Bước chân đến chợ đá quý Bogyoke Aung San, Myanmar những hình ảnh đầu tiên mà bạn bắt gặp tưởng sẽ rất không… thân thiện nhưng hóa ra không phải...
Đằng sau những cảnh sát trang bị súng ngay cổng chợ là những nụ cười trắng sáng, tươi tắn, rạng rỡ của chính những "chiến binh" trẻ măng kia và sự chào đón hiền hậu của những người bán hàng, các chủ quầy đá quý trong chợ.
Du lịch đến Myanmar các tín đồ thời trang, trang sức chớ bỏ qua chợ đá quý Bogyoke Aung San ở Yangon nơi có những món đồ trang sức quyến rũ vô đối.
Bogyoke Aung San (tên chợ) - được đặt theo tên của con đường, là trung tâm của thủ đô Yangon, Myanmar, có đến hơn 1.500 quầy hàng, bán đủ các loại từ thủ công, mỹ nghệ, ẩm thực đến thời trang, tiêu dùng… Trong đó nhiều nhất, chiếm đến 3/4 là trang sức, đá quý.
Chợ Bogyoke Aung San rộng lớn, sạch đẹp, ngay cạnh trung tâm thương mại hiện đại, được hình thành từ đầu những năm thế kỷ 20, mở cửa đông nhất từ 2 - 3 giờ chiều…
Những món đồ trang sức, đá quý được bán rất đa dạng, các tín đồ có thể thoải mái kiếm tìm cho mình một hoặc nhiều món phù hợp theo nhu cầu từ những viên đá thô cỡ bự chưa mài giũa, cắt gọt đến những món đồ đã chọn lọc, chạm khắc tinh xảo. Giá cả các món đồ trang sức, đá quý ở đây cũng vì thế mà rất đa dạng, từ vài đô la đến cả chục ngàn, trăm ngàn đô la.
Chợ Bogyoke Aung San rộng lớn, sạch đẹp, ngay cạnh trung tâm thương mại hiện đại, mở cửa đông nhất từ 2 - 3 giờ chiều, có ngân hàng đổi tiền ngay trong chợ…
Choáng ngợp trước vẻ đẹp của những chiếc vòng, đôi khuyên tai, lắc tay, mặt nhẫn, mặt dây chuyền và cả những món đồ thủ công, trang trí nhà cửa, đồ vật phong thủy được làm đa dạng từ đá mã não, ruby, ngọc bích, sapphire… các tín đồ cũng chớ quên… mặc cả.
Cũng như nhiều chợ thời trang, trang sức và tiêu dùng khác của châu Á, giá cả của Bogyoke Aung San thường "ở trên trời" còn hàng hóa và người bán vẫn "ở nguyên mặt đất", giá chào và giá mua chốt cuối có thể chênh nhau đến cả… chục lần.
Mua đồ ở chợ có mua vo và mua có giấy chứng nhận (nếu mua hàng giá trị lớn bạn cần kiểm tra giấy tờ đàng hoàng nếu không sẽ bị thu giữ lại ở sân bay bởi an ninh).
Nằm ở ngã ba sông Yangon và sông Bago, cách Vịnh Martaban 30 km, nguồn đá quý của Yangon và chợ Bogyoke Aung San được đưa về từ các "thung lũng hồng ngọc" Mogok - mỏ đá quý lớn nhất thế giới (vùng Mandalay), Mongshu (bang Shan) và Phakant (bang Kachin)... (những nơi cách hàng ngàn kilomet). Một viên đá sau khi chế tác có thể tăng giá gấp mười lần so với đá thô và ngược lại.
Mỗi năm Myanmar xuất khẩu 60 triệu USD đá quý các loại. Năm 2012, xuất khẩu ngọc bích của Myanmar tăng lên mức kỷ lục 1,75 tỉ USD trong năm 2010 và 2011, chiếm tới 1/5 tổng giá trị xuất khẩu quốc gia.
GDP quốc gia phần lớn đến từ ngành khai khoáng này. Mogok (Myanmar) cung cấp tới 90% hồng ngọc trên thế giới và Yangon là điểm lui tới của các tay buôn hồng ngọc lớn nhất thế giới. Đó là lý do ngay trung tâm Yangon là biểu tượng của viên hồng ngọc khổng lồ ngay trung tâm thành phố.
Du khách dễ dàng bắt gặp những tín đồ Đạo Phật thực hiện nghi lễ thành kính và ngồi thiền rất tập trung ở các chùa chiền.
Từ Hà Nội đến Myanmar theo đường hàng không chỉ mất chưa đầy 2 tiếng (còn không dài bằng chuyến bay nội địa Hà Nội - Sài Gòn). Và từ Thành phố Hồ Chí Minh tới đây cũng chỉ mất hơn 2 tiếng mà thôi. Trong khối ASEAN bạn sẽ không gặp phải vướng mắc gì về giấy tờ, visa khi đến Myanmar và thăm chợ đá quý nổi tiếng Bogyoke Aung San.
Một chuyến đi đến trung tâm trang sức lớn nhất nhì khu vực, hành hương về những ngôi chùa đẹp nhất châu Á, gặp gỡ những người dân theo Đạo Phật thiện lành và tự thưởng thú mua sắm, sở hữu các trang sức, đá quý một cách dễ dàng là điều rất nên làm trong kỳ nghỉ dài đầu tiên của năm.
Ảnh: Quảng Hà