Bài: Mi Mi - Ảnh: Lê Minh Hạ
Do yếu tố địa chính trị và sự ổn định xã hội, khám phá sa mạc Sahara cách tốt nhất luôn chỉ duy nhất là con đường Ai Cập, vừa khám phá Ai Cập vừa thử sức trải nghiệm thời tiết sa mạc Sahara.
Những đụn cát, ngọn núi cát trông xa xa Vịnh Hạ Long trên cạn
Cảm xúc đầu tiên
Xuống sân bay Cairo – thủ đô Ai Cập, tôi đi xe ngay trong chiều để có thể đảm bảo lịch trình đến nhà nghỉ ở ốc đảo Baharia trước khi quá trễ 6 tiếng đống hồ chạy miệt mài trên đường cao tốc xuyên một phần sa mạc trong tiết trời đang chuyển hoàng hôn là trải nghiệm đầu tiên của chúng tôi với vùng sa mạc nổi tiếng này. Mọi thứ vun vút lao qua khung cửa sổ chiếc xe đang chạy với vận tốc 120km/h. Xe cứ mải miết chạy, khung cảnh khoáng đạt mênh mông và tạo cảm giác hoang vu hai bên đường khiến tôi như đang lao đi vào một con đường dài thăm thẳm không đích đến. Dù biết chắc sẽ phải đến nhà nghỉ trước khi quá khuya và sáng sớm hôm sau phải khởi hành vào sâu trong sa mạc.
Quang cảnh một đường phố với ngôi nhà ngàn năm tuổi được sơn vẽ lại
Xe vẫn lao nhanh và tôi thỏa thích ngắm cảnh hai bên đến khi trời tối mịt, ánh đèn pha của xe chỉ chiếu được một khoảng sáng của xa lộ không đèn xuyên sa mạc càng khiến tôi thêm thú vị. Và hình dung những quãng đường hàng ngàn cây số này lịch sử ngày trước, khi sự thay đổi lớn nhất trong lịch sử của sa mạc Sahara là sự chinh phục của người Ả Rập. Chính họ đã đưa lạc đà vào vùng đất này và lần đầu tiên một mạng lưới thương mại xuyên Sahara được triển khai. Nhờ vào đó, những chú lạc đà ngày đêm xuyên sa mạc, đi trong những cái nóng ban ngày và giá lạnh ban đêm đã thêu dệt nên bao câu chuyện huyền thoại về vùng đất bí ẩn này. Cho tới khi sự phát triển của loài người trong lĩnh vực hàng hải, khi đó đã cho phép các con tàu từ Bồ Đào Nha hay cả Châu Âu đi quanh sa mạc dọc theo bờ biển để thu gom tài nguyên từ đây và từ đó sa mạc đã rơi vào tình trạng cô lập, lãng quên. Cho đến khi nó sống lại, trở thành điểm đến được yêu thích của du khách toàn cầu. Xứ Ai Cập, nơi “sở hữu” phần lớn sa mạc này sống chủ yếu nhờ vào du lịch và một trong những nguồn thu lớn nhất được đến từ những chuyến du hành xuyên sa mạc Sahara.
Một ngọn núi trong sa mạc
Lang thang với sa mạc ngày và đêm
Anh lái xe người bản địa không chọn đường cao tốc mà đưa chúng tôi đi theo những cung đường chỉ mình anh biết. Tôi hỏi làm sao có thể nhớ được khi chỗ nào cũng giống chỗ nào và đường đi thì cát luôn lấp lối giữa sa mạc mênh mông này, nếu mà người lạ vào sẽ lạc lối ngay. Liệu anh có phải dùng đến thiết bị định vị GPS không? Anh tài xế bảo rằng GPS ở trong đầu mình đây này. Tất cả đều được anh lưu vào bộ nhớ của mình, khung cảnh nơi này anh đã đi lại hàng ngàn lần cả mấy chục năm qua.
Những chiếc xe hai cầu là hình ảnh quen thuộc thường gặp nhất giữa sa mạc mênh mông này
Chiếc xe cứ thế lao đi khi thẳng lúc lượn vòng trên sa mạc mênh mông, hai bên đường vẫn là những ngọn núi nhấp nhô đủ hình thù khác nhau. Rải khắp xung quanh là những đỉnh núi phủ một lớp sỏi đá đen, hoàn toàn không bóng muông thú hay cây cỏ. Đi sâu thêm một đoạn nữa là hàng loạt tảng đá vôi với nhiều hình thù đặc sắc và đa dạng. Rồi sa mạc trắng cũng hiện ra trước mắt. Dưới nắng, trông cứ như có bàn tay thần kỳ nào đó vừa rải tuyết lên đấy. Đừng tưởng chỉ là cát sẽ mang đến sự đơn điệu và đừng bao giờ nghĩ rằng cái nắng chói chang sẽ làm tan chảy những vẻ đẹp bí ẩn. Chính nhờ nắng và gió, cát mịn mà sa mạc đã tạo nên những điều không tưởng về một vùng đất “khô cằn” và sa mạc lớn nhất của địa cầu. Đó là vẻ đẹp của những đụn cát cao chót vót, những “làn sóng cát” vàng ươm trong nắng, những đụn cát vời vợi xa tận chân trời…
Một cục đá thạch anh của khu vực núi đá trong sa mạc
Nếu có điều gì tiếc nuối nhất sau chuyến đi, đó là do sự đãng trí của bạn đồng hành và sự vội vàng cho đảm bảo lịch trình nên tôi đã bỏ qua một đặc trưng khác của sa mạc, là viếng thăm vũng nước có cây xanh giữa sa mạc ở những ốc đảo trứ danh. Thôi thì, đành hẹn lần sau “hữu duyên” hơn vậy.
Những cây xanh hiếm hoi giữa những cát và cát sa mạc