Bài: Thùy Dung
Ảnh: NVCC
- Chào anh Vinh, niềm đam mê tin học đã đến với anh như thế nào?
Tôi bắt đầu biết đến chiếc máy tính khi đang học Phổ thông tại quê nhà Gia Lai. Tôi thường đạp xe hơn 20km lên Cung thiếu nhi để học khóa cơ bản tin học lập trình Pascal. Thời đó, cả Cung thiếu nhi mới có được khoảng 10 cái máy tính loại “cổ”, 5 - 6 bạn học chung một máy. Sau đó tôi bắt đầu đi làm và dạy tin học cho các bạn trẻ ở các trung tâm, nhà mở... và thành lập nhóm tin học. Từ đây, tôi ấp ủ mơ ước thành lập được một trung tâm dạy tin học cho các bạn khuyết tật. Tôi đã xuống Sài Gòn, học và tốt nghiệp ngành Công nghệ thông tin trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM năm 2015. Tôi đi làm rồi thành lập công ty để từng bước thực hiện “giấc mơ” của mình.
- Người ta thường học trước làm sau, anh thì ngược lại. Cách thức này mang lại hiệu quả gì cho anh?
Đi học tôi thấy thực hành và lý thuyết quả thật khác xa nhau. Việc học giúp tôi mở rộng tư duy của bản thân và hệ thống hóa các kiến thức đã biết. Tôi học được phương pháp và kỹ năng Sư phạm nên trong các khóa dạy online sau này, tôi giúp các bạn học viên dễ tiếp thu hơn.
“Dân kỹ thuật” có đặc điểm là ít thích giao lưu, gặp gỡ con người. Ở vai trò mới, anh có phải thay đổi bản thân nhiều để thích ứng với công việc? Trước đây tôi rất nhát, ngại gặp gỡ mọi người, tôi cũng ít ra ngoài và luôn bị “cuốn” vào chiếc máy tính. Đến khi thành lập công ty TNHH Vidoco, tôi nhận ra mình thiếu nhiều thứ quá. Tôi buộc phải rời máy tính để tham gia vào các nhóm, học cách giao tiếp, học cách quản lý nhân sự, học hỏi kiến thức về quản trị doanh nghiệp... mà Group Phát triển Doanh nghiệp Việt là một nhóm như thế.
- Vì sao anh chọn con đường khó là làm việc với phần lớn người khuyết tật?
Tôi từng trải qua và hiểu cảm giác cầm tấm bằng tốt nghiệp đi khắp nơi phỏng vấn mà không được nhận vì mình khuyết tật. Nhiều doanh nghiệp còn e ngại việc tuyển người khuyết tật dù rằng những hạn chế về vận động của họ không ảnh hưởng đến khả năng làm việc. Tôi thậm chí đã xin làm không nhận lương cho đến khi công ty thấy được năng lực làm việc. Tháng đầu tiên, tôi được trả lương nhưng chỉ bằng khoảng 70% lương so với người khác, đến tháng thứ 3 lương tăng gần gấp 3. Trong thời gian đi làm, tôi cũng có chuyển 2 công ty khác nhau, với vị trí và mức lương cao hơn. Và khi tôi nghỉ việc ra mở công ty riêng, đã được sự ủng hộ rất nhiều từ đồng nghiệp và sếp cũ. Tôi vui khi có thể làm thay đổi tư duy của một số người khi đánh giá năng lực của một nhân viên khuyết tật.
- Duy trì hoạt động và đặc biệt là phát triển công ty với anh có dễ dàng?
Tôi tìm khách hàng trước khi mở công ty. Hiện nay tuy việc không nhiều nhưng vẫn đủ trả lương nhân viên và duy trì hoạt động. Các em đang làm việc đều là học trò mà tôi đã từng dạy nghề miễn phí. Các khách hàng đầu tiên cũng là những cựu học viên của tôi. Việc thành lập công ty xuất phát từ nhu cầu công việc, cần có tư cách pháp nhân, tạo niềm tin tưởng cho khách hàng và cũng là để bảo trợ hoạt động cho nhóm tin học. Vidoco được định hướng theo mô hình doanh nghiệp xã hội, 51% lợi nhuận dùng để phục vụ cộng đồng.
- Thời đại bây giờ là thời đại của công nghệ. Rất nhiều phụ huynh lo lắng khi con em của họ đam mê máy tính và các thiết bị công nghệ. Anh có lời khuyên nào?
Đây là nỗi lo chung của cha mẹ. Tôi cũng sắp có con đầu lòng nên hiểu được lo lắng này. Trẻ em dùng đồ công nghệ nhiều không chỉ gây hại cho mắt mà còn ảnh hưởng nhiều khía cạnh khác. Cha mẹ không thể cấm con sử dụng, mà phải hướng dẫn, định hình cách sử dụng thiết bị công nghệ khi cho con từ lúc bắt đầu. Con nhỏ cha mẹ nên sử dụng các phần mềm hỗ trợ cha mẹ quản lý trên máy tính, điện thoại.
Khi con lớn hơn như ở tuổi teen, cần phân tích cho con cái nào nên/không nên xem. Công nghệ không xấu nhưng các em hay bị rủ rê vào cái xấu, chìm đắm trong “thế giới ảo” mà quên mất thế giới thật. Tuổi trẻ ưa khám phá, tò mò. Là tôi, tôi sẽ nói với con: “Con muốn coi gì, ba coi cùng con”. Theo tôi, điều quan trọng là cha mẹ cho con đi chơi, ra ngoài nhiều để chúng thấy và yêu thế giới thật. Có nhiều sân chơi để cha mẹ đưa con tham gia nếu chúng mê công nghệ, máy tính như các cuộc thi tin học; tham gia các Câu lạc bộ toán học, văn học, cờ tướng... Con có sân chơi, có đam mê lành mạnh thì cha mẹ không phải sợ gì cả.
- Cám ơn anh!