Rút ngắn nửa thời gian, du khách tăng gấp đôi
"Tuần sau đi đảo Phú Quý không? Đang hot quá trời vì giờ đi Phan Thiết vèo cái là tới. Chiều thứ sáu làm xong đi, nghỉ một đêm ở Phan Thiết, ở một đêm trên đảo là tối chủ nhật về kịp thứ hai đi làm", kèo đi chơi của hội bạn anh Trần Khang (TP.HCM) được chốt "trong một nốt nhạc".
Trước đây nhóm anh Khang là khách ruột của một homestay ở Vũng Tàu. Hầu như tháng nào cũng ít nhất một lần họ tranh thủ cuối tuần đi biển ăn hải sản đổi gió. Tuy nhiên, khoảng gần nửa năm nay, nhóm này chuyển qua tìm kiếm những khu du lịch loanh quanh TP tại Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh vì cao tốc Long Thành - Dầu Giây thường xuyên ùn tắc.
"Có lần đi từ Vũng Tàu về TP.HCM đúng 5 tiếng đồng hồ. Tranh thủ được 2 ngày cuối tuần mà mất cả ngày trên đường rồi nên cũng lười. Giờ thì tốt rồi, có cao tốc chạy thẳng tới Phan Thiết chỉ khoảng 2 tiếng rưỡi. Đợt lễ rồi tôi mới đi, lần đầu tiên rời nhà lúc 9 giờ sáng mà đến Phan Thiết đúng 11 giờ 30. Mà chia bớt sang Phan Thiết thì cao tốc đi Vũng Tàu chắc cũng sẽ thoáng hơn. Cao tốc quá lợi hại, đi đâu cũng dễ", anh Trần Khang nói.
Đúng như lời nhận xét của anh Khang, thông xe đúng ngày đầu tiên của dịp lễ 30.4 - 1.5, tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết thu hút hàng ngàn du khách về Bình Thuận khi rút ngắn thời gian từ TP.HCM đến Mũi Né chỉ còn 2 tiếng rưỡi thay vì 5 - 6 giờ như trước theo QL1. Mặc dù cũng đã dự báo được sức hút cực mạnh từ nhân tố mới này nên đặt kỳ vọng đón tới 160.000 du khách trong 5 ngày lễ, nhưng lãnh đạo tỉnh Bình Thuận vẫn khá bất ngờ khi kết quả vượt ngoài mong đợi.
Từ 29.4 - 2.5, Bình Thuận đón hơn 160.000 lượt du khách, gấp đôi so với năm ngoái. Ngành du lịch tỉnh dịp nghỉ lễ 30.4 năm nay bội thu với khoảng 230 tỉ đồng. Theo lãnh đạo tỉnh Bình Thuận, tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây được đưa vào khai thác là động lực quan trọng đưa Bình Thuận tiệm cận mục tiêu thu hút khoảng 6,7 triệu lượt khách trong năm nay.
"Cùng nằm trong vùng xương sống nối các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ đến vùng Đông Nam bộ, cao tốc Phan Thiết - Vĩnh Hảo cũng đang ở giai đoạn cuối cùng, dự kiến được Bộ GTVT thông xe vào 19.5 tới. Một dải cao tốc được nối dài vào thời điểm đầy ý nghĩa bởi năm nay, Bình Thuận được chọn đăng cai tổ chức năm du lịch quốc gia với chủ đề "Bình Thuận - Hội tụ xanh", hứa hẹn mở ra cho tỉnh Bình Thuận cơ hội đột phá ngành du lịch. Từ đó, thu hút thêm nhiều nhà đầu tư tới rót vốn vào nhiều lĩnh vực, phát triển kinh tế, xã hội nói chung cho toàn tỉnh", lãnh đạo tỉnh Bình Thuận nhấn mạnh.
