Chính vì thế, người trẻ đam mê thời trang ngoài lựa chọn học các ngành như tạo hình công nghiệp hay thiết kế thời trang còn có thể tìm hiểu thêm về các ngành học mới như Quản trị doanh nghiệp thời trang hay Truyền thông về thời trang.
Trong những năm gần đây, thời trang Việt Nam đã chính thức “khai sinh” ra những vị trí và chức danh mới.
Cùng với các nhà thiết kế, các chuyên gia về phong cách, chuyên gia tư vấn thời trang, chiến lược gia thời trang, quản lý nhãn hàng, fashion blogger, Fashionista … đang góp sức xoay chuyển và tạo đà để thời trang Việt phát triển vượt bậc.
Trước đây, nói đến học thời trang người ta nghĩ ngay đến các ngành tạo hình công nghiệp, công nghệ may và thiết kế thời trang - những ngành học vốn đã có bề dày phát triển của các trường đại học như Kiến trúc, Mỹ thuật, Văn Lang, Hoa Sen, Tôn Đức Thắng, Công nghiệp, Công nghệ…
Thư Vũ - hiện đang làm công việc tư vấn thời trang và là nhà sáng lập nền tảng ký gửi và mua bán thời trang đã qua sử dụng Coco Dressing Room - là một ví dụ. Luôn biết rằng bản thân rất yêu thích thời trang, từng nghĩ sẽ trở thành nhà thiết kế nhưng sau khi biết đến ngành Quản lý và Kinh doanh Thời trang tại RMIT, Thư Vũ nhận ra đây mới là vị trí công việc trong ngành thời trang mà cô sẽ gắn bó.
Luôn chủ động tìm kiếm cơ hội, ý tưởng khởi nghiệp của Thư Vũ đến từ tủ quần áo của mỗi cô gái. Dự án kinh doanh thương hiệu thời trang đã qua sử dụng – Coco Dressing Room của Thư Vũ được khởi nguồn từ “đề bài” của môn Bán lẻ thời trang.
Mùa tuyển sinh 2020, đại học Hoa Sen giới thiệu ra mắt chuyên ngành Kinh doanh Thời trang - hợp tác với trường College de Paris (Pháp), sinh viên khi tốt nghiệp nhận được bằng Cử nhân cùng giấy chứng nhận hoàn thành chương trình học Kinh doanh thời trang của College de Paris. Đáng chú ý là bên cạnh các học phần về bán lẻ, chuỗi cung ứng, truyền thông và marketing thời trang… chương trình của Hoa Sen còn có học phần về Khởi nghiệp kinh doanh thời trang.
Chủ nhiệm ngành Quản trị Doanh nghiệp Thời trang đại học RMIT Việt Nam, Tiến sĩ Nina Yiu cho biết dệt may là một trong những ngành công nghiệp lớn nhất ở Việt Nam và đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế đất nước. Tiến sĩ Yiu nhận định: “Chuyển đổi mạnh mẽ đang diễn ra trong thị trường khách hàng làm tăng mạnh nhu cầu về nhân viên. Đội ngũ quản lý không chỉ thông thạo thiết kế và quản trị sản phẩm, bán lẻ và kinh doanh (bao gồm lập kế hoạch, phát triển và giới thiệu sản phẩm), mà còn cần giỏi quản lý quan hệ khách hàng và truyền thông”.
Các sự kiện trải nghiệm lớp học thử hay Liên hoan Sáng tạo & Thiết kế Việt Nam 2020 do RMIT tổ chức từ 7 - 22/11/2020 là cơ hội để bạn trẻ và phụ huynh hiểu thêm về các ngành đào tạo mới trong thời trang. |
Ảnh: Kiếng Cận team, SR, RMIT