lon bia, túi nilon, đá... để làm các tác phẩm có ý nghĩa. Sau đây là "Cửa người tình" khắc hình tài tử trong phim "Bản tình ca mùa đông" được xếp bằng đá và lon bia đã thu hút nhiều du khách đến chụp hình:
Chu vi đảo 5 km, đi bộ mất chừng 3 giờ. Ngoài đi bộ, du khách có thể lựa chọn nhiều phương tiện giao thông khác (phải trả tiền) như xe đạp đôi, xe máy giả dạng ô tô xưa, xe lửa điện... Hai bên đường đủ các nhà hàng đông-tây, bánh pizza, quán cà phê và... kem(!). Trời lạnh vậy mà vẫn thấy người Hàn Quốc ăn kem. Một trái bắp nướng giá 3.000 won (gần 60.000 VNĐ), quá mắc so với bên mình.
Những con đường chính trên đảo thường trồng từng loại cây nhất định và mang tên loài cây đó như đường Ngân hạnh, đường Bạch dương, đường Thông đỏ, đường Hoa anh đào, đường Lá phong... khiến đảo mỗi mùa một màu sắc khác nhau.
Khu trung tâm đảo là một bãi cỏ xanh mướt rộng 260.000 km2 với những cây hạt dẻ và bạch dương bao quanh, thích hợp cho các cuộc dã ngoại. Ngoài ra, một vườn thú, một vườn bách thảo, một chiếc hồ rộng với những chiếc thuyền mộc nho nhỏ và nhiều khu vui chơi giải trí khác sẽ mang lại cho bạn nhiều thú tiêu khiển nhẹ nhàng. Tất cả hệ thống dây điện và dây cáp đều được đặt dưới lòng đất để bảo đảm vẻ đẹp tự nhiên nhất cho đảo.
Bên cạnh phong cảnh tuyệt đẹp, Nami còn có danh hiệu là “Hòn đảo của những câu chuyện thiếu nhi” bởi sự xuất hiện của những cái chòi cùng những tủ sách tiếng Hàn và tiếng Anh, dành cho du khách và các em đọc miễn phí. Trên tuyến đường chính của đảo treo nhiều các tấm panô giới thiệu những câu chuyện cổ tích, dân gian, thần thoại… nổi tiếng của nhiều nước trên thế giới như Chuyện cổ Grim, truyện Andersen, Truyện cổ Ấn Độ… Riêng Việt Nam có các truyện: Trầu cau, Tấm cám, Thánh Gióng… được dịch ra tiếng Anh và tiếng Hàn. |