Bài: Lữ Khách - Ảnh: Lữ Khách
Nếu du khách Việt chỉ đến Jeju, sẽ được miễn thị thực và có quyền lưu trú trong vòng một tháng, miễn được những thủ tục hết sức phiền toái khi xin nhập cảnh HQ, chẳng kém gì so với xin visa du lịch Mỹ.
Hòn đảo thanh bình
Đảo Jeju cách đất liền 96 km, diện tích 1.840 k㎡, gấp 3,5 lần đảo Phú Quốc, dân số 600.000 người, là 1 tỉnh riêng biệt.
Theo giới thiệu của anh Phillip, hướng dẫn viên Hàn Quốc, đảo Jeju có “3 nhiều, 3 không”: nhiều gió, nhiều đá, nhiều phụ nữ; không trộm cắp, không ăn mày, nhà dân không cửa.
Đặt chân đến đảo, tôi đã cảm nhận được quyền uy của gió. Gió lộng thường xuyên trên cấp 6, tuyết mượn sức gió, tôi mặc hết áo vẫn còn run cầm cập; ra bãi biển, gió thổi ngược về, khiến bước đi loạng chọang. Ngày nay, gió đã trở thành tài nguyên, đi trên đảo đâu đâu củng thấy những trạm phát điện sức gió màu trắng như cối xay gió, tô điểm cho cảnh quan trên đảo.
Jeju là hòn đảo được hình thành do nham thạch của núi lửa. Đá ở đây có mặt trong đời sống của người dân, là đặc trưng của hòn đảo này. Đá đảo Jeju có màu đen, xốp, nhiều lỗ, nhẹ và hút nước, gọi là huyền võ nham. Người ta đã dùng đá tạc tượng Thần Dol Hareubang, là thần hộ mệnh của đảo, nhưng tạo hình có dáng hài hước.
Người ta đã dùng đá tạc tượng Thần Dol Hareubang - thần hộ mệnh của đảo, nhưng tạo hình có dáng hài hước.
Jeju, do ngày xưa đàn ông quanh năm đi biển, có khi bỏ mạng, phụ nữ luôn được xem là lao động chính. Người phụ nữ trên đảo rất giỏi trong các công việc lặn biển mưu sinh và cũng nổi tiếng trong tề gia nội trợ, phục tùng chồng, yêu thương chăm sóc con. Cũng theo anh Phillip, ngày nay đàn ông trên đảo có thể có nhiều vợ và không cần phải làm gì cả ngoại trừ việc làm chồng (coi bộ cũng chẳng dễ). Người Nhật từng thống trị Jeju 36 năm, họ gọi phụ nữ Jeju làm nghề biển là "hải nữ" một cách đầy thán phục. Chỉ với bộ đồ da ôm sát người và vài dụng cụ lặn biển thô sơ, những người phụ nữ lặn sâu xuống biển và mang về nào là bào ngư, hải sâm, mực, ốc… Chỉ tiếc là phụ nữ Jeju không đẹp, khác hẳn với những cô gái Seoul da phấn má hồng..
Đảo Jeju đất rộng người thưa, sản vật phong phú, nên không có ăn mày. Kẻ trộm ư? Những người dân trên đảo nói rằng: “Ở Jeju không có nơi để trốn”.
Cửa ngõ ở Jeju được gọi là “Jeong nang”. Hai bên cổng có 2 cái trụ, trên mỗi trụ được đục 3 lỗ. Có 3 cái cây có thể gắn vào kéo ra khỏi trụ được. Số lượng cây được gắn vào trụ báo cho khách biết chủ nhà đi như thế nào. Nếu xỏ một cây vào thì có nghĩa là chủ nhà vừa đi đâu đó và sẽ về liền, nếu gắn 2 cây thì nghĩa là chủ nhà đi đâu đó trong vùng lân cận và sẽ về trong ngày (hình dưới). Còn nếu gắn 3 cây thì nghĩa là chủ nhà đi xa. Có thể bạn sẽ thấy có nhà đặt 4 thanh gỗ, đây là tín hiệu thể hiện một gia đình chỉ có phụ nữ thôi. “Nhà toàn đàn bà con gái, đàn ông tránh qua lại kẻo mang tiếng cho phụ nữ chúng tôi”. Điều đó cũng được thể hiện ở Làng dân tộc Seongup.
