Bạn sẽ làm gì khi con xin phép về nhà trễ hơn vào đêm Noel?
Bài: Kim Ngọc
Tạo ra những hoạt động lý thú tại nhà
Nếu các cô bé, cậu bé của bạn biết rằng đêm Giáng sinh hay Tết Dương lịch sẽ có rất nhiều hoạt động lý thú ở nhà thì chúng sẽ từ bỏ ý định “hẹn hò” với chúng bạn để đi tới vui chơi ở các khu trung tâm. Chúng cũng rất hứng thú và sẵn sàng cùng bạn tham gia vào quá trình lên kế hoạch, chuẩn bị mọi thứ cho buổi tiệc thêm hoàn hảo. Sau buổi Thánh lễ tại nhà thờ, bọn trẻ sẽ chắc chắn có mặt tại nhà để thưởng thức buổi tiệc mừng Giáng sinh khi chúng có thể mời những người bạn chúng quý mến đến cùng tham gia.
Cho ba mẹ đi cùng? Tại sao không?
Nếu trẻ chỉ muốn ngắm nhìn vẻ đẹp và tận hưởng không khí náo nhiệt tại những khu trung tâm mua sắm, khu vui chơi giải trí thì bạn có thể đề nghị trẻ cho ba mẹ đi cùng. Trẻ cùng bạn của chúng, bạn và vợ/chồng mình sẽ tạo thành những cặp đôi rất đẹp để cùng nhau thưởng ngoạn những dịp lễ như thế này. Khi đi cùng cha mẹ, trẻ đương nhiên có quyền về trễ hơn so với thường ngày dù lý do là vì kẹt xe, ham vui hay chẳng có lý do nào cả. Bạn cũng có cơ hội tìm hiểu thêm về giới trẻ, cách chúng ăn mặc, giao tiếp, kết bạn hay giải trí... để từ đó hiểu thêm về con mình.
Người giám hộ thân thiện
Nếu con bạn đã xin phép và bạn cũng cho rằng, về trễ hơn nửa tiếng hay một tiếng chỉ trong đêm Giáng sinh thì chắc hẳn bạn phải rất tin tưởng ở trẻ. Nhưng bạn cũng nên cân nhắc đến việc để một người chị, cô hay dì lớn hơn có thể cùng tham gia vui chơi với trẻ. Đó phải là người bạn rất tin tưởng nhưng cũng không quá “già” để trở nên lạc lõng trong cuộc vui của các cô cậu tuổi “ô mai”. Tuy nhiên, bạn đừng cứ 5 phút lại gọi điện một lần để nhắc nhở con bạn hay “người giám hộ thân thiện” rằng sắp đến giờ trở về nhà. Khi đã tin tưởng trao gởi và cho phép trẻ, hãy để trẻ chứng minh rằng chúng có thể giữ lời hứa.
Giờ “giới nghiêm” không thừa
Những người từng lớn lên trong các gia đình có nền nếp hoặc có cha mẹ nghiêm khắc khi nhìn lại tuổi thơ thường kể rằng trong gia đình họ luôn có vài điều cấm mà con cái luôn phải nhớ. Một trong số đó là không được trở về nhà quá giờ “giới nghiêm” dù ngày thường hay ngày lễ, Tết... Khi còn ở tuổi học sinh, họ từng cảm thấy khó chịu, buồn khi phải bỏ lỡ vài cuộc vui nhưng vẫn cảm ơn cha mẹ đã giúp họ tránh xa những thú vui vô bổ hay cám dỗ xấu của xã hội.
Giờ giới nghiêm sẽ được nới rộng biên độ theo số tuổi tăng thêm của trẻ. Ví dụ như khi trẻ học Trung học, giờ giới nghiêm có thể là 21h và tăng lên 21h30, 22h... những năm sau đó. Tương tự như thế, cha mẹ hay người lớn trong gia đình cũng có “giờ giới nghiêm” cho mình. Cả người lớn và trẻ nhỏ khi vi phạm đều bị kỷ luật nặng. Vì thế, dù ngày thường hay ngày lễ, giờ giới nghiêm vẫn luôn luôn có giá trị khi con bạn chưa đủ 18 tuổi.