Lụa làm từ tơ sen là loại lụa quý, hiếm và đắt đỏ vào hàng bậc nhất thế giới do quy trình sản xuất khó, phức tạp, cầu kỳ và lượng nguyên liệu có giới hạn (theo mùa vụ). Để làm ra lượng tơ dệt nên thành vải đủ sản xuất cho một bộ quần áo thời trang cần 15 - 20 người thợ làm việc miệt mài trong cả tháng trời.
Những mét vải làm nên từ những sợi tơ mong manh của cây hoa
Công đoạn để sản xuất tơ sen dệt lấy sợi phức tạp bậc nhất, đòi hỏi sự bền bỉ, kiên nhẫn và sự khéo tay của người thợ thủ công.
Người thợ dùng dao khứa xung quanh cuống sen rồi từ từ vặn thân sen kéo dài ra lấy tơ, đồng thời vê cho sợi tơ xoắn tròn lại với nhau.
Sợi tơ phải được người thợ bảo quản cẩn thận (giữ ẩm và làm mát cho sợi) rồi đem vào guồng dệt thành vải. Khi lên vải, làm ra thành phẩm phải đem luộc lên ở nhiệt độ cao để tan hết nhựa.
Tuy sản xuất cầu kỳ, phức tạp (trung bình để sản xuất được ra sợi tơ, dệt vải và làm thành sản phẩm thời trang cần đến gần 20 công đoạn làm thủ công tỉ mỉ trong thời gian cả tháng) kéo theo giá thành đắt đỏ (mỗi mét tơ sen lên đến hơn 1.000 đô la Mỹ tương đương với khoảng 30 triệu đồng Việt Nam) nhưng sợi tơ sen rất "được lòng" người dùng bởi giá trị thực tế mang lại.
Như một nguyên liệu quý, sản phẩm làm từ tơ sen có chứa amini axit rất tốt cho da. (Amino Acid được gọi là cấu trúc vàng trong lĩnh vực làm đẹp. Chúng thường có trong các sản phẩm mỹ phẩm cao cấp, giúp da được trẻ hóa). Lụa tơ sen cũng có khả năng chống tia bức xạ, bảo vệ da nhạy cảm và cân bằng độ ẩm, hỗ trợ khả năng phục hồi, duy trì sức sống cho da.
Chia sẻ với phóng viên, nghệ nhân Phan Thị Thuận (Phùng Xá, Mỹ Đức, Hà Nội) cho biết: "Ngày nào cũng có nhiều nhà thiết kế, nghiên cứu chất liệu thời trang các nước đến nhà tôi để xem nguyên liệu, học quy trình làm dệt tơ, làm vải. Có cô gái người Mỹ, không quản ngại xa xôi, tìm tới tôi để đặt may chiếc gối cưới cho hôn lễ. Khi có thành phẩm, cô ấy đã cùng bạn trai tới tận nhà để lấy".
Nổi tiếng bởi quy trình dệt tơ sen, rất nhiều chuyên gia thời trang tìm đến nghệ nhân Phan Thị Thuận để học hỏi và hợp tác
Hiện trên thế giới chỉ có một số ít các nước có nghề dệt tơ sen, đứng đầu là Myanmar, Campuchia và kế tiếp là Việt Nam. Dù quý hiếm, đắt đỏ song các nhà thiết kế thời trang trên khắp thế giới không…"thôi" mơ ước về loại lụa thảo mộc có giá trị này.
Sản phẩm từ tơ sen của NTK Vũ Việt Hà (Việt Nam), Loro Piana (Ý) và Myanmar, Campuchia
NTK người Ý Loro Piana đã dày công tới Myanmar để tìm hiểu chất liệu, thu mua nguyên liệu làm nên những bộ vest có giá trị hàng ngàn đô la Mỹ. Hay ở Việt Nam, NTK Vũ Việt Hà chia sẻ với phóng viên anh có hy vọng có nhà tài trợ nào đó phối hợp để cùng làm ra những BST thời trang làm thuần từ tơ sen nhằm giới thiệu một cách trọn vẹn nhất vẻ đẹp nói chung của cây sen và vẻ đẹp riêng của loại tơ quý từ thiên nhiên này.
Tơ sen - nguyên liệu quý của đất trời
Nghệ nhân Phan Thị Thuận chia sẻ: "Nếu ai đã một lần sử dụng sẽ thấy tơ sen khác biệt hoàn toàn so với các loại sợi khác, kể cả các loại sợi tơ tằm cao cấp nhất. Nó gây ấn tượng với người dùng bởi độ co giãn tự nhiên, ôm lấy cơ thể một cách dịu nhẹ cùng mùi thơm thoang thoảng trên vải. Từ tháng 4 cho đến hết tháng 10 hàng năm là mùa sen phía Bắc. Sen được lấy lên từ các đầm nước và chỉ trong vòng 24h là đã phải sơ chế lấy thân và tơ. Bởi thế, sợi tơ làm nên mặt vải mềm mịn như nước nhưng lại có cả hương sen tự nhiên thơm mát nhẹ nhàng quyến rũ".
"Tơ sen là sợi tơ của Phật ban cho, là loại nguyên liệu thuần chay. Nên đối với tôi, nó không chỉ là một loại nguyên liệu quý mà còn là thứ vật liệu truyền cảm hứng và lan tỏa được nhiều điều tốt đẹp", nghệ nhân Phan Thị Thuận nhấn mạnh.
"Mỗi một mét tơ sen ra đời là mỗi một cơ hội để con tằm giảm đi công việc nhả kén, làm tơ vất vả, cực nhọc, mỗi một cơ hội để con tằm bớt đi công việc... rút ruột giảm sự sống. Làm ra được vài mét tơ sen, vài lạng sợi rồi từ đó dệt lên thành vải, may quần áo là cần đến hàng ngàn giờ làm việc của hàng chục người. Chính vì vậy mà việc phát triển nghề tơ sen còn tạo công ăn việc làm cho người lao động, rèn tính kiên nhẫn, trân trọng những gì thiên nhiên ban tặng cho các bạn trẻ", nghệ nhân Phan Thị Thuận lý giải.
"Học làm tơ, dệt lụa sen là cách để lớp trẻ học nghề kiếm sống, hiểu và yêu nghề truyền thống và là cách rèn tính kiên trì, kiên nhẫn, yêu lao động", bà Thuận nói
"Không chỉ là giá trị của sáng tạo mà còn là sự truyền cảm hứng tình yêu dân tộc, yêu thiên nhiên đến cộng đồng và những người yêu thời trang, những sản phẩm tơ sen, những nguyên liệu từ sen quý còn là nét đẹp của văn hóa dân tộc Việt Nam, sự tinh hoa của nghề dệt và thời trang Việt", nghệ nhân Phan Thị Thuận cho biết.
Ảnh: Quảng Hà, NVCC