Cao tốc Phan Thiết - Vĩnh Hảo dự kiến sẽ được khánh thành đồng thời với tuyến cao tốc Nha Trang - Cam Lâm. Dự án giảm tải cho QL1A đoạn qua phía nam tỉnh Khánh Hòa, chờ kết nối tiếp đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo khi tuyến cao tốc này hoàn thành vào năm 2024. Như vậy, trong vòng 1 năm nữa, một dải cao tốc sẽ được nối dài, kết nối khu vực Đông Nam bộ với các tỉnh Nam Trung bộ, mở ra cơ hội phát triển du lịch và công nghiệp, đột phá kinh tế của hàng loạt địa phương dọc tuyến.
Đường cao tốc thành sản phẩm du lịch hút khách
Không chỉ các tỉnh miền Nam tận hưởng "trái ngọt" từ bước chuyển mình mạnh mẽ của hạ tầng, phía bắc cũng không bỏ lỡ cơ hội thúc đẩy du lịch theo từng mảnh ghép đang dần thành hình của tuyến xương sống cao tốc Bắc - Nam.
Hết kỳ nghỉ lễ 30.4, gia đình anh Vũ Điệp từ Thanh Hóa quay lại Hà Nội làm việc. Xuất phát từ sáng, anh đi từ Thanh Hóa ra Ninh Bình hơn 70 km chỉ hết 40 phút trên cao tốc Mai Sơn - QL45. "Đường rất thoáng và đẹp, điều đặc biệt là được thả hồn với dải lụa vắt ngang trên những ngọn núi trùng điệp rất khoan khoái", anh Điệp vui vẻ chia sẻ.
Tuyến cao tốc Mai Sơn - QL45 thông xe đợt 30.4 vừa qua đã nối dài toàn tuyến cao tốc Hà Nội - Cầu Giẽ - Ninh Bình - Thanh Hóa, rút ngắn thời gian lưu thông từ Hà Nội về Thanh Hóa chỉ còn hơn 2 tiếng cho quãng đường 160 km. Đoạn tuyến cao tốc phía đông đi qua những khu vực hoàn toàn mới chưa được khai phá, với bạt ngàn đồi trồng dứa của người dân địa phương, quanh co uốn lượn đẹp mắt. Tuyến đường cũng đóng vai trò quan trọng giúp Thanh Hóa đón lượng khách khá kỷ lục với 1,2 triệu lượt du khách chỉ trong 5 ngày nghỉ lễ, tổng doanh thu du lịch đạt gần 2.900 tỉ, tăng 48,3% so cùng kỳ 2022.
Dồn lực đưa nhiều tuyến về đích cuối 2023
Bộ GTVT cho biết đang phấn đấu đưa các tuyến cao tốc QL45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Nha Trang - Cam Lâm và cầu Mỹ Thuận 2 kịp về đích trong năm 2023. Riêng 2 dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Nha Trang - Cam Lâm phấn đấu thông xe vào ngày 19.5 tới đây. Theo Ban QLDA đường Hồ Chí Minh, tính đến đầu tháng 5, sản lượng thi công toàn dự án đoạn Nha Trang - Cam Lâm đạt khoảng 85%. Trong đó, công tác thảm bê tông nhựa tuyến chính đã hoàn thành 47 km.
Còn theo đại diện Ban QLDA 6, với tinh thần "ngày tết không dừng, dịp lễ không nghỉ", sản lượng thi công toàn dự án đạt gần 76% giá trị các hợp đồng. Tiến độ thi công của các nhà thầu đang bám sát kế hoạch đăng ký, mục tiêu đưa dự án về đích trong tháng 8.2023. Ngoài ra, dự án QL45 - Nghi Sơn (dài 43 km) dự kiến khai thác vào dịp 2.9; dự án Nghi Sơn - Diễn Châu (dài 50 km), sẽ thông xe vào tháng 8.2023 và dự án cầu Mỹ Thuận 2 (dài hơn 6 km) dự kiến thông xe vào tháng 12.2023.
