Thủ khoa thời trang Huỳnh Anh Thư tâm sự: "Thư pháp Việt Nam có lịch sử hàng nghìn năm, trong đó bao hàm vô vàn giá trị về văn hóa, lịch sử và con người. Sẽ thật nuối tiếc khi nền văn minh này đang chìm dần vào quá khứ. Bản thân tôi cho rằng những giá trị truyền thống giống như một chiếc kén - từng ngày 'lột xác' và bung nở để phù hợp với thời đại và con người hiện đại. Vẻ đẹp truyền thống ấy chính là gốc rễ để người trẻ sáng tạo dựa trên sự kế thừa và phát huy, tiếp nối và khai phóng mạnh mẽ hơn nữa cho lớp trẻ mai sau".
Bộ sưu tập Nét bao gồm 5 mẫu thiết kế. Những nét đẹp của nghệ thuật thư pháp Việt được khắc họa lại trong ngôn ngữ thời trang bằng các biện pháp xử lý chất liệu như đính kết thủ công, phá cấu trúc từ phom dáng áo dài nam, rã rập thành từng mảnh nhỏ và xâu lại bằng móc khoen kim loại, đan và thắt dây phối hợp đa chất liệu... để tạo nên câu chuyện đặc trưng trong từng bộ trang phục.
Chiếc áo khoác chính là điểm nhấn mạnh mẽ nhất với 2 kiểu biến tấu khác nhau nhờ kỹ thuật phá cấu trúc rập. Bên ngoài chiếc áo, mẫu thiết kế thân sau được lấy cảm hứng từ tranh thư pháp với chi tiết đính kim sa loang từ màu trắng - xám khói đến đen, xử lý đắp vải tỉ mỉ trên nền thêu lắc tay những đường nét của thư pháp. Điểm xuyết vào đó là những sợi cườm dạng ống trúc thả dài xuống để tạo hiệu ứng lung linh như những giọt mực rơi xuống từ bức tranh vẽ.
Ở một số mẫu, NTK chọn chất liệu có bề mặt và tính chất giống như một trang giấy xưa
Huỳnh Anh Thư muốn nhìn nhận thư pháp dưới góc độ đa chiều, những mảnh giấy thư pháp giờ đây không chỉ đơn thuần là 2D mà được biến tấu thành dạng 3D qua ngôn ngữ thời trang bằng phương pháp draping 3D trên nền vải in chuyển nhiệt và dập ly tăm.
Những mảnh ghép ký ức về thăng trầm của nền nghệ thuật thư pháp Việt Nam phát triển trên kỹ thuật rã rập toàn bộ phần áo và phá cấu vạt áo để tạo thành một cấu trúc trang phục mới. Chiếc áo dài cách điệu bao gồm 4.000 chiếc móc khoen đính từng mảng ô vuông ghép lại với nhau trên nền vải in chuyển nhiệt nét mực thư pháp, đồng thời vẽ tay thủ công các đường nét thư pháp trên tạo sự liên kết giữa các ô vải.
Với mong muốn tập trung truyền tải vẻ đẹp của những cách xử lý chất liệu, mỗi bộ trang phục chú trọng vào các cách xử lý chất liệu khác nhau nhưng vẫn đảm bảo sự hài hòa và liên kết xuyên suốt BST.
Lấy cảm hứng từ độ loang của mực trên giấy và những hình thái trong cách vận bút như đậm - nhạt, lớp chồng lớp, nét phớt và nét vòng. Màu sắc trang phục chuyển dần từ đậm nhất phía dưới và lan dần lên phía trên. Ngoài các kỹ thuật may, phối tầng dập ly và vẽ tay thủ công được chú trọng để đặc tả dụng ý, các sản phẩm phụ kiện như túi đeo thắt lưng, bao tay được thiết kế sao cho phù hợp với việc phối hợp sao cho tạo được tổng thể bắt mắt, hài hòa, chỉnh chu.
"Nét được hiểu nôm na là đường nét, hiểu sâu hơn là nét chữ nết người. Dưới góc độ của thư pháp, 'nét' không chỉ bao hàm về hình thức, nội dung mà còn thể hiện khí chất của người cầm bút, một chữ viết đẹp. 'Nét' đẹp bao hàm nhiều ý nghĩa trong nó, đòi hỏi người viết phải có vốn kiến thức đủ rộng và sâu, qua quá trình tập luyện lâu dài mới có thể truyền tải được tinh thần và cái hồn trên trang giấy", NTK chia sẻ.
Các thiết kế trong BST được truyền cảm hứng và phát triển từ phom dáng, những đường nét - cấu trúc của áo dài nam thể hiện qua phom suông. Điều đó cũng phù hợp với tinh thần tự do, phóng khoáng thường thấy trong cách vận bút trong thư pháp.
Nhà thiết kế tâm sự: "Tôi tin rằng nghệ thuật dù không có ràng buộc nhưng luôn có quy chuẩn để nó thuộc về. Dù bạn là ai, là trang giấy trắng hay một bức tranh thư pháp đã thấm mực, chỉ cần lắng nghe bản thân, tận hưởng từng giây phút trong cuộc sống, biết ơn, trân trọng và cho đi, thì cũng có thể tìm thấy cách sáng tạo dựa trên những giá trị truyền thống".
Ảnh: Nhi Ngờ
Trang điểm: Khang Ghẻ
Người mẫu: Trang Phạm, Hoàng Phát, Nguyễn Bảo Trâm, Đinh Khánh Duy, Lê Thanh Thảo