Mở ra không gian phát triển rộng lớn hơn
Tuyến cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết dài 100,8 km, từ xã Vĩnh Hảo (H.Tuy Phong) đi qua 4 huyện là Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc và đấu nối vào cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây tại xã Hàm Kiệm, H.Hàm Thuận Nam (Bình Thuận). Tiếp nối việc đưa vào vận hành cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, tuyến cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết đưa vào khai thác tạo nên lưu thông thông suốt thông qua 2 tuyến cao tốc đi xuyên qua Bình Thuận dài hơn 154 km.
Còn tuyến cao tốc Nha Trang - Cam Lâm dài hơn 49 km do Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải làm chủ đầu tư. Dự án khởi công tháng 9.2021 với tổng kinh phí hơn 7.600 tỉ đồng, được thực hiện theo hình thức đối tác công - tư (PPP), hợp đồng BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao). Dự án quy mô 4 làn xe, rộng 17 m; sau đó nâng đường rộng 32 m, 6 làn xe. Toàn tuyến cao tốc Nha Trang - Cam Lâm được bố trí xen kẽ 18 điểm dừng khẩn cấp, cuối tuyến có làn dừng khẩn cấp mỗi bên. Cao tốc cũng có 25 cây cầu, trong đó 10 cầu vượt ngang, mỗi cầu rộng 5 - 12 m tùy vào đường kết nối.
Tại thời điểm đưa cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết đi vào vận hành, PV Thanh Niên đã có mặt tại nút giao Ma Lâm (đầu ra QL28 tại H.Hàm Thuận Bắc) để ghi nhận sự kiện quan trọng này. Ông Nguyễn Minh Hoàng (ngụ xã Hàm Trí, H.Hàm Thuận Bắc) dừng xe trên cầu vượt QL28 để ngắm thời khắc mà theo ông là "thời khắc lịch sử của quê hương".
Ông Hoàng cho biết gia đình ông làm nông, đã phải nhường một mảnh vườn trồng thanh long để triển khai tuyến cao tốc này. Do vậy, khi nghe tin đưa cao tốc vào vận hành chính thức, ông muốn đứng trên cầu tận mắt thấy xe cộ lưu thông như thế nào. "Tôi nghĩ có cao tốc thông suốt thế này, quê hương sẽ nhanh chóng đổi thay, không chỉ kinh tế phát triển, việc đi lại của người dân thông suốt sẽ góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần", ông Hoàng cảm nhận.
Trả lời PV Thanh Niên, Chủ tịch UBND H.Hàm Thuận Bắc Nguyễn Ngọc Thạch không giấu được niềm phấn khởi khi cả tỉnh có tới 2 tuyến cao tốc đi qua, được khánh thành vào cùng thời điểm hết sức có ý nghĩa.
"Có 2 tuyến cao tốc này sẽ mở ra không gian rộng lớn hơn cho địa phương chúng tôi trong giao thương, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của người dân trên mọi phương diện. Ngoài việc đi lại thuận lợi khi ra Khánh Hòa hay vào TP.HCM, lên vùng Tây nguyên… đều rút ngắn được thời gian. Sự kiện khánh thành cao tốc hôm nay sẽ tạo điều kiện để các nhà đầu tư tiềm năng đến với Hàm Thuận Bắc", ông Thạch kỳ vọng.
Rút ngắn một nửa thời gian TP.HCM - Khánh Hòa
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, cao tốc Nha Trang - Cam Lâm kết nối cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây tạo thành "xương sống" cho các tỉnh phía nam, rút ngắn thời gian di chuyển từ TP.HCM đến các tỉnh này còn một nửa. Từ đó kéo theo sự phát triển kinh tế - xã hội cả khu vực.
Chuyên gia về giao thông Chu Công Minh nói rằng muốn đi phải có đường, muốn giàu phải có đường cao tốc. Nhìn lại các nước phát triển như Nhật Bản sẽ thấy hiện hệ thống cao tốc, tàu điện ngầm đã phủ kín. Trong khi thời gian qua, khu vực phía nam, đặc biệt tại đầu tàu kinh tế của cả nước là TP.HCM, hệ thống giao thông kết nối rất hạn chế; cao tốc chỉ có hai tuyến TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, TP.HCM - Trung Lương nên hạn chế phần nào tiềm năng, động lực của TP và cả khu vực phía nam. Trong khi đó, tuyến QL1A gần như đã không còn chức năng quốc lộ mà biến thành đường nội đô khi nhà dân bám mặt tiền đường quá nhiều, tốc độ đi lại không cao, đường hư và hẹp.
Lưu thông trên các tuyến cao tốc mới thế nào ?
Nếu xe đi vào cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết từ hướng TP.HCM thì chỉ cần đi thẳng theo cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, đến nút giao Hàm Kiệm để ra Vĩnh Hảo, rồi theo nút giao Vĩnh Hảo ra QL1 để đi tiếp ra Ninh Thuận, Khánh Hòa.
