Thông điệp Mỹ trong vụ Huawei: 'Đừng tin 5G của Trung Quốc'

30/01/2019 12:11 GMT+7

Hãng tin Bloomberg cho rằng bằng cáo trạng mới nhất chống lại Huawei, Mỹ gửi thông điệp rõ ràng đến nhiều lãnh đạo thế giới đang cân nhắc dùng thiết bị của hãng này cho thế hệ mạng không dây kế tiếp.

Cáo trạng chống lại Huawei Technologies được Mỹ công bố đầu tuần này không đề cập trực tiếp đến mạng 5G và cơ quan gián điệp Trung Quốc, song nó vẫn gửi thông điệp rõ ràng đến giới lãnh đạo toàn cầu: Hãng công nghệ lớn nhất Trung Quốc là mối đe dọa an ninh quốc gia.

"Không thể tin tưởng Huawei"

Các nước đã cấm hoặc đang cân nhắc cấm hàng Huawei trong mạng 5G Ảnh: Bloomberg
Ông Graham Webster, thành viên nhóm nghiên cứu New America, người nghiên cứu về kinh tế Trung Quốc, cho biết: “Họ không chỉ đi theo quan điểm về bằng chứng rõ ràng cho thấy hoạt động gián điệp trước đó, mà còn cố gắng làm suy yếu niềm tin đặt vào Huawei nói chung. Họ cho hay công ty này không thể được tin tưởng trong cơ sở hạ tầng của các nước”.
Cáo trạng là dấu hiệu mới cho thấy căng thẳng chiến lược rộng hơn giữa Mỹ và Trung Quốc có thể tồn tại ngay cả khi đôi bên đạt được thỏa thuận chấm dứt cuộc chiến thương mại kéo dài nhiều tháng. Ngoài ra, cáo trạng cũng gia tăng chú ý đặt vào Huawei, hãng là biểu tượng cho sự trỗi dậy kinh tế của Trung Quốc, thách thức vị thế siêu cường của Mỹ.
Với Huawei, cáo trạng không thể đến vào thời điểm tệ hơn. Từ khi CFO Mạnh Vãn Chu của hãng bị bắt hôm 1.12.2018 ở Canada, doanh nghiệp chật vật thuyết phục thế giới rằng thiết bị của họ không bị dùng cho mục đích gián điệp. Tháng này, Ba Lan còn bắt thêm một trong các nhân viên Huawei vì tội gián điệp, và hãng Trung Quốc bác bỏ mọi trách nhiệm liên quan đến hành động của nhân viên trên.
Tình hình với Huawei tệ đến mức nhà sáng lập kiêm CEO doanh nghiệp, ông Nhậm Chính Phi, tận dụng lần xuất hiện hiếm hoi trước báo giới trong tháng 1 để khẳng định Huawei không giúp Bắc Kinh do thám nước ngoài. “Tôi yêu nước tôi, tôi ủng hộ đảng Cộng sản, nhưng tôi sẽ không làm gì gây hại cho thế giới”, ông Nhậm nói.

Đánh cắp bí mật thương mại

Robot thử điện thoại Tappy của T-Mobile Ảnh: T-Mobile
Cáo trạng mà Mỹ vừa đưa ra là đợt tấn công trực tiếp vào uy tín của Huawei. Một mặt, Mỹ cáo buộc rằng ông Nhậm và bà Mạnh trình bày sai hoạt động kinh doanh của Huawei ở Iran lên chính phủ Mỹ và bốn tổ chức tài chính kể từ năm 2017, vi phạm lệnh trừng phạt mà Mỹ áp lên Iran.
Mặt khác, Mỹ dẫn nhiều email giữa Huawei USA và Trung Quốc để giải thích cách giới kỹ sư đánh cắp bí mật thương mại từ T-Mobile. Nội dung email cho thấy nhân viên ở Trung quốc liên tiếp “ép” đồng nghiệp tại Mỹ thu thập thông tin chính về Tappy. Tappy là robot được dùng để kiểm tra điện thoại di động của T-Mobile mà Huawei muốn có.
Khi T-Mobile phàn nàn về động thái này, Huawei bị cáo buộc che đậy vấn đề bằng cuộc điều tra nội bộ sai và đổ lỗi cho nhân viên. Song trên thực tế, Huawei có ủy ban nội bộ, trao thưởng hằng tháng cho nhân viên nào đánh cắp được tài sản trí tuệ từ các đối thủ. Hai lần mỗi năm, khoản thưởng đặc biệt được trao cho nhiều nhân viên ở ba khu vực, những người thu thập được thông tin bí mật, quan trọng, cáo trạng cho biết.
[VIDEO] Mỹ nói truy tố Huawei không liên quan đến đàm phán thương mại với Trung Quốc
Kết hợp hai yếu tố trên, cáo trạng làm rõ quan điểm Huawei hoạt động theo lệnh của chính quyền Trung Quốc mà chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra. Hiện Úc, New Zealand đã theo Mỹ ngăn Huawei khỏi mạng 5G quốc gia vì lo ngại an ninh, trong khi Canada, Anh, Đức và Pháp vẫn chưa có quyết định chính thức.

Cuộc chiến công nghệ

Chip Balong 5000 cho thiết bị 5G của Huawei Ảnh: Bloomberg
Chuyện bỏ dùng hàng Huawei không phải quyết định dễ dàng. Về mặt thương mại, Huawei đem đến lựa chọn rẻ hơn so với các hãng đối thủ. Công ty cho biết họ thu được hơn 30 hợp đồng 5G toàn cầu, trong đó có 18 hợp đồng đến từ các nước châu Âu. Hôm 29.1, nhà mạng Úc TPG Telecom còn bỏ kế hoạch xây dựng mạng di động kế tiếp với lý do động thái này không còn ý nghĩa về mặt tài chính một khi chính phủ cấm Huawei.
5G là thế hệ mạng quan trọng, có thể cho phép nước ngoài phá hoại hàng loạt ngành công nghiệp và xã hội của một nước, giới chức Anh cho biết. Tuần này, người đứng đầu mảng kỹ thuật số của Liên minh châu Âu (EU), ông Andrus Ansip, kêu gọi giới doanh nghiệp tái xem xét quan hệ đối tác với các hãng Trung Quốc. “Chúng ta không thể ngây thơ nữa”, ông Ansip nói.
Trung Quốc đe dọa dùng nhiều biện pháp để đối phó với các chính phủ cấm hàng Huawei. Nước này còn bắt nhiều người Canada, động thái mà chính phủ của Thủ tướng Canada Justin Trudeau cho rằng là sự trả thù cho vụ bắt giữ bà Mạnh. Theo một nhân viên ngoại giao giấu tên của châu Âu, phản ứng của Trung Quốc chỉ giúp xác nhận mối liên hệ giữa Huawei và Bắc Kinh.
Bloomberg cho rằng vụ Huawei chỉ là một phần của cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung. Mỹ đang tìm cách kiềm chế Made in China 2025 của Trung Quốc, kế hoạch nhằm thống trị nhiều công nghệ quan trọng từ robot cho đến phương tiện năng lượng mới và công nghệ sinh học. Cựu quan chức Bộ Tài chính Mỹ David Loevinger nhận định: “Chiến tranh công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc tăng tiến trong năm nay. Không chỉ có động thái pháp lý chống doanh nghiệp và sếp doanh nghiệp Trung Quốc, chúng ta sẽ thấy nhiều hạn chế lớn hơn với xuất khẩu công nghệ sang Trung Quốc, và đầu tư Trung Quốc vào công nghệ Mỹ”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.