Chia sẻ trong bài nói chuyện tại TedxOrlando, Tammy kể chuyện thật từ chính gia đình cô: trong vòng xoáy nợ nần, anh trai cô đã tự tử ở tuổi 40 để lại vợ và hai người con. Khi đến nhà người anh nằm trong một gara, Tammy tìm thấy những xấp hóa đơn thẻ tín dụng quá hạn cùng tờ thông báo tịch thu tài sản gởi đến đúng vào ngày anh chết.
Tammy nói: “Những hành vi tự hủy hoại bản thân cũng như thất bại về tài chính không gây ra bởi lý trí của chúng ta. Chúng là sản phẩm của hệ thống niềm tin trong nhận thức có nguồn gốc từ nhỏ và ăn sâu, hình thành nên cách chúng ta ứng xử với tiền khi trưởng thành”.
Trong văn hóa của rất nhiều gia đình, tiền là chủ đề cấm kỵ, nói về tiền là nỗi xấu hổ. Tammy tự nhận bản thân trước đó đã “sỉ nhục anh trai bằng cuộc nói chuyện tiền bạc”. Cô tin rằng ai cũng có nỗi xấu hổ về tiền bạc. Chính bản thân Tammy khi bị mất việc và đối mặt với tình trạng phá sản, cô tự hỏi bản thân đã làm gì sai, chuyện gì đã xảy ra? cô giữ im lặng nhưng rồi lại bước ra ngoài và cười như không có gì xảy ra.
Để bước qua được nỗi xấu hổ về tiền, Tammy chấp nhận sự giúp đỡ, cô tự vấn bản thân về lịch sử tiền nong của gia đình cũng như niềm tin của bản thân về tiền bạc.
|
“Chúng ta phải bắt đầu nói chuyện về tiền. Tiền không phải là chủ đề kiêng kỵ nữa, mỗi người phải thành thật rằng chúng ta đang chịu khổ vì tiền. Nói chuyện chính là để xóa bỏ nỗi đau ấy”, Tammy nói, cô cho rằng quá trình của bản thân cô chính là một “sự thức tỉnh chậm”.
Hãy thử đi theo tiền của bạn, xem tiền đang đi đâu, bạn đang tiêu tiền vì cái gì và bạn có trân trọng tất cả điều đó hay không? Hãy tò mò về cảm giác của bạn khi bạn chi tiêu, xem khi đó bạn cô đơn, buồn chán hay phấn khích… “Chỉ cần một người trong gia đình phá vỡ vòng tròn xấu hổ về tiền bạc, người ấy có thể là bạn”, Tammy Lally cho biết.