Tác giả: BS Nguyễn Kim Thanh – Phòng khám đa khoa Vigor Health
Ảnh hưởng tức thời của chế độ ăn nhiều chất béo tới sức khỏe:
Đầy hơi:
Một chế độ ăn nhiều chất béo sẽ làm tăng sinh khí và làm chậm quá trình làm trống dạ dày (chậm đẩy thức ăn từ dạ dày xuống ruột) gây ra triệu chứng đầy hơi và khó chịu vùng thượng vị. Sau khi ăn một bữa ăn nhiều dầu mỡ sẽ gặp phải các triệu chứng như ợ hơi liên tục, cảm giác đầy bụng, khó tiêu, chướng bụng. Những thức ăn nhiều dầu mỡ được chiên lâu như khoai tây chiên, các loại thịt được chế biến như thịt xông khói, xúc xích chứa nhiều muối làm tăng quá trình sinh hơi và đầy hơi.
Trào ngược acid dạ dày và ợ nóng:
Trào ngược acid dạ dày xảy ra khi một lượng acid dạ dày trào ngược vào thực quản gây ra triệu chứng đắng miệng, ợ nóng, ợ chua, buồn nôn, nôn, khó nuốt. Thức ăn nhiều dầu mỡ là nguyên nhân phổ biến gây nên trào ngược acid dạ dày và triệu chứng ợ nóng.
Táo bón: Chế độ ăn nhiều chất béo có thể ảnh hưởng tới những cơ quan của hệ tiêu hóa, điển hình là dạ dày và đại tràng. Thức ăn nhiều dầu mỡ có thể làm liệt dạ dày tạm thời hay làm chậm quá trình tống thoát thức ăn khỏi dạ dày trong quá trình tiêu hóa. Nếu chế độ ăn có nhiều chất béo bão hòa, chúng sẽ làm giảm lượng chất xơ ăn vào, điều đó có thể gây ra táo bón thường xuyên.
Ảnh hưởng lâu dài của chất béo tới sức khỏe:
Béo phì:
1g chất béo cung cấp 9 calori, tất cả các loại chất béo bao gồm không bão hòa đơn, không bão hòa đa, chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa đều cung cấp nhiều calori hơn bất kỳ chất dinh dưỡng nào khác. Lượng calori ăn vào nhiều hơn lượng calori tiêu thụ trong ngày sẽ làm chúng ta tăng cân. Hiện nay, Tổ chức y tế thế giới thường dùng chỉ số khối cơ thể (Body Mass Index - BMI) để nhận định tình trạng gầy béo. Áp dụng theo tiêu chuẩn của Hiệp hội Đái Tháo Đường Đông Nam Á năm 2001 xác định thừa cân khi BMI từ 23 - 24,9 và béo phì khi BMI ≥ 25.
Các bệnh lý về tim mạch có liên quan đến thừa cân, béo phì là: bệnh động mạch vành (đau thắt ngực), nhồi máu cơ tim, suy tim ứ huyết, tai biến mạch não (đột quỵ), tăng huyết áp, rối loạn mỡ (lipid) máu. Qua nhiều nghiên cứu, người ta thấy nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch do béo phì gây ra là: tăng nguy cơ mắc bệnh động mạch vành lên 4 lần so với bình thường, tăng nguy cơ đột quỵ lên 6 lần, tăng huyết áp 12 lần, tiểu đường tăng 6 lần.
Xơ vữa mạch máu:
Là hiện tượng xơ hóa thành động mạch bao gồm các động mạch trung bình và động mạch lớn. Khi thành động mạch bị tổn thương do một nguyên nhân nào đó, đại thực bào xuyên mạch vào thành động mạch, mang theo các thành phần lipit (cholesterol) tích tụ, tập trung; sau đó tế bào chết để lại từng dải lipit; tại đây các tiểu cầu, hồng cầu, bạch cầu, quá trình đông máu, lắng đọng Ca++ và tạo màng bao bọc mảng vữa xơ. Tại mảng vữa xơ luôn tiết ra các enzyme phá hủy màng, làm cho màng bao bọc mảng vữa xơ bị nứt vỡ, kích hoạt quá trình đông máu, tạo thành những cục máu đông gây thiếu máu cấp tính tổ chức dưới chỗ tắc (như: nhồi máu cơ tim).
Tiêu thụ nhiều chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa làm tăng cholesterol máu, kích thích sự tích tụ mảng bám trên thành động mạch làm mạch máu thu hẹp dần và gây tắc mạch máu. Những người có nồng độ cholesterol máu > 6 mmol/l dễ bị vữa xơ động mạch, cao hơn 10 lần so với những người có nồng độ cholesterol < 6 mmol/l. Bên cạnh đó, LDL Cholesterol cũng có vai trò quan trọng đối với bệnh sinh xơ vữa động mạch. Có thể nói rằng bất kỳ sự gia tăng LDL cholesterol mức độ nào trong máu đều có nguy cơ gây xơ vữa động mạch. Các cơ quan thường bị tổn thương như tim, não, thận có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim, đột quỵ và suy thận.
Nguy cơ ung thư
Một chế độ ăn quá nhiều chất béo và thiếu hụt chất xơ có thể góp phần phát triển tế bào ung thư. Một tình trạng quá cân do tiêu thụ quá nhiều chất béo làm tăng nguy cơ phát triển ung thư đại trực tràng và cơ quan sinh dục.
Chất béo là một phần thiết yếu trong chế độ ăn uống của chúng ta và là một phần quan trọng để có một sức khỏe tốt. Chất béo được chia làm hai loại là chất béo có lợi cho sức khỏe (chất béo không bão hòa) và chất béo có hại cho sức khỏe (chất béo bão hòa và chất béo đã được chuyển hóa transfat). Khi ăn một lượng lớn chất béo bao gồm cả những chất béo có lợi cho sức khỏe cũng góp phần gây tăng cân. Chất béo là chất cung cấp năng lượng cao nhất hơn bất kỳ các chất khác, vì vậy ăn ít chất béo sẽ giúp giảm cân. Ăn ít chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Vì vậy, một chế độ ăn uống có ít chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa, nhưng bao gồm một lượng vừa phải chất béo không bão hòa sẽ giúp bạn luôn khỏe mạnh.
|