Mục tiêu xử lý nợ xấu là cải thiện thanh khoản, nâng cao sự an toàn, lành mạnh và hiệu quả hoạt động của các tổ chức tín dụng, tạo điều kiện mở rộng tín dụng, góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Phấn đấu đến cuối năm 2015 cơ bản xử lý được số nợ xấu hiện có, kiểm soát và nâng cao chất lượng tín dụng, tạo nền tảng phát triển an toàn, bền vững hệ thống các tổ chức tín dụng đến năm 2020.
Đến nay, các tổ chức tín dụng đã ban hành và tích cực triển khai thực hiện kế hoạch xử lý nợ xấu. Tăng cường giám sát, thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định an toàn hoạt động, chất lượng tài sản, tình hình tài chính, nợ xấu và kết quả xử lý nợ xấu; đồng thời hoàn thiện các quy định về cơ cấu lại nợ, phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro theo hướng chặt chẽ, minh bạch và phù hợp hơn với thông lệ quốc tế.
Đến tháng 10.2014 đã xử lý được 54,3% tổng số nợ xấu được xác định tại thời điểm tháng 9 năm 2012, chủ yếu bằng các giải pháp đôn đốc thu hồi nợ, sử dụng dự phòng rủi ro, bán, xử lý nợ và tài sản bảo đảm, trong đó có bán nợ xấu cho Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC). Công ty này đã mua gần 95 nghìn tỷ đồng nợ xấu và đang từng bước xử lý theo quy định; trong đó đã bán, thu hồi được gần 4 nghìn tỷ đồng nợ xấu và có lãi. Tỷ lệ nợ xấu hiện nay theo báo cáo của các tổ chức tín dụng vào khoảng 3,8% và có xu hướng giảm (tháng 6 là 4,17%; tháng 7 là 4,11%; tháng 8 là 3,9%). Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tỷ lệ nợ xấu đến nay giảm còn 5,43% so với mức 17% vào năm 2012 (tỷ lệ nợ xấu do Ngân hàng Nhà nước đánh giá cao hơn là do thực hiện phân loại nợ theo thông tin giám sát).
Kinh nghiệm quốc tế về xử lý nợ xấu cho thấy để xử lý nhanh và hiệu quả, các nước thường phải chi một khoản lớn từ Nhà nước, đồng thời phải có khung khổ pháp lý hoàn chỉnh về xử lý nợ xấu, Luật về Công ty quản lý tài sản và có thị trường tài chính phát triển. Việc xử lý nợ xấu ở nước ta gặp nhiều khó khăn do khung khổ pháp lý chưa hoàn chỉnh, ngân sách nhà nước còn hạn hẹp và phải ưu tiên bảo đảm an sinh xã hội, đầu tư phát triển nên không có nguồn để xử lý nợ xấu. Kết quả xử lý nợ xấu trong thời gian qua thể hiện nỗ lực của các ngành, các cấp, hệ thống các tổ chức tín dụng và cộng đồng doanh nghiệp.
Thời gian tới, Chính phủ chỉ đạo tiếp tục đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu gắn với cơ cấu lại các tổ chức tín dụng theo hướng: (1) Tập trung hoàn thiện khung khổ pháp lý, tạo thuận lợi cho việc xử lý nợ xấu, nhất là quy định về mua, bán, xử lý nợ, tài sản bảo đảm, trách nhiệm của người đi vay và quyền hạn của chủ nợ. (2) Hoàn thiện chức năng, tăng cường tiềm lực tài chính, nâng cao năng lực, phát huy vai trò của VAMC, trong đó có việc mua bán nợ theo cơ chế thị trường. (3) Phát triển mạnh thị trường mua bán nợ; khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia mua bán nợ xấu. (4) Yêu cầu các tổ chức tín dụng công khai, minh bạch về nợ xấu và kết quả xử lý, thực hiện các giải pháp kiểm soát chất lượng tín dụng, hạn chế nợ xấu gia tăng. (5) Tăng cường thanh tra, giám sát về nợ xấu, chất lượng tín dụng và việc thực hiện quy định pháp luật về phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro. (6) Tăng cường phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương trong xử lý các vấn đề liên quan và hỗ trợ tổ chức tín dụng, VAMC trong xử lý nợ xấu, nhất là hoàn thiện hồ sơ pháp lý, thu hồi nợ và xử lý tài sản bảo đảm.
Đồng thời với các giải pháp nêu trên, phải bảo đảm môi trường vĩ mô ổn định, phát triển lành mạnh các thị trường chứng khoán, bất động sản, đẩy mạnh thực hiện các trọng tâm tái cơ cấu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế để tạo thuận lợi cho xử lý nợ xấu và tái cơ cấu các tổ chức tín dụng. Phấn đấu đến cuối năm 2015 đưa tỷ lệ nợ xấu xuống còn khoảng 3%.
Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ
Bình luận (0)