Với hình thức trình chiếu trực tuyến Digital show, bộ sưu tập (BST) “Sculpture” của nhà thiết kế (NTK) Việt vừa được trình chiếu lúc 11h30 ngày 25/9 theo giờ Italia (16h30 giờ Việt Nam) trên website của Camera Nazionale della Moda Italiana.
Khai thác nguồn cảm hứng phương Đông kết hợp với văn hoá mang âm hưởng phương Tây, BST “Sculpture” tôn vinh sự dũng cảm, tự do và niềm đam mê, nhiệt huyết trong hành trình sự nghiệp của nữ điêu khắc gia Điềm Phùng Thị - một tên tuổi đã rạng danh của nền điêu khắc thế giới, từng được ghi danh trong Từ điển LaRousse: Nghệ thuật thế kỷ XX. Bà có khả năng biến hóa và sáng tạo nên vạn vật hữu hình từ những ý tưởng vô hình, chuyển biến từ sự thuần Việt thành một ngôn ngữ mới. Từ những mẩu gỗ thừa hình vuông, chữ nhật, hình thang, bà tạo ra một nghệ thuật điêu khắc trên cơ sở lắp ghép và biến tấu 7 mô-đun hình học.
Nguồn cảm hứng từ điêu khắc Điềm Phùng Thị không chỉ tôn vinh sự độc bản trong cách chơi khối được tính toán thông minh, mà còn kết nối với quá trình chuyển mình, hết lòng theo đuổi đam mê của bà - người phụ nữ bén duyên với điêu khắc ở tuổi 40. Khám phá những điều mới mẻ ở bản thân và thông điệp phá bỏ mọi giới hạn cũng chính là điều mà thời trang của nhà mốt hướng đến thông qua ngôn ngữ của “Sculpture”.
Hình tượng người phụ nữ độc bản - tự do - phóng khoáng dựa trên những chuyển biến hình khối trong các tác phẩm của nữ điêu khắc gia được khắc họa lại bằng ngôn ngữ thời trang.
Kỹ thuật giải cấu trúc, draping, thêu đính, sơn mài, in hình kỳ công trên nền những chất liệu đương đại như lụa, linen, tuýt si, nhung, da…
Nhà thiết kế cho biết anh cùng đội ngũ của mình đã mất hàng trăm giờ thử nghiệm và sáng tạo bằng tất cả sự trau chuốt, tỉ mỉ nhất để đưa ra một BST kết hợp đa mảng miếng về màu sắc và chất liệu
Chia sẻ về BST, Phan Đăng Hoàng cho biết khó khăn lớn nhất là phải biến những ý tưởng có phần đặc biệt trở thành sản phẩm thời trang có thể đi vào đời sống thường nhật. Quan trọng hơn là thổi hồn vào trong từng bộ trang phục, để ai cũng có thể nhìn thấy được dáng hình điêu khắc của Điềm Phùng Thị cũng như tình yêu bà dành cho bộ môn nghệ thuật này.
Ảnh: NTKCC