Bài: Lữ Khách
Thành cổ Bagan
Bagan là thành phố thuộc tỉnh Mandalay, nằm ở tả ngạn sông Ayeyarwady, gồm 3 quận: Nyaung U, Thành cổ và Thành mới. Bagan không chỉ nổi tiếng là đô thành của vương triều thống nhất đầu tiên của Myanmar, có nhiều di tích văn hóa, còn nổi tiếng hơn vì là một rừng tháp, cùng với quần thể Ankor Wat của Cambodia, điện Borobudur của Indonesia hợp thành “3 quần thể kiến trúc Phật giáo lớn nhất thế giới”. Riêng về tháp, không nơi nào sánh vai được với Bagan. Tháp ở Bagan đồng thời cũng là chùa, giống cung điện, lâu đài, hình chuông, hình hồ lô, hình tròn có, hình vuông có, thiên hình vạn trạng, nhưng có đặc điểm chung là chóp vàng nhọn vót.
Năm 846, vua Pyinbya thống nhất miền Thượng Myanmar, xây dựng vương triều Bagan. Năm 1044, vua Anawrahta kế vị, ông đã dấy binh chinh phục tứ phía, mở rộng bờ cõi. Anawrahta đã sáng tạo ra chữ Myanmar cổ. Ông đã lấy Phật giáo Tiểu thừa làm quốc giáo, xây dựng nhiều bửu tháp, nổi tiếng nhất là tháp Shwesigon. Ông đã xây dựng kênh đào Anuruddha, phát triển nông nghiệp, khiến sức mạnh của vương triều Bagan tăng trưởng trong vòng 200 năm. Năm 1078, vị anh hùng bách chiến của dân tộc Myanmar chết lãng xẹt ở tuổi 63 do bị... bò rừng húc!
Năm 1287, quân Nguyên sau khi chinh phục toàn cõi TQ đã phá thành Bagan, Vương triều diệt vong. Các vị vua kế tiếp Anawrahta, trong vòng 250 năm, đã xây dựng tổng cộng 13,000 tòa tháp trên diện tích 35 k㎡, biến Bagan thành nơi số tháp còn nhiều hơn số dân. Qua nhiều lần chiến loạn, giặc dã, trung tâm chính trị chuyển về phía nam, không ai tu bổ, nên tháp bị tàn phá nặng nề. Năm 1973, chính phủ Myanmar thống kê còn lại 2,217 tòa, năm 1975, Bagan phải hứng chịu cơn động đất 6,8 độ Ricter, có lẽ nay ước tính chỉ còn trên ngàn tháp, nhưng cũng đủ để du khách choáng ngợp.
Bagan ngày nay là một thị trấn nửa tỉnh nửa quê, chỉ có các ngọn tháp còn đứng trơ trơ trong thành cổ là nhận chứng cho một đế chế phồn hoa. Đi bộ trên phố cổ, như đi dạo trong rừng tháp.
Shwesigon Paya - Hình mẫu của muôn tháp
Tháp Shwesigon nằm trong thành cổ Bagan, được xây năm 1059 dưới thời vua Anawrahta, là tòa tháp đầu tiên, tạo hình mẫu cho các tòa tháp được xây dựng sau này.
Tháp Shwesigon 40m, là tòa tháp đá duy nhất ở Myanmar, các tháp khác đều là tháp gạch. Tháp hình vuông đối xứng, có 3 tầng, trên cùng là sân thượng hình bát giác, dựng chóp tháp hình chuông. Xung quang tháp Shwesigon có rất nhiều tháp nhỏ và đình đài, ngoài cùng là chùa. Bốn góc tháp là 4 ngôi đình bằng đồng, trong có pho tượng phật cực đẹp.
Trong các đền đài có “đền Phụ Tử” thờ 2 bố con, bố ngồi dưới, con ngồi trên. Theo chuyện dân gian, 2 bố con này đều là kẻ cướp, được Phật giáo hóa, con đã giác ngộ, cải tà quy chánh trước, rồi bố cũng noi theo, nên con ở vị trí cao hơn bố. Phật giáo Tiểu thừa ít có thờ thần thánh, người phàm, đây là ngoại lệ, mang tính răn đe. Hai pho tượng có nét mặt hồn nhiên mang nét khờ khạo, được khách hành hương nhét đầy tiền quanh người.
Thatbynyu-Ngọn tháp cao nhất
Thatbynyu trong tiếng Phạn có nghĩa “phan nhược”, tức đại trí tuệ. Tháp Thatbynyu cao 66 m, cao nhất trong quần thể tháp Bagan, từ xa đã nhìn thấy chóp vàng rực rỡ, đến gần thấy khí thế hùng vĩ như tòa cung điện. Tháp đã đột phá kết cấu đối xứng của tháp Ananda. Phần đế tháp có 2 tầng, mỗi tầng có 3 lớp phật, rồi co lại dần thành tháp vàng chót vót. Tháp chia thành 5 tầng, tầng 1, 2 là nơi ở của tăng lữ, tầng 3 là nơi dành cho không gian suy tưởng, tầng 4 là thư viện, tầng 5 thờ Phật. Trong tháp có cầu thang dẫn tới đỉnh tháp, góc nhìn phóng khoáng, có thể nhìn khắp đồng bằng Bagan, nên còn được gọi là “Tháp vọng”.