Đây là phong tục "không nhặt của rơi" văn hóa làng xóm thời thượng cổ còn sót lại, chứ ngày nay, Jeju đã đô thị hóa, cũng kín cổng cao tường như mọi nơi.
Bãi đá, núi lửa và thác
Phía bắc bờ biển Jeju có tảng đá khổng lồ cao 10 m, dài 30 m, trông giống đầu rồng nổi lên mặt biển, nên gọi là Yongduam (bãi Đầu rồng). Bải biện lộng gió, nên tôi chỉ có thể chụp hình từ xa. Cảnh quan tự nhiên chỉ có 7 phần chân thật, phải thêm vào 3 phần tưởng tưởng mới thấy được nét đẹp.
Seongsan Hchulbong nằm ở bờ đông đảo Jeju, là nơi có tia nắng dầu tiên của HQ. Đỉnh Seongsan Hchulbong cao 180 m (hình trên, chữ trên tảng đá: Thành Sơn, Nhật xuất phong), do núi lửa phún trào hình thành từ 10.000 năm trước, miệng núi lửa đường kính 600 m, sâu 90 m, được bảo tồn nguyên vẹn, có bậc tam cấp dẫn lên đỉnh.
Jusan-jelli là những trụ đá hình lục lăng dài 30 m, xếp dọc bờ biển (hình trên), do dung nham núi lửa gặp nước biển giảm nhiệt đột ngột, cộng với tác dụng phong hóa của gió và cát tạo nên, có phần giống Ghềnh Đá Đĩa của tỉnh Phú Yên bên mình. Khác với Ghềnh Đá Đĩa còn ở trạng thái hoang sơ, đất đá lởm chởm, du khách khó bề tiếp cận; Jusan-jelli đã xây hành lang dọc bờ biển, có thể thưởng ngoạn bãi đá từ các góc độ khác nhau .
Thác Cheonjiyeou có nghĩa là "vực sâu của Ngọc Hoàng". Tương truyền, Bảy tiên nữ con của Ngọc Hoàng và Tây Vương Mẫu xuống phàm tắm suối nên có tên đó (có lẽ người Hàn nghiêm chỉnh hơn, nên không có anh chàng dòm trộm như truyền thuyết Trung Quốc). Thác chia làm 3 đoạn, tác thứ nhất cao 22 m, sâu 21 m, được bảo vệ nghiêm ngạt, cấm bơi lội. Sau đó chảy vào thác thứ 2 và thứ 3, rồi đổ ra biển.
Gần thác có cây cầy vòm dài 128 m khắc sự tích Bảy tiên nữ, được gọi là cầu Tiên lâm (tiên tới). Ngoài ra, còn có lầu Thiên đế, trưng các sự tích thần tiên. Vào tháng 5 âm lịch các năm chẵn, đều có tổ chức lễ hội dân gian Thất tiên nữ.
Tôi đến vào mùa đông, lưu lượng nước ít đi rất nhiều, nếu đi vào mùa hè, chắc cũng là ngọn thác hùng vĩ.
Chùa Yakcheonsa
Khác với Thailand và Myanmar, coi đạo Phật là quốc giáo, HQ là nước thế tục, có 20% theo Phật giáo, 20% theo Tin lành, 18% theo Công giáo, còn số đông vẫn theo đạo thờ cúng ông bà giống bên mình, nhưng cũng là bạn đồng hành của Phật giáo.
Chùa Yakcheonsa khởi công xây dựng tháng 2 năm 1988, năm 1996 làm lễ khai quang và được công nhận là Trụ sở của Thiền phái Tào Khê (Joye) Phật giáo Hàn Quốc tại đảo Jeju.Đây là nơi lưu dấu của Thiền sư Nhật Đà (Ita Sunim 1929-1999) một vị Thiền sư Hàn Quốc nổi tiếng trì luật và từng sang Mỹ hoằng dương Thiền tông.
Yakcheonsa là một trong những ngôi chùa trang nghiêm hiện đại nhất của Phật giáo Châu Á, kiến trúc mỹ thuật tuyệt đẹp, nơi rất thu hút khách du lịch trong nước cũng như quốc tế.
