Đồng loạt nối cầu, thông hầm
Khoảng 1 tuần trước khi Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (gọi tắt Ban giao thông) thông tin "chốt" ngày thông xe hầm chui HC1 thuộc công trình xây dựng nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ (Q.7) vào ngày 30.12, chị Trần Thị Thu (sống trên đường Lê Văn Lương, H.Nhà Bè) đếm ngược từng ngày.
Gần 1 năm qua kể từ sau Tết Nguyên đán 2024, quãng đường hằng ngày đi làm của chị Thu dài thêm gần 4 km vật lộn với ùn tắc cùng khói bụi vì hàng rào chắn thi công của nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ và cầu Rạch Đỉa nối Q.7 với H.Nhà Bè. Cuối tháng trước, khi cầu Rạch Đỉa thông xe, cầu Rạch Đỉa 2 nối dài đường Nguyễn Hữu Thọ cắt đường Nguyễn Văn Linh thông thoáng hẳn. Từ đường Nguyễn Văn Linh, chị Thu có thể rẽ ngay tại cầu Rạch Đỉa để về nhà, thay vì phải đi vòng thêm lên đoạn cầu phía trên. Thế nhưng thời gian di chuyển thực tế vẫn chưa được cải thiện bao nhiêu vì điểm cốt yếu là đường Nguyễn Văn Linh vẫn phải gánh lượng xe quá lớn. Thế nên chỉ được vài ngày, cầu Rạch Đỉa 2 lại tái diễn tình trạng dòng xe xếp hàng, ùn lại hoàn ứ. "Chừng nào nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ còn chưa thông thì khu vực này vẫn chưa giải tỏa được. Ai cũng chỉ mong ngóng tới 30.12 để thông xe hết 2 hầm này", chị Thu nói.
Vì thế, không quá lời khi sáng 30.12 được người dân khu nam TP.HCM coi như ngày hội: không chỉ hầm chui Nguyễn Văn Linh mà cả cầu Phước Long và đường song hành QL50 giai đoạn 1 cùng đồng loạt khánh thành.
Ông Trịnh Linh Phương, Phó ban Giao thông, cho biết do tính cấp thiết và quan trọng của công trình, tư vấn giám sát cùng với các nhà thầu và chủ đầu tư đã triển khai thi công 3 ca, 4 kíp ngày đêm, huy động tối đa các nguồn lực về máy móc, thiết bị và con người để đẩy nhanh tiến độ ở mức cao nhất có thể. Đến nay, hầm chui HC1 đã hoàn thiện, nối cùng nhánh hầm HC2 đã thông xe hồi tháng 10, tạo luồng lưu thông thông suốt, giảm tải cho đường Nguyễn Văn Linh hiện hữu. Sau khi thông 2 nhánh hầm chui, Ban giao thông cùng các nhà thầu, đơn vị tư vấn sẽ tiếp tục thi công hoàn thành các hạng mục bản quá độ tại khu vực giao lộ Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ và đưa toàn bộ nút giao này hoạt động trước tết vào ngày 20.1.2025. Khi đó, người dân có thể di chuyển thẳng theo trục Nguyễn Hữu Thọ để đi từ H.Nhà Bè, Q.7 vào trung tâm TP hoặc ngược lại, thay vì đi vòng qua Nguyễn Văn Linh như hiện nay.
Trong khi đó, cầu Phước Long mới dài 359 m, rộng 10,5 m nối Q.7 và H.Nhà Bè khi đưa vào hoạt động sẽ đáp ứng nhu cầu giao thông và tải trọng khai thác, tạo hướng kết nối cho đường Huỳnh Tấn Phát và đường Nguyễn Hữu Thọ, góp phần cải thiện tình hình giao thông, tạo động lực phát triển KT-XH, giảm ùn tắc giao thông, đảm bảo an toàn giao thông khu vực.
Hầm chui Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ thông xe ngày cuối năm
"Việc thông xe, đưa các công trình cầu Phước Long, hầm chui HC1, đường song hành QL50 giai đoạn 1 vào phục vụ người dân TP hôm nay, cùng với cầu Rạch Đỉa đã thông xe vào tháng 11 và hầm chui HC2 vào tháng 10 trước đó đã góp phần tăng cường kết nối giao thông giữa Q.7 và H.Nhà Bè. Đồng thời góp phần hoàn thiện hệ thống giao thông khu vực phía nam TP, tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho người dân TP trước Tết Nguyên đán. Cùng việc tiếp tục triển khai đoạn đấu nối QL50 vào cao tốc Bến Lức - Long Thành thì cục diện giao thông khu vực cửa ngõ phía nam TP chắc chắn sẽ được cải thiện rất nhiều", lãnh đạo Ban giao thông nhận định.
