Bài: BS Nguyễn Kim Oanh (BV Phụ sản Hùng Vương)
Bởi vì đau bụng bất thường có thể là dấu hiệu báo bệnh nguy hiểm, nguy cấp.
Vùng bụng được giới hạn bởi các xương sườn và cơ hoành ở trên, xương vùng chậu dưới và hai bên hông. Đau bụng có thể phát sinh từ các mô cửa thành bụng bao quanh khoang bụng hoặc từ các cơ quan trong ổ bụng bao gồm dạ dày, ruột non, đại tràng, gan, túi mật, lá lách, tụy… Đôi khi cơn đau có thể được cảm nhận trong bụng nhưng nó phát sinh từ các cơ quan lân cận như thận, tử cung, buồng trứng.
Những phụ nữ đang độ tuổi sinh đẻ gặp những cơn đau không kèm theo sốt thì nên nghĩ đến chửa ngoài tử cung nhưng cũng có thể là u nang buồng trứng xoắn. Nếu kèm theo sốt, cần nghĩ đến viêm phần phụ nhưng không loại trừ viêm ruột thừa hay viêm đại tràng sigma (đoạn cuối đại tràng trước trực tràng).
Nhận biết các cơn đau
Bạn cần biết điều này để cung cấp cho bác sĩ, nhờ đó xác định được nguyên nhân gây ra đau.
- Thời gian đau: đau tăng lên, giảm xuống trong vài tháng, năm hoặc đau kéo dài vài giờ, một hay nhiều ngày, xuất hiện chu kỳ vài tuần hoặc vài tháng.
- Các kiểu đau: đau quặn do co bóp hay đau liên tục.
- Các vị trí của cơn đau: vùng bụng chia làm 4 phần: vùng trái, phải, trên, dưới. Xác định vị trí của cơn đau để biết được cơ quan nào trong cơ thể đang bị tổn thương.
- Cơn đau bắt đầu khi nào? Điều gì làm cơn đau tệ hại hơn? Nó có trầm trọng hơn khi ho, hắt hơi hoặc chuyển động mạnh không? Điều gì giảm đau? Đi cầu, nôn hay uống thuốc giảm đau có thể giảm tạm thời các cơn đau?
Khám tổng quát để tầm soát bệnh
Bác sĩ khám để có thể thêm manh mối xác định nguyên nhân gây đau
- Xét nghiệm: công thức máu (CBC), men gan, men tụy, phân tích nước tiểu.
- Chụp X-quang không cản quang: (gồm thận, niệu quản, bàng quang) hiển thị hình dạng và vị của sỏi.
- Chụp X-quang có cản quang (giúp hình ảnh rõ ràng hơn để chẩn đoán loét, viêm và tắc nghẽn ruột.
- Siêu âm: chẩn đoán sỏi mật, viêm ruột thừa, viêm túi mật, u nang buồng trứng. chụp CT, cộng hưởng từ (MRI): chẩn đoán viêm, ung thư tuyến tụy, viêm ruột thừa, túi thùa áp xe trong bụng.
- Nội soi: để chẩn đoán tổn thương chảy máu không nhìn thấy trên X-quang hay CT scan.
- Siêu âm nội soi (EUS): dùng khi siêu âm bình thương hay ảnh chụp CT hoặc MRI không phát hiện được.
Những bệnh liên quan đến đau bụng
Đau bụng có thể cảnh báo một số bệnh:
- Viêm tụy: bắt đầu với những cơn đau dần dần hoặc đột ngột ở vùng bụng trên, đôi khi lan ra bên sườn và lưng. Có thể làm bao tử đau sau khi ăn hoặc buồn nôn, bụng sưng, đau, sốt và mạch nhanh. Có thể dẫn đến biến chứng gây chảy máu, nhiễm trùng và tổn thương mô vĩnh viễn.
- Bệnh Cron (đau ở bụng dưới bên phải), viêm loét đại tràng (đau ở bụng dưới trái): có máu trong phân, sốt, giảm cân không rõ nguyên nhân, phát ban da, mệt mỏi, đau khớp.
- Thai ngoài tử cung: nếu có thai và có cơn đau dữ dội đột nhiên xuất hiện ở vùng bụng dưới
- Viêm ruột thừa: ban đầu, đau ở vùng bụng dưới bên phải gần rốn. Sau 6 - 8 giờ đau càng nhiều hơn, lan ra khắp vùng bụng dưới phải. Khi đi bộ, cơn đau càng tệ hơn. Bạn có thể mất cảm giác ngon miệng kèm nôn ói, buồn ói, sốt nhẹ.
- Sỏi mật: đau bụng trên bên phải, có thể lan rộng, nôn ói.