Chớp cơ hội khai thác tuyến cao tốc mới này, Sở VH-TT-DL Thanh Hóa vừa công bố tuyến du lịch kết nối với nhiều tour qua các huyện Yên Định, Vĩnh Lộc, Cẩm Thủy và Thọ Xuân. Đây là các địa phương có tài nguyên du lịch vô cùng đa dạng, phong phú với nhiều di tích, danh thắng cấp tỉnh và quốc gia, tiêu biểu như thành Nhà Hồ (Vĩnh Lộc), khu di tích lịch sử Lam Kinh (Thọ Xuân), đền thờ Lê Hoàn (Thọ Xuân), đền Đồng Cổ (Yên Định), suối cá Cẩm Lương (Cẩm Thủy).
Mai Sơn - QL45 không phải tuyến cao tốc duy nhất trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn sau khi khánh thành. Dịp lễ 2.9 năm ngoái, tuyến cao tốc Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái đẹp như tranh vẽ đã "gây sốt" khắp các phương tiện truyền thông. Tuyến đường hoàn toàn mới đi qua cả núi và biển, với nhiều cảnh đẹp hiếm có của Quảng Ninh như Vân Đồn, Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà, Móng Cái.
Cầu Vân Tiên - cây cầu vượt biển dài nhất tỉnh Quảng Ninh trong ánh nắng ban mai hay ánh hoàng hôn rực rỡ đã thành điểm "check-in" thu hút rất nhiều du khách. Hay đoạn cao tốc thẳng tắp chạy qua khu vực H.Hải Hà với 2 bên là cánh rừng thông xanh mướt, qua những đầm phá đẹp như tranh của Tiên Yên, Đầm Hà đã giúp Móng Cái "soán ngôi" Hạ Long để trở thành điểm du lịch "hot" nhất Quảng Ninh mùa lễ 2.9.2022.
Đòn bẩy đột phá kinh tế
"Hiện tượng" cao tốc Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái không phải là trường hợp đầu tiên dẫn chứng cho bước đột phá du lịch của Quảng Ninh nhờ hạ tầng đi trước dẫn đường. Liên tiếp từ 2010, cảng tàu khách quốc tế Hạ Long, đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn…, hàng loạt công trình lớn hoàn thiện đã đưa Quảng Ninh trở thành địa phương dẫn đầu cả nước về hạ tầng giao thông. Nhờ đó, không gian du lịch, sản phẩm du lịch được mở rộng và đa dạng hóa, tăng trưởng mạnh mẽ.
Các chỉ tiêu của du lịch đã được cải thiện rõ rệt, từ số lượng khách, tổng thu, số ngày lưu trú của khách cũng tăng dần đều. Quảng Ninh nổi lên như một "hiện tượng" với tăng trưởng kinh tế ước đạt 10,5%, thuộc nhóm dẫn đầu cả nước, ngay trong giai đoạn kinh tế thế giới nói chung và VN nói riêng chịu tác động mạnh mẽ của đại dịch.
Tạo sức bật đột phá kinh tế cả nước
Đường cao tốc Bắc - Nam ít giao cắt, tốc độ lưu thông lên tới 80 km/giờ là một trong những đòn bẩy mạnh mẽ tạo đột phá phát triển kinh tế, đảm bảo an toàn xã hội. Đặc biệt, trong bối cảnh kinh tế đang phục hồi sau đại dịch, các dự án được khánh thành đưa vào sử dụng sẽ tạo đà rất tốt kích hoạt du lịch, thương mại, vận tải, công nghiệp… của các địa phương đồng loạt tăng tốc. Các "mạch máu" sẽ được kích hoạt, tạo sức bật đột phá kinh tế cả nước.
