“Gọi lại những mùa xưa” mang một nét tinh khôi, thuần khiết của những bộ trang phục đầy nữ tính.
Trong nét duyên mỏng mảnh của nữ người mẫu Lan Ngọc, ý tứ của nhà thiết kế trở nên rực rỡ bởi sự nuột nà, ngọt ngào của đường kim mũi chỉ và sự êm ái của chất liệu sản phẩm. Có thể nói, đây là một bộ sưu tập được thiết kế và xây dựng khá kỹ càng. Gam trắng, style nữ tính cùng các đường chiết nơi eo, chân ngực hay độ bung xoè nơi chân váy - tưởng như kén người mà không kén người. Bởi, chúng đã được "xử lý" từng chi tiết, che đi điểm yếu của người mặc.
Thực ra thì thời trang cao cấp thường mang lại cho các tín đồ của mình những xúc cảm rất đặc biệt. Qua đó, những người mộ điệu có thể dễ dàng đánh giá. Chỉ dựa trên một số chi tiết mà "thông - ngữ" của bộ sưu tập thường rất đơn thuần mà sâu sắc.
Thông điệp đó thường được đến trước nhất từ đội ngũ kỹ thuật. Dựa trên ý tưởng của các nhà thiết kế, những đội ngũ kỹ thuật thường phải lựa chọn những loại vải có độ thấm hút cao để mang lại cảm giác tự do tối đa cho cơ thể. Chúng phải đã được xử lý đầy đủ qua các bước để hạn chế độ nhăn sờn, giúp cho người mặc hoàn toàn được an tâm và thoải mái khi trưng diện.
Luôn được phẳng phiu, trang nhã, để bất cứ ai khoác lên cũng được nhẹ bước dạo đi trong tâm trạng thơ thới, nhẹ nhàng nhất. Đó là "nhiệm vụ" của các công đoạn kỹ thuật trong việc sản xuất ra mỗi sản phẩm thời trang cao cấp.
Không chỉ thế, những người thợ phụ của thương hiệu phải luôn chau chuốt từng điểm nhấn thủ công - một cách thật tỉ mỉ để chúng trở thành các điểm trang trí tuy nhỏ bé, ẩn khuất đâu đó mà vẫn xinh đẹp, yêu kiều trên bề mặt trang phục, "níu giữ" ánh nhìn và sự trầm trồ của những người xung quanh.
Những bộ trang phục xinh xắn, vốn là những tác phẩm nghệ thuật thời trang có thông điệp - nói mà như không nói, thơ mà như không thơ, làm những “khách hàng thượng lưu” không chỉ sành mà còn khó khăn, kỹ tính phải hài lòng, là phải thế...
Trong thế giới những người yêu thời trang, các chuyên gia thời trang của các nhãn hàng cao cấp thường rất nỗ lực truyền thông mạnh mẽ về sự khác biệt của hai khái niệm “sử dụng thời trang” và trải nghiệm thời trang, để nâng tầm các sản phẩm thời trang lên đúng vị trí nó đáng được.
Nếu những sản phẩm thời trang bình dân, cấp trung giúp người mặc có được giá trị của khái niệm sử dụng thời trang – tiện, bền, hợp vừa túi tiền thì “trải nghiệm thời trang” có trách nhiệm mang đến nhiều hơn thế.
Nó phải tạo được cảm xúc cho cả người mặc lẫn người ngắm. Nó thường phải gắn kết với điều gì đó, để tất cả tạo nên một không gian thấm đẫm hơi thở thời trang.
Nó phải kể được với tất thảy những ai quan tâm tới mẫu sản phẩm những câu chuyện, những công đoạn sản xuất ra mẫu váy áo đó. Để hơn cả việc trưng diện, người ta thường sẽ nhớ tới phong cách, "gu" và "hoàn cảnh ra đời" của trang phục... Những chuyện kể thú vị là những câu chuyện đọng lại mãi trong tâm trí, làm nên giá trị sản phẩm.
Và thậm chí là cả những ngôn ngữ mà họ - người mặc cùng mẫu váy áo và ekip sản xuất ra mẫu váy áo đó chia sẻ, lan toả đến cộng đồng – những người ngắm và thưởng nét đẹp trên những bộ trang phục…
Nói về “Gọi lại những mùa xưa”, nhà thiết kế của bộ sưu tập chỉ gửi gắm “một” điều duy nhất: dù ở độ tuổi nào, trong mẫu váy nào, phom thiết kế nào, hãy nhớ ta đã từng có một thời thanh xuân mượt mà, xanh mát, hãy nhớ ta đã từng mơ những ước mơ rất ngọt ngào và cuối cùng hãy nhớ những ngày đang và sẽ qua là những ngày ẩn chứa biết bao nội lực mạnh mẽ.
Tự tin, lạc quan và không bỏ qua cơ hội trải nghiệm thời trang, tận hưởng tất cả cảm xúc thời trang tích cực, đủ năng lượng để gọi về và cũng đủ bước tới - cũng là ý nghĩa của các bộ trang phục trong bộ sưu tập “Gọi lại mùa xưa”...