Một trong những lý do có thể khiến trẻ không muốn đi học là vì ở nhà vui quá. Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Huyền cho biết: “Lúc ở nhà mẹ bày ra cho trẻ nhiều trò chơi thú vị, trẻ ăn ngủ giờ nào cũng được còn khi đến trường trẻ phải tuân thủ nề nếp chung”.
Chia sẻ bài viết
Những ngày cuối tháng 10/2020, buổi tọa đàm “Yêu thương đúng cách – Cho con được là chính mình” do Sài Gòn Books tổ chức tại đường sách Nguyễn Văn Bình, Q.1, TP.HCM đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo phụ huynh, giáo viên và những người làm trong ngành giáo dục. Buổi tọa đàm cũng là dịp bốn tác giả: Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Huyền, Tiến sĩ Phạm Thị Thúy, Thạc sĩ Tô Thị Hoàng Lan và cô giáo Vũ Thị Thu Hằng chính thức giới thiệu ra mắt hai tập sách “Chăm trái tim con ấm – Dưỡng trí não con tinh”.
Chia sẻ băn khoăn của phụ huynh khi con bước vào giai đoạn khủng hoảng tuổi lên 3, con thay đổi tính tình sau khi đi học, cô giáo Vũ Thị Thu Hằng cho biết: “Cha mẹ nên tập mở rộng vùng chấp nhận của mình. Phụ huynh hay than phiền về trẻ khủng hoảng tuổi lên 3 nhưng vấn đề nằm ở cha mẹ chứ không phải ở trẻ. Trẻ thấy vui khi đá thúng đụng nia, bôi trét thức ăn lên mặt… Chỉ có cha mẹ stress vì các hành vi đó của trẻ”.
Theo cô Hằng, nếu hành vi của trẻ lặp đi lặp lại nhiều lần mới cần cha mẹ đưa ra quy định để điều chỉnh hành vi. Cách tốt nhất để thay đổi hành vi xấu của trẻ là tạo lập thói quen mới cho trẻ. “Cha mẹ hãy vui khi đứa con của bạn khó bảo, giãy giụa khóc lóc vì bé là đứa trẻ kiên quyết. Hãy thương lượng với bé để bé học cách thương lượng với người khác sau này”, cô Hằng nhắn nhủ.
Với Thạc sĩ Tô Thị Hoàng Lan, trên hành trình nuôi dạy con trước khi muốn thay đổi ai thì phải thay đổi chính mình. Bản thân chị Lan đã phải tự tìm tòi học hỏi để tìm ra phương pháp giáo dục con hiệu quả, học cách nói chuyện sao cho thuyết phục. Để lan rộng ảnh hưởng của mình, chị tự cung cấp kiến thức nuôi con khoa học cho người thân theo cách tự nhiên nhất trong các sinh hoạt thường ngày, kiên nhẫn và kiên định với con đường giáo dục đang đi, với đứa trẻ và vòng tròn ảnh hưởng xung quanh trẻ.
Bốn tác giả đã cùng gởi đi thông điệp về sự sẵn sàng giúp đỡ. Rằng bất cứ khi nào gặp khó khăn, cha mẹ hãy tìm sự giúp đỡ từ cộng đồng. “Không có công thức yêu con nào đúng nhất, phù hợp nhất nhưng nếu cha mẹ thấu hiểu con từ trái tim; với sự hỗ trợ từ những người làm trong ngành giáo dục, với trải nghiệm và kiến thức khoa học thì sự hoang mang sẽ giảm bớt; và hành trình nuôi con vốn vất vả khó khăn sẽ có thêm nhiều hoa thơm trái ngọt”, cô giáo Hằng tâm sự.
Hai tập sách “Chăm trái tim con ấm – Dưỡng trí não con tinh” không chỉ có những kinh nghiệm trong tình huống cụ thể mà còn được lồng ghép trên nền tảng các lý thuyết về tâm lý, giáo dục giúp phụ huynh áp dụng linh hoạt hơn. Bên cạnh đó, sách có văn phong và ngôn ngữ gần gũi, chân thành phù hợp cho các phụ huynh có con từ 0 - 15 tuổi.
Ngoài hai tập “Chăm trái tim con ấm – Dưỡng trí não con tinh”, tủ sách Kỹ năng làm cha mẹ của Sài Gòn Books còn nhiều đầu sách được độc giả đánh giá cao như: Nghề làm cha mẹ, Phúc nuôi dạy con, Thay đổi vì con, Cha voi, Cẩm nang phòng tránh xâm hại cho con…