Thời trang nhanh dần mất đi sức hút trong nhịp sống hiện đại nhường chỗ cho sản phẩm thủ công thanh lịch, hoài cổ như thêu tay. Nắm bắt xu hướng, nhu cầu của các tín đồ, nhiều lớp học thêu tay của các nghệ nhân, thợ thủ công, nhà thiết kế thời trang được tổ chức.
Mở tại xưởng thêu, quán cà phê hoặc shop thời trang, các workshop thêu tay chiếm ưu thế cả về số lượng (lớp học, người theo học, so với các workshop thời trang khác) lẫn độ "hot", mặc nhiên trở thành "cái nôi" nuôi dưỡng đam mê và sáng tạo của những người phụ nữ hiện đại.
Truyền cảm hứng và kết nối
Đáp ứng nhu cầu học thêu của các nam, nữ tín đồ, nhiều workshop đã được mở ra với chi phí rất rẻ (chỉ vài trăm ngàn mỗi khóa học hoặc mỗi buổi thực tế). Có những đơn vị mở workshop miễn phí chỉ nhằm lan tỏa vẻ đẹp của nghề thêu, kết nối với các tín đồ yêu nghệ thuật thêu tay như Tú Thị Design...
Lớp học thêu tay của nghệ nhân Nguyễn Thị Hằng (đường Lạc Long Quân, Q.Tây Hồ, Hà Nội) rất nhộn nhịp. Nếu học online, dụng cụ học được gửi tới tận nhà học viên, học viên chỉ việc vào nhóm lấy video có sẵn, mở ra thực hành theo. Nếu học offline (tại showroom, chừng 5 - 15 người), mỗi buổi chỉ học được 1 mẫu, thực hành trên chính váy áo hoặc vải học viên mang tới. Được hướng dẫn tỉ mỉ từ cách chọn kim, chỉ, căng vải đến những mũi thêu đầu tiên như mũi đâm xô, mũi viền, hết buổi học là học viên cũng thêu xong váy áo, có thể diện ngay.
Nhiều nơi mở lớp học thêu thì cũng có nhiều tiệm bán dụng cụ thêu rất xinh xắn, giá rẻ. Bộ dụng cụ thêu, sách hướng dẫn và video có giá chỉ khoảng từ 100.000 - 300.000 đồng. Có những tiệm còn bán sẵn vải in họa tiết, chỉ việc thêu chồng lên vừa đẹp lại vừa dễ.
ẢNH: TIỆP TẠP HOÁ NHÀ MAY
Thuộc nhiều lứa tuổi, ngành nghề, học viên - các nữ sinh viên trẻ, nhân viên văn phòng, bà nội trợ, viên chức ngành y tế, công an, tòa án (nghề nghiệp căng thẳng). Tay mải miết đưa kim, mắt chăm chú nhìn hình mẫu miệng trò chuyện vui vẻ về các mẫu thêu đẹp, xu hướng thời trang, chuyện nhà cửa, không gian lớp học vì thế rất thân thiết, gần gũi.
Nghệ nhân Nguyễn Thị Hằng nói: "Áp lực cuộc sống nặng nề, nhiều người tìm đến thêu như một cách giải tỏa tâm trạng, tìm điều mới mẻ. Tập trung vào mũi thêu, họa tiết, người thêu có thể quên đi những bộn bề vụn vặt, cân bằng lại cuộc sống, thêu tay thực tế là một hình thức thiền chủ động rất hiệu quả...".
Chị Hương, một kế toán tại Hà Nội, cho biết công việc chuyên môn của chị khá đơn điệu, để thay đổi không khí và có thêm bạn ngoài văn phòng, ban đầu chị theo các buổi chạy marathon (theo khuyến nghị của công ty). Sau, các workshop thời trang nở rộ chị đã đăng ký học online và dự các offline giao lưu.
Những mảng màu thêu sống động, những hình hoa thanh lịch, những bộ cánh thêu tay đậm vẻ hoài cổ khiến chị bị thu hút. Chị nói: "Khoe các mẫu thêu với bạn bè, tự tay trang trí váy áo mình như có thêm niềm vui mới. Học thêu mình có thêm nhiều bạn, cùng trò chuyện về thời trang, rủ nhau tham gia các cộng đồng để học hỏi rất vui...".
"Tất nhiên, không phải ai học cũng thêu đẹp nhưng tụi mình có thể "giúp" nhau. Trong nhóm ai thêu tranh đẹp thì thêu tranh, ai thêu hoa đẹp thì thêu hoa, giá thêu "hộ" mang tính "nội bộ", coi như có "mối dịch vụ" trang trí đồ giá rẻ mà không phải vất vả tìm kiếm. Lớp mình nhiều chị em khéo tay học xong còn nhận thêu chuyên nghiệp, kiếm được không ít tiền", chị Hương kể.
Nghệ thuật thêu tay cổ truyền gần nhịp sống hiện đại hơn qua các workshop
Những năm gần đây, các lớp học thêu tay là điểm đến đầy cảm hứng cho các tín đồ yêu lối trang trí trang phục truyền thống. Họ tham gia workshop học kỹ năng mới, khám phá khả năng sáng tạo bản thân, làm mới trang phục hiện đại và thậm chí là thêm nghề tay trái kiếm sống... Đam mê nghệ thuật thủ công, muốn tìm kiếm niềm vui trong việc tự tay thêu thùa, các học viên đã làm hồi sinh nghệ thuật thêu tay và các họa tiết độc đáo.
"Các workshop thêu vừa truyền đạt kỹ thuật vừa truyền cảm hứng về tình yêu thời trang thủ công, nhắc lại những giá trị thời trang truyền thống cổ điển nhưng đầy tinh tế trong thế giới thời trang hiện đại", chị Hằng nói
ẢNH: NGHỆ NHÂN NGUYỄN THỊ HẰNG
Nghệ nhân thêu Nguyễn Thị Hằng cho biết: "Nhận thấy xu hướng thích học thêu từ các chị em phụ nữ nên tôi mở lớp học thêu. Rất nhiều chị em đã hưởng ứng. Ngoài việc tiện chăm sóc gia đình thì có thể nói mỗi mũi thêu nhỏ bé đều như là sự kết nối giữa cổ điển và hiện đại, mang lại sự cá nhân hóa độc đáo trong từng món đồ...".