TS Nguyễn Hữu Nguyên, Hội Quy hoạch phát triển đô thị VN
Hay như trường hợp năm 2014 cao tốc Nội Bài (Hà Nội) đi Lào Cai qua các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái được thông xe, cũng là tuyến cao tốc dài nhất VN thời điểm đó. Tuyến cao tốc này đã giúp rút ngắn thời gian lưu thông từ Hà Nội đi Lào Cai xuống còn 3 tiếng rưỡi so với 7 tiếng nếu đi theo QL70… Nhờ cao tốc Nội Bài - Lào Cai, lượng khách đến Sa Pa tăng gấp 10 lần (từ 400.000 lượt khách/năm lên 4 triệu lượt khách/năm)...
TS Nguyễn Hữu Nguyên, Hội Quy hoạch phát triển đô thị VN, khẳng định để phát triển kinh tế, đầu tiên phải chú trọng cơ sở hạ tầng mà quan trọng nhất chính là giao thông. Địa phương muốn đón khách tới thì phải làm đường cho người ta tới; hàng hóa muốn có giá trị phải từ nơi sản xuất đến tận tay người tiêu dùng. Trong nhiều loại hình giao thông, đường bộ vẫn là mạng lưới giao thông chủ đạo, cơ động, thiết thực và nhanh nhất, không phải qua trung chuyển như hàng không, đường thủy hay đường sắt. Với địa hình trải dài như VN, tuyến đường bộ Bắc - Nam chính là động mạch của nền kinh tế.
Đề xuất thu phí 9 tuyến cao tốc do ngân sách đầu tư
Bộ GTVT vừa có công văn gửi các bộ liên quan xin ý kiến về phương án thí điểm thu phí sử dụng đường bộ cao tốc với 9 tuyến do nhà nước đầu tư trước khi trình Chính phủ thực hiện thí điểm theo cơ chế phí.
Ngoài cao tốc TP.HCM - Trung Lương được đầu tư trước đây, 8 đoạn tuyến cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2017 - 2020 được đề xuất áp dụng cơ chế thí điểm, gồm: Cao Bồ - Mai Sơn, Mai Sơn - QL45, QL45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây và cầu Mỹ Thuận 2. Thời gian thực hiện thí điểm được kiến nghị áp dụng cho đến khi quy định pháp luật về thu phí sử dụng đường cao tốc được Quốc hội thông qua.
Thời gian thu thí điểm theo cơ chế phí tối đa là 5 năm kể từ thời điểm đoạn, tuyến đường bộ được triển khai thu phí. Mức thu phí 9 tuyến cao tốc này sẽ được xác định trên 3 nguyên tắc, gồm: mức thu phù hợp với lợi ích và khả năng chi trả của người sử dụng đường cao tốc; mức thu được xây dựng trên cơ sở tổng số phí thu được sau khi bù đắp chi phí tổ chức thu phải đảm bảo còn dư để cân đối vào ngân sách nhà nước. Mức thu được tính toán theo từng đoạn, tuyến đường bộ cao tốc cụ thể để đảm bảo phù hợp với điều kiện khai thác, kinh tế - xã hội theo từng khu vực.
Về phương pháp tổ chức thu phí, Bộ GTVT kiến nghị áp dụng toàn diện thu phí không dừng, đa làn liên thông giữa các đoạn, tuyến cao tốc, giữa các dự án do nhà nước đầu tư và các dự án đối tác công - tư (PPP). Số tiền thu được sau khi trừ chi phí tổ chức thu sẽ nộp trực tiếp vào ngân sách nhà nước.
Do việc thu phí các tuyến cao tốc nhà nước đầu tư chưa có tiền lệ, Bộ GTVT đề xuất Chính phủ trình Quốc hội ban hành nghị quyết chấp thuận cơ chế thí điểm thu phí sử dụng đường cao tốc thông qua trạm thu phí trên các đoạn, tuyến đường bộ cao tốc. Sau khi nghị quyết của Quốc hội về cơ chế thí điểm được thông qua, Chính phủ sẽ ban hành nghị định hướng dẫn tổ chức thu, nộp, quản lý, sử dụng số tiền thu được. Trên cơ sở đó, Bộ GTVT, Bộ Tài chính ban hành các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
Bình luận (0)