'Thong dong xứ Thanh' qua ảnh Nguyễn Lương Hiệu

01/03/2020 06:40 GMT+7

Thong dong xứ Thanh là quyển sách tập hợp 100 ảnh, in trên 80 trang giấy dày, đẹp, khổ 25x25 cm được Nguyễn Lương Hiệu dày công thực hiện.

30 năm trước, Nguyễn Lương Hiệu có dịp đến Thanh Hóa. Cảm xúc trào dâng, anh làm được mấy bài thơ. Lần trở lại này thì bội thu hơn nhiều: ròng rã mấy tháng trời rong ruổi từ miền biển vào đồng bằng, băng qua trung du, lên miền sơn cước, cuộc hành trình dài ngày lần này, anh gửi vợ con lại Sài thành, chỉ mang theo chiếc máy ảnh để thực hiện sách ảnh Thong dong xứ Thanh. Bởi nhiều năm qua, ngoài hội viên Hội nhà văn, anh còn là hội viên Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam.
Ruộng nương ở Pù Luông

Ruộng nương ở Pù Luông

Cái hay của sách không chỉ là ảnh đẹp, mà còn làm cho người chưa đến xứ Thanh đâm ra tò mò, bởi kèm những bức ảnh là lời dẫn, lời thơ cô đọng về địa hình, thổ nhưỡng, sinh hoạt nghề nghiệp, lịch sử, kéo người xem lại gần miền đất lạ; còn với người xa xứ thì bồn chồn quê cũ.
Với những ai đã đi nhiều, chụp cảnh nhiều nơi, mà chưa từng hay biết “Cơm Nông Cống, cá Quảng Xương, văn chương Hoằng Hóa” hay “Mây trắng bềnh bồng ôm triền núi/Ruộng bậc thang rực rỡ bản Pù Luông” (thơ Lương Hiệu) thì xem qua Thong dong xứ Thanh, thế nào lòng cũng rạo rực.
Bìa sách

Bìa sách

Từ cảnh đất xanh, xanh ngát chân trời của những bức ảnh: Cỏ dại ven đường, Nương ngô… ở H.Nông Cống, đến cảnh nhà nông tất bật trên đồng ruộng Thiệu Hóa, Yên Định, rồi cảnh người làng nghề chiếu cói Nga Sơn tách cói đan khuôn. Người Việt nào không ít nhất đôi lần nghe nhắc đến trống đồng Đông Sơn - Quảng Xương, nhưng mấy ai biết chiếc trống đồng ấy được cho là tiền sử của nghề đúc đồng thủ công làng Thiệu Trung, H.Thiệu Hóa còn lưu truyền đến nay, mà tác giả đã ghi nhận trong sách. 1.000 tượng Mẹ Âu Cơ làm quà tặng cho các nguyên thủ và chính khách dự Hội nghị cấp cao APEC 2017 cũng đã được làm ra từ đây.

Ngõ Nhân - làng cổ Đông Sơn

Núi gần xanh lục, núi xa xanh lam, ngàn mây lãng đãng soi bóng với dòng nước ánh hồng phù sa, giữa mênh mông sơn thủy. Chiếc xuồng nhỏ rẽ nước, tạo thành con sóng ngược trong mênh mông tĩnh lặng bức ảnh Thượng nguồn sông Mã làm tôi chợt nhớ bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng: “Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi/Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi…”.
Nói đến xứ Thanh, chắc hẳn nhiều người sẽ nghĩ ngay đến hai nơi: một là Thành nhà Hồ, hai là cầu Hàm Rồng. Lương Hiệu cũng chụp hai chứng tích này. Thời tiết và góc độ làm cho ảnh có kém sắc, tuy nhiên lời dẫn của tác giả đã giúp người xem chia sẻ về quá khứ oai hùng của di tích. Lại còn có điện đài đất thiêng Lam Kinh của anh hùng áo vải Lê Lợi khởi nghĩa chống quân Minh; hay những hình ảnh làng cổ Đông Sơn, còn lưu lại 3 chiếc cổng nhuộm màu tháng năm, với lời gửi gắm nhắn nhủ của tiền nhân còn khắc ghi trên nóc: Nhân, Trí, Dũng.
Chỉ cách Hà Nội hơn 150 km, xứ Thanh như dang tay mở rộng đón chào những tâm hồn ưa khám phá và mê xê dịch, như đã từng níu chân gã thi sĩ ôm máy ảnh Nguyễn Lương Hiệu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.