Ngôi chùa trên một diện tích 3.300 ㎡, có hai tòa tháp ở phía trước chùa, nằm ở hai góc. Chánh điện và các tầng nhà cao 30 mét, tương đương với chiều cao của tòa cao ốc 10 tầng. Ngôi chùa này được chia thành bốn tầng, các bản vẽ phức tạp và chạm khắc trang trí các bức tường và trần nhà. Chính điện có 18.000 bức tượng Phật thếp vàng trang trí vòng quanh, 501 tượng A La Hán bằng gỗ (nhiều hơn 1 pho "Bổng ngư La Hán" so với các chùa khác), quả chuông nặng 18 tấn. Xung quanh chùa có rừng núi, hoa thơm cỏ lạ và dày đặc cây cam (hình dưới)
Chùa Yakcheonsa gọi theo chữ Hán là Dược Tuyền Tự, tương truyền có suối thiêng trị được bá bệnh. Nhận thấy ánh sáng linh thiêng của chùa, tôi thành tâm cúng dường 10.000 won, nhưng không có ghi tên cầu an như chùa bên mình, chỉ phát cho 2 bịch gạo, đội lên hương án cầu xin đức Phật. Về nước tôi bị ngay tai biến mạch máu não, thật là họa phước khó lường.
Jeju, thơm mãi hương cam
Người ta thường giới thiệu đảo Jeju "3 nhiều, 3 ít", nhưng tôi cảm thấy thế vẫn chưa đủ; đảo còn có "1 nhiều" nữa là cam. Cam nhiều vô kể, phảng phất đi đâu cũng quyện mùi hương cam.
Jeju nguyên là hòn đảo cằn cỗi, đất ít đá nhiều, vào những năm 60 của TK trước, chính phủ HQ tổ chức chuyên gia nông nghiêp đến khảo sát thực địa, tìm ra cây cam là "cây xóa nghèo" trên đảo. Thế rồi phong trào trồng cam phát triển ồ ạt, đến những năm 90 TK trước, cung vượt cầu, dẫn đến tình trạng rớt giá thê thảm. Để giữ giá, chính phủ HQ khuyến khích nông dân chặt bớt cam, phụ cấp 2.000 won/gốc. HQ sau đó hoàn thành công nghiệp hóa, công nghiệp chế biến hết sức phát triển. Cây cam ra trái phải mất 6-7 năm, nên chỉ những nông dân cắn răng chịu đựng qua cơn lỗ lã mới đón được mùa xuân thứ 2 đối với cây cam.
Lúc bước vào cánh cổng gỗ ngôi nhà cổ kiểu Hàn ven lộ, tôi đã reo lên vì thích thú khi cả một vườn cam trĩu quả ngay bên cạnh lối đi. Cây thấp lè tè, với tay là hái được; trái rớt đầy vườn, nhưng có biển cấm, nên du khách chẳng ai lượm.
Cạnh ngôi nhà đó có một cửa hàng bán sản phẩm từ cam: sô-cô-la cam, nước cam ép, kẹo cam, bánh cam, vitamin C và cả nước hoa cam và kem dưỡng da. Tất cả đều được giới thiệu từ nguyên liêu thiên nhiên. Mặc dù ngày nay chẳng ai còn đi chiết xuất vỏ cam lấy vitamin C, nhưng tôi tin người Jeju, vì cam ở đây quá nhiều.
Tôi dạo bước qua bên kia đường quan sát thế thái nhân tình, thì gặp 1 nhóm nông dân đang thu hoạch củ cải. Củ cải to bằng bắp chân, màu xanh lạt, trông giống trái bí đao. Tài liệu nào cũng nói đất đai Jeju cằn cỗi nhưng sao lại trồng được củ cải mập cỡ vậy? Chẳng ai giải thích cho tôi điều này.
Sẽ không có một loại cam nào mang lại dư vị ngọt ngào như những trái cam tôi đã nếm ở Jeju. Tuy không mang được cam tươi về, nhưng tôi sẽ mang hương vị đó về nhà để mọi người biết thế náo là Jeju!