Thống đốc Ngân hàng Nhà nước: Can thiệp thị trường vàng không vì mục tiêu lợi nhuận

30/05/2013 15:40 GMT+7

** Không khuyến khích kinh doanh vàng miếng (TNO) Tại buổi thảo luận Quốc hội chiều 30.5, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình chỉ giải thích cụ thể về vấn đề về xử lý nợ xấu và tiếp cận vốn, riêng vấn đề quản lý thị trường vàng, Thống đốc đã có báo cáo chi tiết về công tác quản lý nhà nước đối với thị trường vàng dài 15 trang gửi tới các đại biểu quốc hội.

(TNO) Tại buổi thảo luận Quốc hội (QH) chiều 30.5, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình chỉ giải thích cụ thể về vấn đề về xử lý nợ xấu và tiếp cận vốn, riêng vấn đề quản lý thị trường vàng, Thống đốc đã có báo cáo chi tiết về công tác quản lý nhà nước đối với thị trường vàng dài 15 trang gửi tới đại biểu (ĐB) QH.

>> Thống đốc phải chịu trách nhiệm về lạm phát
>> Thống đốc Nguyễn Văn Bình: “Tôi khẳng định luôn có lợi ích nhóm”
>> Chất vấn Thống đốc ngân hàng về “lợi ích nhóm”
>> Tranh luận về thị trường vàng

Trước nhiều câu hỏi của ĐBQH về cơ chế quản lý thị trường vàng hiện nay như: Vì sao NHNN liên tục tổ chức đấu thầu bán vàng ra thị trường nhưng chênh lệch giá vẫn ở mức cao từ 5-6 triệu đồng/lượng? Chênh lệch này ”rơi” vào túi ai? Có hay không sự ”độc quyền” trong kinh doanh vàng miếng hiện nay..., Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã có báo cáo dài 15 trang gửi tới ĐBQH để giải thích rõ về vấn đề này.

Không vì mục tiêu lợi nhuận

Trong kết luận của báo cáo, Thống đốc Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh: "NHNN can thiệp thị trường vàng không vì mục tiêu lợi nhuận mà chỉ nhằm điều tiết và quản lý nhà nước đối với thị trường".

Báo cáo giải thích, trước đây, toàn bộ chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới đều thuộc về giới đầu cơ và kinh doanh vàng, nay thuộc về ngân sách nhà nước để phục vụ quốc kế dân sinh.

Mặt khác, theo NHNN, vàng miếng không phải là mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống của người dân, Nhà nước tôn trọng và đảm bảo quyền sở hữu, tích trữ, mua bán vàng miếng của tổ chức và các nhân nhưng Nhà nước không khuyến khích kinh doanh vàng miếng vì không tạo ra giá trị gia tăng của cải vật chất cho xã hội, mà ngược lại còn gây lãng phí một nguồn vốn to lớn để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Chênh giá trong nước - thế giới: mục tiêu tình thế

Giải thích về độ chênh nhau của giá vàng trong nước và thế giới, báo cáo nêu rõ: Trước đây khi ta chưa xây dựng được một khuôn khổ pháp lý mới, mỗi khi giá vàng trong nước và thế giới chênh nhau 400.000 đồng trở lên là lập tức có hiện tượng nhập lậu vàng với quy mô lớn làm ảnh hưởng đến thị trường ngoại hối và tỉ giá, vì mục tiêu bình ổn tỉ giá trước mắt ta phải chính thức cho nhập khẩu vàng để kéo chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới xuống dưới 400.000 đồng và làm cho mức chênh lệch này càng thấp càng tốt.


Thị trường vàng đang được điều hành không vì mục tiêu lợi nhuận - Ảnh: Đ.N.Thạch

Nhưng trong hoàn cảnh giá vàng thế giới biến động liên tục với biên độ rất mạnh thì tác dụng của biện pháp này rất hạn chế và có tính chất tạm thời vì những diễn biến giá cả của thị trường trong và ngoài nước sẽ nhanh chóng xác lập một mức chênh lệch mới và lại buộc ta phải tiếp tục can thiệp - một chu kỳ mới lại diễn ra.

Như vậy, mục tiêu làm cho chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới ở mức thấp chỉ là mục tiêu tình thế để hạn chế tác động tiêu cực trước mắt của thị trường vàng lên ổn định kinh tế vĩ mô trong bối cảnh ta chưa xây dựng một khuôn khổ pháp lý mới về quản lý thị trường vàng.

Đến nay, như đã phân tích ở trên, khi một khuôn khổ pháp lý mới đã được thiết lập, mặc dù chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới cao nhưng thị trường vàng ổn định hơn, các tác động tiêu cực của nó lại được kiểm soát tốt hơn.

