Giám đốc sáng tạo Huy Võ đã có hơn 15 năm làm việc trong ngành thời trang. Từng cho ra mắt nhiều bộ sưu tập và hợp tác với các thương hiệu lớn nhưng mãi đến mùa thời trang Tết 2023, anh mới chính thức giới thiệu sản phẩm có những cái tên đặc biệt như áo dài Madame, áo dài First Lady, áo dài Dragon…
Tâm sự cùng Thời Trang Trẻ - báo Thanh Niên nhân dịp đầu năm mới, Huy Võ dành một chút tự sự trong câu chuyện để nói về 3 thử thách mà anh phải đối diện khi làm thời trang áo dài.
Thử thách 1 - Từ thờ ơ đến quan tâm
Huy Võ kể trước đây anh không thích áo dài. Tuy nhiên sau khi xem các tư liệu lịch sử và thời trang, kết hợp với quan sát trong thời gian dài thì sự thờ ơ trong anh dần chuyển sang trạng thái quan tâm và yêu thích. Trải qua một chặng đường dài, anh nhận ra cách đơn giản nhất để giới thiệu “tôi là người Việt Nam” là mặc lên mình chiếc áo dài. Áo dài chính là “thương hiệu” mạnh nhất, dễ nhận diện nhất của một nhà mốt Việt. Từ đây, Huy Võ đặt ra thử thách đầu tiên là phải làm sao để áo dài không rườm rà, tinh tế, thể hiện được chất quyền quý của các Madame (quý bà, phu nhân).
Áo dài Madame là thành quả của một quá trình nghiên cứu sâu rộng để rút ra “linh hồn” của từng thiết kế áo dài trong lịch sử Việt Nam. Huy Võ và cộng sự đã thử nghiệm các thiết kế nhiều lần trong suốt 36 tháng để tìm ra sự hài hòa tuyệt đối, để đảm bảo rằng có thể kết hợp tính di sản quý giá của chiếc áo dài với những nét đẹp đương đại, để thể hiện mối liên hệ giữa quá khứ, hiện tại và tương lai một cách xuyên suốt.
Áo dài Madame là điểm gặp gỡ của thời trang đương đại, di sản và văn hóa. |
Thử thách 2 - Nương theo chất lụa Việt
Người làm thời trang có sự trân trọng nhất định dành cho lụa là gấm vóc Việt sẽ dễ dàng đồng ý rằng chất liệu thời trang Việt Nam có vẻ đẹp hoàn hảo không thua kém bất cứ nguồn nguyên liệu nào. Tuy nhiên, gấm lụa Việt rất khó sử dụng trong thời trang, đặc biệt là thời trang cao cấp do sự kém đồng đều về kỹ thuật dệt, chất lượng sợi, màu sắc bảng màu chênh lệch... Do vậy nếu xét trên các nguyên tắc về kỹ thuật dệt may, rất nhiều tấm vải sẽ phải xếp vào nhóm "vải lỗi". Bên cạnh đó, cái khó còn đến từ sự co giãn, độ rút lớn của vải.
Giải pháp mà Huy Võ đưa ra là thuyết phục nhiều lần để có được những đối tác đồng hành, thuyết phục nhiều lần để khách hàng hiểu, tin và chọn áo dài Madame.
"Khi người làm thời trang có đủ kiến thức và cách xử lý chất liệu bằng kỹ thuật may cao cấp giúp khống chế độ co rút của vải lụa tơ tằm Việt, lược bằng tay cho từng centimet vải, kỹ thuật ủi vải cùng vô vàn công đoạn khác… thì khi mặc lên, người tinh ý sẽ nhận ra sự khác biệt của thiết kế. Người mặc cũng thấy được những cái “lỗi” trên vải đã được tinh chỉnh trên trang phục", NTK tâm sự.
Huy Võ và NTK Hà Linh Thư trên thảm đỏ sự kiện trao giải thời trang. |
Huy Võ nhiều lần mặc áo dài Madame đi đến khắp nơi - từ hè phố đến các khu chợ bình dân, từ thảm đỏ đến đám cưới của những người bạn thân thiết... Anh tự do kết hợp áo dài với quần sequin, áo sơ mi, jeans, sneakers... để tạo ra phong cách riêng cho bản thân.
Thử thách số 3 - Khách hàng cần gì ở sản phẩm thời trang
NTK cho rằng phụ nữ ở độ tuổi đôi mươi thường chọn áo dài ôm để tôn đường cong gợi cảm. Khi bước vào tuổi trung niên và cao niên, họ ít nhiều mất đi sự tự tin về cơ thể và không còn muốn mặc áo dài ôm. Một xu hướng thịnh hành những năm gần đây là áo dài lấy cảm hứng từ các di sản văn hóa cung đình hoặc các trang phục cổ phục… 8X không đi theo con đường này và cho rằng sẽ còn nhiều điều cần bàn về tính ứng dụng trong đời thường của kiểu trào lưu này.
"Áo dài là nét đẹp văn hóa nhưng cần hiểu rằng văn hóa là trải nghiệm sống của từng cá nhân trong môi trường với các điều kiện về địa lý, kinh tế, chính trị…". Anh chia sẻ: "Sự thanh lịch là một tổ hợp đầy đủ bao gồm vẻ khác biệt, nét tự nhiên và tính đơn giản. Và với tư cách là "quốc bảo" của dân tộc Việt, chúng tôi mong ước áo dài Madame sẽ được mặc với tất cả sự duyên dáng, chỉn chu, cao quý, thuần khiết và tinh tế nhất có thể".
Ảnh: NVCC