Mở giao thông, đột phá kinh tế
Mỗi công trình hoàn thiện, khánh thành, nếu người dân vui 1 thì cánh tài xế xe vận tải phải mừng 10. Ùn tắc không chỉ ảnh hưởng đến tâm lý mà còn trực tiếp "bòn rút" túi tiền của các doanh nghiệp (DN) vận tải. Ông Lâm Đại Vinh, Giám đốc Công ty TNHH vận tải Lâm Vinh, cho biết thời gian qua, giao thông khu nam TP.HCM góp phần "bóp nghẹt" hoạt động của các DN vận tải hàng hóa như Lâm Vinh. Do phải đi vòng thêm đoạn đường Nguyễn Văn Linh và lượng phương tiện quá đông, mỗi chuyến hàng đi từ cảng Hiệp Phước tới cảng Cát Lái hay từ H.Bình Chánh tới cầu Phú Mỹ phải mất ít nhất 3 - 4 giờ. Trong khi đó, theo quy định thì tài xế không được lái xe liên tục 4 giờ, đường thì không có chỗ dừng, đỗ cho xe hàng. Thành thử, tài xế xe tải đi không được, mà chạy cũng không xong. Bên cạnh chi phí nhiên liệu, phí cầu đường, ùn tắc và ô nhiễm kéo theo rất nhiều chi phí vô hình đè lên vai DN.
Ông Vinh ước tính với những công trình mới đưa vào sử dụng, đặc biệt là 2 hầm chui đường Nguyễn Văn Linh, thời gian di chuyển của mỗi xe hàng có thể rút ngắn đến 40 - 50%, giúp các DN giảm bớt chi phí và gỡ khó cho bài toán quy định giờ chạy xe của tài xế. Trong tương lai, khi cầu Rạch Tôm và cầu Rạch Dơi được xây dựng, đường đi Long An cũng sẽ nhanh hơn, thuận tiện hơn rất nhiều, tạo sự kết nối thông suốt giữa khu nam TP với Vùng kinh tế trọng điểm phía nam.
Kỳ vọng là vậy, song theo ông Lâm Đại Vinh, khu nam TP.HCM ghi nhận tốc độ tăng trưởng rất nhanh của thị trường bất động sản, tương ứng với nhu cầu nhà ở, đi lại của người dân tăng trưởng "nóng". Hạ tầng ì ạch kéo dài nhiều năm nên hiện nay các dự án mới nếu không được triển khai đồng bộ sẽ dẫn đến tình trạng ùn tắc chuyển từ chỗ này qua chỗ khác. Đơn cử, nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ thông xe, nhưng nếu không giải quyết "nút thắt cổ chai" đoạn Phạm Hùng - Nguyễn Văn Linh thì đoạn này sẽ nghẹt cứng. Hiện đường Phạm Hùng vốn đã nhỏ lại bị người bán hàng lấn chiếm lòng lề đường nên thường xuyên ùn ứ. Hay nếu chỉ đường Nguyễn Hữu Thọ thông thoáng từ dọc H.Nhà Bè nhưng lên tới cầu Kênh Tẻ lại dồn vào thì nút cổ chai này sẽ càng thêm bị thắt.
"Khu nam TP.HCM được định hướng phát triển rất mạnh, góp phần đưa TP.HCM tiến về biển Cần Giờ, tạo động lực đột phá kinh tế TP.HCM. Muốn vậy, TP cần nhanh chóng hoàn thiện mạng lưới giao thông kết nối theo đúng quy hoạch, tăng tốc triển khai các công trình xây cầu, mở đường, để không chỉ chạy theo sau giải quyết nhu cầu giao thông hiện hữu mà còn là mở đường đón làn sóng phát triển trong tương lai", ông Lâm Đại Vinh nêu ý kiến.
Theo thông tin từ Ban giao thông, hiện Sở GTVT đang chủ trì mời gọi đầu tư dự án BOT trục đường Nguyễn Hữu Thọ từ Nguyễn Văn Linh tới H.Nhà Bè, tiếp tục mời gọi đầu tư BOT cầu đường Bình Tiên đấu nối từ Q.6 sang tới nút giao Nguyễn Văn Linh (điểm đầu của QL50 hiện nay). Như vậy, trong tương lai sẽ có 2 trục đường cửa ngõ của TP đấu nối vào tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành, là trục bắc - nam mới và cầu đường Bình Tiên. Năm sau, TP sẽ khởi công cầu đường Nguyễn Khoái, cũng là trục bắc - nam thứ 3 nối kết khu nam TP với khu vực trung tâm.
Bình luận (0)