Kính áp tròng là một thấu kính mỏng, cong được đặt trên màng nước mắt bao phủ bề mặt mắt của người dùng. Bản thân thấu kính trong suốt một cách tự nhiên nhưng thường có một chút màu sắc để giúp người đeo dễ dàng sử dụng hơn. Đó cũng khiến cho đôi mắt có màu đẹp hơn, đạt tính thẩm mỹ cao hơn.
Mặc dù kính áp tròng được xem như là một sự bổ sung hiện đại cho việc chăm sóc mắt, nhưng chúng thực sự có một lịch sử lâu dài và lừng lẫy, được khởi đầu bởi không ai khác ngoài Leonardo da Vinci và Rene Descartes. Tuy nhiên, phải đến cuối thế kỷ 19, một thợ thổi thủy tinh người Đức mới tạo ra một thấu kính có thể nhìn xuyên qua và dung nạp hợp lý. Và một bác sĩ nhãn khoa người Đức đã nghĩ ra và lắp chiếc kính áp tròng đầu tiên, có thể đeo trong vài giờ ở một thời điểm.
Theo sự phát triển của cả khoa học lẫn thẩm mỹ thì hiện có thêm cả những loại kính áp tròng chỉ nhằm mục đích thẩm mỹ và tạo ra sự khác biệt, mới lạ cho đôi mắt. Kính áp tròng màu đã đạt tới việc có thể nâng cao hoặc thay đổi hoàn toàn màu sắc của mắt bạn. Chưa kể, kính áp tròng kết hợp với trang phục thời trang có thể giúp tạo ra một số hiệu ứng đặc biệt khác về thẩm mỹ.
Tuy nhiên, có một thực tế là việc sử dụng kính áp tròng đôi khi không đơn giản do các biến chứng từ nhẹ đến nặng nếu bất cẩn đều có thể xảy ra với mắt và có nguy cơ dẫn tới các hậu quả nguy hiểm như mất thị lực hoặc mù lòa.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hiền (Trưởng khoa Khúc xạ, Bệnh viện Mắt Trung ương): "Dù kính áp tròng có loại dành cho các mục đích bệnh lý, có loại dành cho mục đích thẩm mỹ hoặc làm đẹp nhưng tất cả chúng đều được xem là thiết bị y tế. Do vậy, người sử dụng kính áp tròng (kính tiếp xúc) cần được khám tình trạng mắt trước khi đeo, cần được hướng dẫn cách đeo kính, vệ sinh, bảo quản kính đúng cách. Bệnh nhân hoặc người dùng nên chọn sử dụng các loại kính tốt, không dùng kính kém chất lượng để được đảm bảo thẩm khí, hạn chế bị khô mắt, tăng cường thẩm thấu ô xi qua kính…".
"Dù dùng kính áp tròng với mục đích gì thì quan trọng số 1 vẫn là đảm bảo vệ sinh. Nếu không vệ sinh có thể nhiễm trùng, nhiễm nấm... gây viêm loét giác mạc. Từ đó có thể để lại sẹo giác mạc làm ảnh hưởng tới thị lực. Với người mổ cận rồi, đặc biệt người mổ theo phương pháp có tạo vạt giác mạc (lasik hoặc femtolasik) vốn thường gặp chứng khô mắt kéo dài sau phẫu thuật thì càng nên cẩn trọng. Tốt nhất không sử dụng kính áp tròng thường xuyên sau mổ vì nó có thể gây khô mắt thêm thậm chí gây viêm giác mạc. Trong trường hợp sử dụng, nên chú ý sử dụng nước mắt nhân tạo thường xuyên. Tuy nhiên, quan trọng hơn cả là cần sử dụng kính (bất cứ mục đích gì) theo chỉ định, tư vấn của bác sĩ và phải được tư vấn thăm khám, theo dõi định kỳ của bác sĩ chuyên khoa mắt", bác sĩ Hiền nói tiếp.
Kính áp tròng màu ngày càng trở nên phổ biến trong ngành làm đẹp và thời trang. Chúng không chỉ giúp nâng cao màu mắt tự nhiên mà còn cho phép trải nghiệm những kiểu dáng và phong cách mới. Xuất hiện thường xuyên cùng các ngôi sao hàng đầu tại các sự kiện danh giá như Oscar, Met Gala, Quả cầu vàng, Emmy, kính áp tròng đã như một thứ trang sức phổ biến, thể hiện "cái tôi" và đẳng cấp của nhiều ngôi sao.
Tuy nhiên, để việc làm đẹp cho đôi mắt được an toàn thì khi đeo kính áp tròng màu, điều quan trọng nhất đối với các tín đồ là phải chăm sóc chúng đúng cách và đi khám bác sĩ nhãn khoa thường xuyên. Điều này có thể giúp đảm bảo rằng đôi mắt của bạn luôn khỏe mạnh và bạn có thể tiếp tục tận hưởng những màu sắc tiếp xúc trong nhiều năm tiếp theo.
Ảnh: Lens.Me, American Academy Of Ophthalmology