Chính chênh lệch vàng cao ở những thời điểm nhất định và những can thiệp và hoạt động can thiệp trong thời điểm đấu giá của NHNN đã giữ cho giá vàng trong nước và thị trường vàng trong nước ổn định trước những biến động bất thường của giá vàng thế giới, đã làm mất đi động lực đầu cơ, làm giá, tạo sóng kiếm lời của giới đầu cơ và do vậy và góp phần kiềm chế vàng hóa nền kinh tế.

Cùng xử lý nợ xấu

Đề cập đến vấn đề nợ xấu, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết sẽ cố gắng giải ngân 15.000 - 20.000 tỉ đồng trong gói hỗ trợ 30.000 tỉ đồng lãi suất thấp cho thị trường bất động sản trong năm 2013.

Ông Nguyễn Văn Bình cho hay thời gian qua Chính phủ đã có nhiều biện pháp khác nhau nhằm giải quyết nợ xấu.

Xem video clip Thống đốc giải thích về nợ xấu và tiếp cận vốn

Cụ thể, trong năm 2012, NHNN đã xử lý 70.000 tỉ đồng nợ xấu, 4 tháng đầu năm 2013 xử lý 7.500 tỉ đồng. Từ đây đến cuối năm, NHNN đã trích lập 65.000 tỉ đồng để xử lý nợ xấu.

“Các biện pháp dứt khoát của NHNN trong thời gian qua đã giải quyết được phần lớn nợ xấu trong bối cảnh nền kinh tế vĩ mô chưa xử lý được nhiều”, ông Bình nói.

Ngoài ra, tháng 5 vừa qua, Chính phủ đã cho phép thành lập công ty quản lý tài sản liên quan đến nợ xấu. Dự kiến năm nay, công ty này sẽ xử lý 40.000 - 70.000 tỉ đồng liên quan đến nợ xấu.

Thống đốc Nguyễn Văn Bình nói: “Hiện nay Thống đốc ngân hàng không còn đơn độc nữa mà cả hệ thống chính trị đã cùng vào giải quyết nợ xấu”.

Liên quan đến tiếp cận vốn, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết thời gian qua lãi suất cho vay đã giảm mạnh, tương đương với năm 2007. Tuy nhiên điều đáng lo ngại là dù lãi suất giảm nhưng tín dụng của ngân hàng vẫn chưa giải ngân được nhiều.

“Vừa rồi họp với Hội đồng Tài chính Quốc gia, chúng tôi đã có nhiều biện pháp để áp dụng để cho doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận vốn trong năm nay. Lãi suất cần giảm thêm nữa để hỗ trợ cho doanh nghiệp trong lúc khó khăn”, ông Bình bổ sung.

Chênh nhau vì thống kê theo hai tiêu chuẩn khác nhau

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) Phạm Thị Hải Chuyền đã giải trình trước QH về việc giảm nghèo, giải quyết việc làm và dạy nghề.

Trước nhiều thắc mắc của các ĐBQH, Bộ trưởng giải thích con số báo cáo của Tổng cục Thống kê và Bộ LĐ-TB-XH có chênh lệch, không giống nhau là do các tiêu chí đánh giá các chỉ số khác nhau.

Bộ trưởng Chuyền khẳng định tỉ lệ hộ nghèo của cả nước hiện nay là 9,6%. Tuy nhiên, hiện nay do chuẩn nghèo của những khu vực khác nhau thì khác nhau nên thống kê của Bộ LĐ-TB-XH và Tổng cục Thống kê có con số khác nhau.

Tương tự, Tổng cục Thống kê báo cáo chỉ tiêu giới thiệu việc làm đạt được 1,347 triệu việc làm là chưa tính hơn 800.000 lao động VN ở nước ngoài như cách tính của Bộ LĐ-TB-XH, cũng như Bộ LĐ-TB-XH cũng tính luôn cả 200.000 người nghỉ hưu thì sẽ có tương đương 200.000 người có được việc làm “lắp” vào chỗ nghỉ hưu này.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH cũng khẳng định mặc dù kinh tế khó khăn nhưng tỉ lệ thất nghiệp ở nước ta năm 2012 chỉ 2% là hợp lý. Vì theo Bộ trưởng, kinh tế nước ta có đặc thù riêng là các doanh nghiệp (DN) phá sản thường là các DN vừa và nhỏ mới thành lập, tiếp cận lao động từ nguồn lao động nông nghiệp chuyển sang nên khi DN giải thể số lao động này về lại nông thôn thì vẫn có việc làm, mặc dù việc làm có bấp bênh.

Hiện nay, khu vực nông thôn của nước ta chiếm tới 70% lao động.

Bên cạnh đó, “số DN giải thể thường là DN nhỏ trong khi đó vẫn có các DN lớn được thành lập hoặc mở rộng quy mô sản xuất. Ví dụ như Samsung mới thành lập cơ sở sản xuất mới lớn hơn đến 10 DN nhỏ giải thể của chúng ta. Vì vậy, tỉ lệ thất nghiệp chỉ 2% là hợp lý”, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền lý giải.

Viên An - Đình Quân - Nguyệt  Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.