Nếu đi hướng từ phía Ninh Thuận, Khánh Hòa, có thể vào nút giao Vĩnh Hảo để đi vào cao tốc này. Ngoài ra các nút giao tại Chợ Lầu (QL1 đi vào xã Hải Ninh cách 3 km), nút giao Đại Ninh (từ QL1 theo QL28B vào xã Sông Bình, cách 4 km), nút giao Ma Lâm (cắt ngang QL28 tại xã Hàm Trí, H.Hàm Thuận Bắc) và cuối cùng là nút giao Hàm Kiệm để ra QL1 cũng là điểm đấu nối với cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đều đã hoàn thiện và cho phép lưu thông.
Khác với cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây có 4 làn xe, 2 làn khẩn cấp, lưu thông tối đa 120 km/giờ, tối thiểu 60 km/giờ, cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết chỉ được lưu thông vận tốc tối đa 80 km/giờ. Tuyến cao tốc này cũng có 4 làn xe nhưng 4 - 5 km mới có một vị trí dừng xe khẩn cấp (mỗi vị trí dừng xe khẩn cấp chỉ 270 m). Theo Bộ GTVT, hiện nay, trên cả hai tuyến cao tốc này đang làm công tác giải phóng mặt bằng để làm các trạm dừng chân hai bên đường. Do vậy, xe lưu thông vào cao tốc cần lưu ý nếu hết nhiên liệu sẽ không có nơi tiếp liệu.
Tương tự, theo kế hoạch của Bộ GTVT, ô tô được phép chạy trên tuyến cao tốc Nha Trang - Cam Lâm với tốc độ tối đa 80 km/giờ và tối thiểu 60 km/giờ. Dự án cao tốc Nha Trang - Cam Lâm sẽ trở thành tuyến đầu tiên triển khai hệ thống giao thông thông minh (ITS), bao gồm hệ thống giám sát điều hành trên tuyến và hầm, hệ thống thu phí không dừng, hệ thống thông tin liên lạc, camera giao thông…
Quế Hà - Thế Quang
Vì vậy, khi cao tốc Phan Thiết - Vĩnh Hảo, Vĩnh Hảo - Cam Lâm được thông xe sẽ kết nối vào cao tốc Nha Trang - Cam Lâm, và Phan Thiết - Dầu Giây, kết nối vào TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Thời gian đi lại giữa TP.HCM và các tỉnh vùng nam Trung bộ sẽ được rút ngắn xuống còn một nửa, giúp tiết kiệm nhiên liệu, thời gian, chi phí. Từ đó giúp hàng hóa giảm giá, tăng sức cạnh tranh. Du lịch, bất động sản cũng sẽ bùng nổ. Ngoài ra khi các tuyến cao tốc được liền mạch sẽ giúp giảm tải cho QL1A. "Các địa phương khi kết nối được với đầu tàu kinh tế TP.HCM sẽ giúp thúc đẩy TP.HCM phát triển, từ đó kéo theo các tỉnh, các khu vực xung quanh TP. Do đó, muốn phát triển kinh tế, hạ tầng giao thông phải đi trước, đặc biệt là phải xây dựng các tuyến cao tốc", chuyên gia Chu Công Minh đánh giá.
Đồng quan điểm, kiến trúc sư Khương Văn Mười, nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP.HCM, đánh giá việc thông xe cao tốc Nha Trang - Cam Lâm và Vĩnh Hảo - Phan Thiết cũng giúp giảm áp lực cho QL1A, cho đường sắt và đường hàng không. Đây không chỉ là động lực phát triển kinh tế của hai tỉnh Bình Thuận và Khánh Hòa mà còn cả vùng kinh tế nam Trung bộ và Đông Nam bộ, thậm chí lan tỏa đến cả vùng ĐBSCL vì các tuyến cao tốc này tạo thành "xương sống" kết nối các tỉnh duyên hải nam Trung bộ - Đông Nam bộ và Nam bộ.
"TP.HCM nói riêng và vùng kinh tế trọng điểm phía nam nói chung đang đóng góp rất lớn cho GDP của cả nước. Khu vực này cũng tập trung các cảng quốc tế, các trung tâm hàng hóa, trung tâm trung chuyển, logistics, hàng không quốc tế... Khánh Hòa và Bình Thuận, Ninh Thuận là các tỉnh có thể mạnh về du lịch, nhất là Khánh Hòa và Bình Thuận, hai địa điểm du lịch nổi tiếng sẽ được hưởng lợi rất lớn nhờ giao thông thuận lợi hơn, qua đó thúc đẩy hoạt động của ngành công nghiệp không khói", ông Mười nhấn mạnh.
Bình luận (0)