Ra đời từ những năm 50 của thế kỷ trước, tiệm may Đức Hạnh (23 Hàng Trống) một thời là nơi lui tới của những tín đồ thời trang sành điệu Hà Nội, là nơi ra đời của biết bao bộ cánh trẻ em xinh yêu, những món đồ thêu hoa thanh lịch, những bộ trang phục được cắt, may tỉ mỉ. Nay, theo dòng chảy hiện đại, tiệm đã chuyển mình thêm mảng may đồng phục học sinh, nhưng vẫn giữ nguyên tinh thần thủ công trong từng đường kim, mũi chỉ. Những người yêu mến nhà may này tuổi tuy không còn trẻ nhưng vẫn tha thiết, hoài niệm như ngày nào.
Thời trang đồng phục "kéo" nhà may xưa trở lại
Hà Nội có hơn 2.000 trường học và hàng triệu học sinh các cấp, nhu cầu đồng phục hàng năm lên tới hàng triệu bộ. Đồng phục học sinh cần đáp ứng tiêu chí gọn gàng, chỉnh tề, chất liệu, phom dáng thoải mái đồng thời thể hiện phong cách thời trang, thẩm mỹ riêng của từng trường. Các công ty thời trang đồng phục cũng theo đó phát triển. Họ vào cuộc, phối hợp sản xuất, tạo ra các thiết kế đa dạng.
Trào lưu thời trang đồng phục không mới mẻ nhưng nay lại có sự tham gia của các nhà may truyền thống vốn nổi tiếng với tay nghề tinh xảo và sự tỉ mỉ trong từng chi tiết mang đến chất lượng, sự đa dạng cho thị trường trang phục này. Đậm tính thủ công nhưng có sự kết hợp hài hòa giữa phong cách cổ điển và hiện đại, các nhà may xưa đáp ứng được nhu cầu về những bộ đồng phục đẹp, có kỹ thuật, chất lượng và mang đến một luồng gió vừa quen lại vừa lạ trong thị trường thời trang đồng phục Hà Nội.
Trò chuyện với phóng viên, bà Dung (nhà may Đức Hạnh) cho biết sản phẩm truyền thống của nhà may là đồ thêu, sơ sinh, trang phục trẻ em, quần áo mùa hè. Khách hàng chủ yếu là người mua lâu năm và kỹ tính trong thời trang. Họ đặt may đồ cho bản thân, đồng phục cho con cháu và gửi cả ra nước ngoài cho người thân (những người Hà Nội xưa). Đồng phục nhà bà không sản xuất hàng loạt như các công ty thời trang mà may đo rồi bán lẻ theo cỡ, cũng là mảng chủ đạo.
Một khách hàng lâu năm của nhà may Đức Hạnh, chị Phượng (phố Trần Hưng Đạo, Hà Nội) kể: "Mình có 2 con trai, từ nhỏ chỉ mặc đồ Đức Hạnh, đi học tưởng không được mặc đồ của bà nữa nhưng may quá nhà may lại nhận may thêm đồng phục, vẫn tỉ mỉ, chất liệu tốt, đường kim mũi chỉ sạch sẽ, mình không có lý do gì tìm chỗ khác"…
Người Hà Nội vẫn ưu tiên "cái cũ"
Nằm trong một con ngõ nhỏ, trải qua gần 1 thế kỷ, nhà may Đức Hạnh chứng kiến nhiều sự thay đổi của Hà Nội và sự phát triển không ngừng của ngành thời trang. Nhưng cơ sở này vẫn bền bỉ với các sản phẩm "gia truyền" và phát triển thêm các sản phẩm hiện đại, nhờ vào sự tinh xảo trong nghệ thuật may đo truyền thống, sự nhẫn nại, đam mê của người chủ (cũng là một người thợ thủ công) và cũng nhờ vào tình yêu với những điều xưa cũ của người Hà Nội.
Chị Phượng nói giọng đầy gắn bó: "Con trai lớn không còn mặc đồng phục nhưng mình vẫn đến đây đặt may sơ mi cho con. Đã bao năm may, đặt đồ ở đây rồi, đi chỗ khác không quen. Chất liệu ở đây chuẩn cotton, thoáng, mát nên rất thoải mái, không ở nơi nào bằng".
Chị Hương (ở Láng Thượng, Hà Nội) thì cho biết, cả mẹ chồng lẫn mẹ đẻ chị đều quen mua đồ ở Đức Hạnh. "Thế nên dù ít tuổi, là tín đồ hàng hiệu nhưng khi mua đồ cho trẻ con tôi đều đến đây. Như thế các bà mới yên tâm là… cháu mình được mặc đồ tốt", chị Hương chia sẻ.
Những nhà may xưa như Đức Hạnh không chỉ là nơi nhiều người Hà Nội đến để có một bộ đồ vừa vặn, đẹp đẽ, mà còn là chốn hoài niệm về một thời đã qua, để họ gửi gắm tình cảm với những giá trị xưa cũ. Họ đặt may những bộ đồ cho con cháu mình, như một cách truyền lại tình yêu với những điều đẹp đẽ trong quá khứ. Những bộ đồng phục được chăm chút từng mũi kim, đường chỉ thể hiện sự tài hoa của người thợ và mang cả trong đó những kỷ niệm của khách hàng.