Con số cao tốc ít ỏi này cũng lý giải vì sao sở hữu nhiều lợi thế nhưng tăng trưởng GRDP, năng suất lao động... của Tây nguyên thấp nhất trong 6 vùng cả nước.
Thực tế, Tây nguyên là vùng đất giàu tiềm năng về nông nghiệp như cao su, cà phê, hồ tiêu; có các khu nông nghiệp công nghệ cao, các ngành chế biến lâm sản - khoáng sản và các sản phẩm du lịch mang bản sắc riêng. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố, trong đó có hạ tầng giao thông kém phát triển khiến việc đi lại, vận chuyển hàng hóa khó khăn, chi phí cao, nên bao năm qua Tây nguyên vẫn là “vùng trũng” trong thu hút vốn đầu tư cả trong và ngoài nước.
Ở chiều ngược lại, những địa phương có hạ tầng giao thông phát triển đều có sự đột phát trong phát triển kinh tế - xã hội. Câu chuyện của Quảng Ninh là minh chứng. Với gần 200 km đường cao tốc nói chung và cao tốc Vân Đồn - Móng Cái mới đưa vào khai thác dịp 2.9 vừa rồi, Quảng Ninh đang là địa phương sở hữu nhiều tuyến cao tốc nhất; tuyến cao tốc dài nhất và cũng là địa phương có số lượng km cao tốc cao nhất nước. Chiến lược “giao thông mở đường” đã giúp Quảng Ninh trở thành thỏi nam châm thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước để có một cuộc lột xác ngoạn mục, chuyển đổi từ một nền kinh tế tăng trưởng chủ yếu dựa trên khai thác than sang du lịch, dịch vụ, công nghiệp. Nhiều năm nay, GRDP của Quảng Ninh luôn trong top đầu cả nước và trở thành cực tăng trưởng phía bắc.
Không chỉ Quảng Ninh, hiệu ứng tích cực mà một loạt các tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Bắc Giang - Lạng Sơn, TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây mang lại cho các địa phương này chứng tỏ “đại lộ tất yếu sinh đại phú”. Ngược lại, ở đâu giao thông không thuận tiện thì ở đó rất khó để phát triển.
Chính vì thế, trong chiến lược hành động để phát triển vùng Tây nguyên, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhiều lần nhấn mạnh các địa phương trong vùng phải phát triển hạ tầng giao thông kết nối hành lang kinh tế Đông - Tây, Bắc - Nam và giao thông kết nối vùng. Bởi theo người đứng đầu Chính phủ, giao thông phát triển sẽ tạo không gian phát triển mới và phát triển văn hóa - xã hội tương ứng; “đường đi đến đâu văn minh đến đấy”.
Theo quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt thì trong giai đoạn từ 2021 - 2025 sẽ bố trí vốn để triển khai 4 dự án đường bộ cao tốc có tính chất liên vùng. Còn tổng nhu cầu vốn đầu tư cho các tuyến đường bộ cao tốc kết nối vùng Tây nguyên dự kiến khoảng 156.000 tỉ đồng từ nay đến năm 2030.
Với quyết tâm của Chính phủ trong việc đầu tư vào hạ tầng giao thông của Tây nguyên, một loạt các “ông lớn” trong lĩnh vực hạ tầng, quy hoạch, du lịch... như Đèo Cả, Thaco, Hưng Thịnh, T&T... cũng đã ký biên bản ghi nhớ đầu tư vào Tây nguyên với tổng số vốn ước khoảng 130.000 tỉ đồng, hứa hẹn khai phát các tiềm năng và giúp kinh tế Tây nguyên đột phá, đúng với tiềm năng và lợi thế đang có.
Vùng Tây nguyên đang chờ thông đại lộ để đột phá các tiềm năng, lợi thế có sẵn, mang lại cuộc sống sung túc cho người dân nơi đây.
Bình luận (0)