Chùa Htilominlo, gặp lại “người cao cổ”
Chùa do vua Htilominlo xây dựng năm 1218, là chùa và tháp kiểu Miến cuối cùng ở bagan. Tháp cao 46 m, các cạnh dài 43 m, như 2 khối vuông úp lên nhau dưới chóp nhọn. Quanh chùa có tường dào trang trí hoa văn, sân chùa có nhiều quán bán hàng lưu niệm.
Tôi hết sức thú vị, gặp lại tộc Người cao cổ trên đất Myanmar. Tộc người này có tên chính thức là người Padaung, họ chủ yếu sống ở tỉnh Chiang Rai, miền bắc Thái, có nguồn gốc người Karen, Myanmar, nhưng người Karen không nhận họ hàng xa này. Người Paduang Myanmar là từ Thailand di cư ngược trở về. Ở Chiang Rai, tôi phải trèo đèo xuống dốc mới tới được làng Người cao cổ; ở Bagan tôi gặp họ quá dễ dàng, nên chẳng thấy cảm giác mới lạ. Điều đó cũng nói lên người Thái khéo khai thác tài nguyên du lịch hơn người Miến nhiều.
Tôi phải đi chân đất lê thê qua khoảng 100 m hành lang đầy hàng quán mới vào được trong chùa. Trong lòng tháp thờ 4 ông Phật đứng theo 4 hướng khác nhau.
Xem mặt trời lặn trên đỉnh tháp Shwesandaw
Cảnh đẹp nhất ở Bagan là cảnh mặt trời mọc, mặt trời lặn, có người từng cho rằng đó là 1 trong 10 cảnh đẹp nhất toàn cầu. Coi cảnh mặt trời lặn tốt nhất là leo lên tháp Shwesandaw. Tháp cao 57 m, tuy không phải tháp cao nhất, nhưng là tháp duy nhất cho phép du khách leo lên tầng trên cùng.
Chúng tôi đến tháp Shwesandaw trời đã nhá nhem chiều. Đây là 1 trong “tứ đại kim tháp” ở Bagan, được vua Anawrahta xây năm 1057. Sau khi chinh phục nước Thaton ở phía nam, cướp được pho kinh Tam tạng và xá lợi tóc Phật, ông đã quyết định xây dựng tòa tháp lớn để cung phụng. Tháp có 5 tầng, đế tháp hình vuông có tạo hình như Kim tự tháp Maya. Ba tầng dưới leo lên dễ dàng, 3 tầng trên rất dốc, mỗi bậc thang dài tới 70 cm. Tầng 5 là sân thượng rộng rãi, trên có tòa tháp trắng hình chuông úp, đế tháp hình bát giác, trên cùng là chóp dát vàng. Đường lên tháp khá mệt nhọc, nhưng du khách đủ mọi quốc tịch vẫn chen chúc, cố kiếm 1 chỗ để thưởng thức kỳ quan có khi cả đời người chỉ gặp 1 lần.
Mặt trời lặn, ở đâu cũng vậy, nhưng trên đỉnh tháp Shwesandaw, nhìn thấy mặt trời lặn giữa muôn trùng tháp, cảnh hùng vĩ đó, chỉ Bagan mới có. Nhìn thấy mặt trời từ từ khuất dần trên đường chân trời, góc nhìn nhỏ dần, đường nét mờ mờ ảo ảo càng lớn; các bước sóng xanh, tím, chàm bị khí quyển hấp thu, chỉ còn lại một màu đỏ rực, lặn sau rạng núi xanh biếc, bên kia dòng Ayeyarwady mênh mông. Tôi cảm thấy như trong mơ, như ảo giác, máy hình không sao ghi lại được khoảnh khắc kỳ diệu chỉ kéo dài chừng 1 phút.
Cả ngàn tòa tháp ngày nay đã làm cho tôi hoa cả mắt, nhưng theo sử liệu, vương triều Bagan thời cực thịnh có tới 4,4 triệu ngôi tháp (?!), nên gọi là “đất nước triệu tháp”. Con số quá lớn, tôi không dám tin, chỉ ghi lại cho bạn đọc tham khảo.
Cả ngàn ngôi chùa lấn chiếm hết đồng bằng Ayeyarwady màu mỡ. Đâu rồi, kênh dẫn thủy nhập điền Anuruddha của nhà vua kiệt hiệt Anawrahta? Tôi chỉ thấy cát bụi mù trời và lác đác những cây thốt nốt.