Bài: PV
Ngày 4/1/2017 đình Đồng Lạc được gắn biển đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch.
Ban quản lý Phố cổ Hà Nội được UBND quận Hoàn Kiếm giao quản lý, phát huy giá trị di tích đình Đồng Lạc tại số 38 Hàng Đào, đồng thời phối hợp với Công ty TNHH Quốc tế Tam Sơn tổ chức trưng bày, giới thiệu những sản phẩm thủ công cao cấp kết tinh từ vốn sống phong phú và tay nghề tài khéo của những nghệ nhân xuất sắc của Việt Nam, như: sơn mài, Lãnh Mỹ A, giấy Dó, đồ thêu tay...
Đình Đồng Lạc là nơi thờ vọng thần Cao Sơn, Linh Lang, Bạch Mã. Đình cũng là nơi bán các sản phẩm yếm lụa từ thời Lê – thế kỷ thứ XVII. Tuy nhiên, trải qua nhiều biến động của lịch sử, ngôi Đình đã bị tàn phá nặng nề. Năm 1941, Đình được xây dựng lại với quy mô hai tầng, dùng để bán hàng và nhà ở. Năm 1956, Đình lại được sử dụng làm cửa hàng bách hóa. Đến năm 2000, thành phố Hà Nội (Việt Nam) và thành phố Toulouse (Cộng hòa Pháp) đã chọn ngôi Đình để trùng tu, bảo tồn. Dấu vết còn lại của ngôi Đình là hai đầu dư mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn và tấm bia đá dựng năm Tự Đức (1856) trên đó ghi rõ: “Đình chợ có bán yếm lụa do hiệu chủ Nguyễn Công Trung và vợ là Nguyễn Thị Từ Thiết xây dựng từ thời Lê”.
Đình Đồng Lạc 38 Hàng Đào đã được xếp hạng là Di sản Văn hoá.
Năm 2004, Đình Đồng Lạc được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xếp hạng là di sản cấp Quốc gia, nơi giới thiệu kỹ thuật xây dựng truyền thống, kết hợp kỹ thuật tôn tạo hiện đại.
Ông Đỗ Đình Hồng, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội phát biểu: “Đình Đồng Lạc, tiếng Hán Việt“Đồng” là cùng nhau, là sum vầy, hội tụ; “Lạc” là an lạc, là hạnh phúc; Đình Đồng Lạc có nghĩa là nơi hội tụ để hưởng an lạc, hạnh phúc. Với ý nghĩa này hy vọng sự phối hợp trưng bày các sản phẩm truyền thống tại di tích cổ sẽ thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế, là điểm đến không thể bỏ qua trong hành trình tour khám phá văn hóa lịch sử Hà Nội ”.
Du khách đến tham quan sẽ được chiêm ngưỡng toàn bộ kiến trúc của một ngôi đình từ cánh cửa mang đậm dấu vết của thời gian với dòng chữ “Đồng Lạc quyến yếm thị” đến những câu đối cổ được đặt khắp nơi. Khoảng sân sau trồng hoa cỏ hẹp và thắt lại theo kiến trúc chung của những ngôi nhà ở phố Hàng Đào. Kết cấu mái với cột đỡ hình đầu rồng nguyên bản vẫn còn được giữ nguyên vẹn.
Các sản phẩm truyền thông được trưng bày tại di tích cổ.
Trong không gian ấy du khách sẽ có dịp khám phá tinh hoa sơn mài Việt hiện diện trên những chiếc bàn sơn mài tuyệt mỹ, những chiếc bình cẩn trứng cầu kỳ, những bộ nữ trang tinh tế chăm chút vô cùng tỉ mỉ, những hộp trà mang bên trong hình khối và chất liệu là cả câu chuyện kể bất tận về ký ức và một vùng văn hóa. Và bạn sẽ được thấy tận mắt thứ lụa cầu kỳ duy mỹ số một Việt Nam: Lãnh Mỹ A- do Hanoia là nhà cung cấp độc quyền.
Được biết, tại đây từ tháng 1 năm 2017, Hanoia sẽ tổ chức các buổi đàm đạo xoay quanh các câu chuyện về văn hóa và phong cách sống được thực hiện định kỳ hàng tháng, với khách mời là các học giả - nhà nghiên cứu- nghệ sĩ... uy tín.