Guốc Geta không chỉ có trong phim ảnh, các bảo tàng, cửa hàng lưu niệm hay nơi trưng bày thời trang truyền thống dân tộc mà nó được sử dụng rất nhiều trong cộng đồng xã hội hiện đại - cả ở trong lẫn ngoài nước Nhật Bản, dưới dạng nguyên bản cổ hay đã được cải biến, sáng tạo bởi các nhà thiết kế.
Câu chuyện của guốc gỗ Geta chính là câu chuyện về việc bảo tồn văn hóa thời trang của Nhật Bản, rất đáng để nhiều nước học hỏi. Trong đó, sự thành công của Geta không chỉ đến từ phương pháp quản lý, phát triển của Chính phủ Nhật Bản mà còn đến từ tư duy tôn vinh văn hóa, dân tộc của người dân và giới trẻ Nhật Bản.
Ở dạng đơn giản nhất, Geta là một đôi dép gỗ dày dặn được đỡ trên một miếng gỗ. Miếng gỗ phía dưới gọi là răng
Thực tế thì Geta là một loại sandals, có đế bằng gỗ, giống như một chiếc guốc, dùng để ngăn bàn chân tiếp xúc với mặt đất, giữ cho bàn chân khô ráo, đồng thời ngăn bộ kimono bị kéo lê trên mặt đất. Sử dụng vào mùa hè cùng các trang phục như kimono hoặc yukata, Geta tạo ra một sự mát mẻ, dễ chịu và đặc biệt là gây thu hút, thú vị bởi thiết kế độc đáo.
Geta cổ chỉ với 1 chiếc răng, đòi hỏi khả năng cân bằng rất cao. Geta hiện đại hầu hết đều có 2 chiếc răng hoặc tạo hình đế phẳng, thuận tiện cho sử dụng hơn
Geta cổ có nhiều hình dạng và tên gọi như okobo (pokkuri, koppori), tetsugeta, koshi, yanagigeta, kirigeta, ipponba , ukongeta… Tuy chúng có thiết kế trông rất "thách thức" người sử dụng (do phải có khả năng giữ cân bằng rất tốt) song Geta lại là món phụ trang được người Nhật rất yêu thích. Nó có nhiều phiên bản và sử dụng trong mọi hoạt động của cuộc sống từ dự lễ hội, đi ở nhà hoặc trong cung đình, làm việc ngoài đồng tới leo núi, đấu võ...
Ở xã hội Nhật Bản thời trước, chỉ cần nhìn vào đôi guốc Geta là có thể biết được xuất thân và địa vị của người sử dụng. Các loại Geta của tầng lớp quý tộc không chỉ được làm từ gỗ quý, mà trên chúng còn được sơn những màu sắc bắt mắt, chạm khắc họa tiết hoặc hoa văn hình con rồng, cá chép, cây trúc... rất cầu kỳ, tinh xảo. Các loại Geta cho người thường làm đơn giản hơn từ gỗ thường và để màu mộc, trơn. Còn đối với các võ sĩ thì Geta thường làm bằng sắt hoặc có mặt gỗ, đế sắt.
Những thiết kế giày, dép đế xuồng, bánh mì được xem là các sản phẩm hiện đại lấy cảm hứng từ các loại Geta cổ của người Nhật
Geta hiện đại cũng cải biến từ từng loại Geta cổ mà ra. Chúng dễ sử dụng hơn, được làm từ nhiều chất liệu hơn nhưng quan trọng là vẫn giữ được phom dáng gần gũi với loại cổ, truyền thống và gợi nhớ đến thời trang, màu sắc văn hóa Nhật Bản.
Bên cạnh sự tự hào về kimono - quốc phục của Nhật Bản, thắt lưng Obi, trâm cài Kanzashi, tất Tabi (loại tất xỏ ngón thường để đi cùng Geta, cũng là loại phụ trang phổ biến trên thế giới)... người Nhật còn rất tự hào về Geta bởi sự độc đáo trong thiết kế và tính ứng dụng cao của sản phẩm này trong đời sống.
Theo: Tokyo Fashion, The Fashiongton Post, Vogue