Mê hồn trận mỹ phẩm kinh doanh qua mạng
Chỉ cần gõ tên thương hiệu mỹ phẩm bạn cần mua trên mạng xã hội hay công cụ tìm kiếm goggle, sẽ hiện ra vô vàn các kênh bán hàng mỹ phẩm và cũng đủ loại giá cho bạn lựa chọn dù chỉ một sản phẩm đó. Lý do người bán đưa muôn hình vạn trang vô cùng hợp lý như xả kho, hàng xách tay từ gia đình gởi về, hàng mua giảm giá từ nước ngoài có hóa đơn mua hàng v.v. Các cách thức làm giả vỏ hộp tinh vi đến gần như thật, và chỉ khi nào thật sự mở nắp và sử dụng thì mới biết rằng mình đã bỏ tiền làm giàu cho hàng giả, cộng thêm các chiêu trò quảng cáo trên mạng xã hội, khiến người tiêu dùng dễ dàng rơi vào “bẫy” và mang về nhà các sản phẩm kém chất lượng.
Hình thức phổ biến của hàng giả các thương hiệu mỹ phẩm cao cấp là cam kết bán hàng chính hãng, xách tay, giá rẻ hơn hàng thật khá nhiều và chỉ giao dịch qua mạng. Khách có nhu cầu mua hàng trực tiếp tại cửa hàng, người bán sẽ vòng vo và tìm cách né tránh hoặc chặn lại người mua.
Nhãn hàng lớn bị nhái nhiều như nấm từ trên mạng và chợ trời!!
Theo báo cáo từ L’Oréal Việt Nam, ước tính có hơn 60,000 cửa hàng bán mỹ phẩm, nước hoa liên quan đến mỹ phẩm không thể xác minh nguồn gốc, thành phần trên mạng.
Trong đó có 31.000 trường hợp liên quan đến các nhãn hàng cao cấp của Lancôme, YSL, shu uemura và Kiehl’s, trộn lẫn hàng thiệt và hàng giả để bán tùy theo mức độ hiểu biết của người mua hàng. Trên kênh thương mại điện tử, chỉ trong năm 2020, mức độ tiêu thụ các sản phẩm không rõ nguồn gốc và đảm bảo chất lượng này đã tăng từ 134% đến 170% so với cùng kỳ năm trước, theo quan sát chỉ trên một trong những sàn điện tử lớn nhất Việt Nam hiện nay.
Các điểm bán tại chợ truyền thống này hiện cũng đã nhanh chóng đưa cửa hàng của họ lên mạng qua sàn thương mại điện tử hay Facebook, với những lời hứa có thể kiểm tra hàng thoải mái và mức giá siêu thấp để tạo lòng tin và tăng tính cạnh tranh. Các sản phẩm giả thường không có nhãn phụ, không có ngày sản xuất và hết hạn.
Tình trạng trộn lẫn hàng giả và hàng thật và “nhìn theo mặt” để bán cho khách là khá phổ biến, đây là cách thức đối phó với việc kiểm tra từ cơ quan chức năng và vẫn có thể đạt mức siêu lợi nhuận từ buôn bán hàng giả.