Vốn có như vậy là bởi, không chỉ quý giá sau vàng, với người châu Á, bạc còn là thứ kim loại chế tác thành những món đồ trang sức mang màu sắc tâm linh, phong thủy, giúp ích cho sức khỏe và đem tới may mắn, hanh thông cho người đeo.
Để chế tác bạc trang sức, những người thợ có các phương cách như: Trơn, đấu, đậu, chạm. Trơn là gò những tấm bạc dát mỏng thành hình khối của sản phẩm. Đấu là ghép các chi tiết lại với nhau. Đậu là kéo bạc thành những sợi mảnh và uốn thành những chi tiết trang trí. Chạm là chạm trổ các chi tiết, hoa văn.
Tùy từng loại sản phẩm, mô hình, mẫu vật, hoa văn mà người thợ chọn phương cách kỹ thuật để gia công, chế tác cho thành.
Được chia thành hai dòng, dòng bạc trang sức cổ, truyền thống và dòng bạc trang sức hiện đại, hiện nay, người tiêu dùng thời trang bạc có rất nhiều lựa chọn. Những trang phục cổ, mang hơi hướng truyền thống như: Áo dài, trang phục cách tân từ trang phục cổ, trang phục thiết kế, trang phục cá tính… thường sẽ “tương thích” với các dòng sản phẩm bạc cổ. Còn những trang phục hiện đại như: Váy đầm, thời trang công sở, thời trang dạo phố, đi biển sẽ hợp với các dòng bạc trang sức hiện đại - tức những món đồ chế tác đơn giản, họa tiết hiện đại và mảnh, nhẹ, đơn giản hơn.
Nếu xét về giá trị, ngoài giá trị của khối lượng bạc làm nên trang sức thì những sản phẩm bạc cổ vẫn có giá cao hơn hẳn các sản phẩm trang sức hiện đại thông thường. Điều đó là bởi, để có thể chế tác các sản phẩm bạc cổ không chỉ cầu kỳ, đòi hỏi kỹ thuật cao, bí quyết gia truyền mà nó còn phải được thực hiện hầu như thủ công hoàn toàn, thậm chí phải bởi những đôi tay khéo léo nhất, lành nghề nhất.
Ở dòng trang sức bạc cổ, để làm nên những món trang sức bắt mắt, người thợ bạc xưa vẫn thường bám lấy những mẫu vật, họa tiết, hoa văn, hình khối vốn đã thành “ước lệ” trong tâm trí nhiều thế hệ như: hoa cúc, mai, đào, sen… hay các loại cây như: tùng, trúc… hoặc các loại con như: phượng, rồng, chim chóc…
Đây được xem là dòng trang sức thu hút những người sử dụng thời trang yêu văn hóa, yêu nét đẹp truyền thống, bản sắc dân tộc… Mỗi món vật là vô số mồ hôi, công sức, sự khéo léo, tinh xảo của người thợ đổ vào. Cùng với đó là những nét tinh hoa lâu đời, bí quyết gia truyền của nghề được truyền vào, thấm đẫm tính nghệ thuật, mang đến hồn cốt sâu sắc cho bối vật.
Trong khi đó, các dòng sản phẩm thuộc thị trường trang sức hiện đại lại khác. Có thể sản xuất theo dây chuyền hoặc chỉ một phần công đoạn trong số chúng được sản xuất thủ công. Chính vì vậy mà trang sức bạc đắt có, rẻ có, người tiêu dùng có thể thỏa thích lựa chọn theo nhu cầu và mức độ kinh tế cá nhân.
Dù đa dạng về giá, về mẫu mã và về kiểu dáng, hướng đến nhiều tầng lớp khách hàng nhưng thế giới của bạc vẫn có nhiều đặc trưng hơn hẳn các thế giới khác. Điều đó có thể kể đến yếu tố phong thủy và tâm linh của bạc. Bạc là một trong số ít những món đồ trang sức mà người ta có thể dùng trong y học dân gian như... cạo gió. (Tức dùng trang sức bạc chà lên người bệnh, dọc sống lưng, vùng lõm bàn tay, chân, thái dương... để hút khí độc ra giúp người ốm, bệnh khỏe hơn). Bạc cũng là kim loại được các chuyên gia, y khoa xem là vật có tính sát khuẩn cao, được ứng dụng trong y học cả cổ xưa, lẫn hiện đại.
Người xưa còn quan niệm "được bạc thì sang, được vàng thì rủi" với hàm ý bạc mang điềm lành, an yên hơn cho con người. Bạc cũng là vật dùng để trừ tà, tạo sự an yên cho con người trong quan niệm dân gian. Chính vì vậy mà bạc cùng với đá quý khi chế tác trang sức phong thủy (hợp mệnh, hợp tuổi) luôn được ưu tiên.
Cần kể đến thêm nữa là không gian trưng bày và bán các sản phẩm bạc. Nếu như chọn và "chơi" vàng, đá quý là đẳng cấp "chơi" về độ sang trọng, giàu có, sành điệu thì "chơi" bạc lại khác hẳn. Không gian để trưng bày và bán các sản phẩm trang sức bạc cũng thường khác biệt. Không gian không cần sang trọng như các showroom giới thiệu trang sức đá quý khác mà chỉ cần cầu kỳ, đúng phong vị truyền thống dân tộc của loại bạc ( Ý, Lào, Thái hay Việt Nam) mà nó trưng bày, giới thiệu.
Ảnh: Hi' de Maison, Kim Bán Trôi nước (Nguyễn Văn Phước)