|
Theo báo cáo của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, có hai phương án về tên gọi được đưa ra để trưng cầu ý kiến, gồm tên gọi TP.Huế và TP.Thừa Thiên - Huế. Theo UBND tỉnh về mặt lịch sử, tên gọi Huế có từ rất sớm (thời Lê Sơ, trong thơ của Lê Thánh Tông), đến thế kỷ 15 xuất hiện chính thức trong từ điển Việt - Bồ - La của Alexandre de Rohdes và tồn tại liên tục cho đến nay không bị gián đoạn qua các thời kỳ lịch sử. Về mặt văn hóa, xã hội, danh xưng Huế cũng đã được sử dụng rộng rãi và trở thành biểu tượng văn hóa của một vùng đất, khắc sâu trong tâm khảm của người Huế nói riêng và người Việt Nam nói chung cũng như bạn bè quốc tế. Danh xưng Huế ngày nay còn gắn liền với mọi mặt xã hội qua nhiều danh tính từ được sử dụng phổ biến như: người Huế, văn hóa Huế, du lịch Huế, di tích Huế, nhã nhạc Huế, âm sắc cung đình Huế, festival Huế…
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, nói: “Cái tên “TP.Huế” không chỉ có tính lịch sử của nó, với sự hiện diện của địa danh này đã trên 350 năm, mà còn gắn liền với những thói quen tên gọi, các công trình, đền chùa đến các món ăn dân dã… Do vậy cái tên này hội đủ các tiêu chí như có tính khác biệt, gắn với lịch sử văn hóa, cố đô di sản văn hóa của nhân loại, đã ăn sâu vào tâm thức người Việt Nam. Còn nhà văn Bửu Ý thì nói ngắn gọn hơn: “Khó có cái tên nào thay cho “TP.Huế”. Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Cao cho biết thêm, qua đợt khảo sát lấy ý kiến nhân dân qua mạng internet thì có trên 80% ủng hộ đặt tên là “TP.Huế”… Kết thúc hội thảo, đại đa số ý kiến đã tán thành lấy tên TP.Huế như đề xuất của UBND tỉnh.
Ngoài tên gọi, tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng đang lấy ý kiến về việc phân chia địa giới hành chính và tên gọi các quận, huyện trực thuộc TP.Huế khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Theo đó, phương án 1 sẽ thành lập 3 quận, 2 thị xã và 6 huyện. Trong đó: Quận 1 (bao gồm 6 phường đông nam sông Hương và sáp nhập thêm 4 phường Thủy Vân, Thủy Thanh (thị xã Hương Thủy hiện nay) Phú Thượng, Phú Mỹ (H. Phú Vang) với các tên gọi là quận Hương Giang, quận Thuận Hóa...; Quận 2 (bao gồm 7 phường vùng tây nam sông Hương và sáp nhập thêm 2 phường Thủy Dương, Thủy Bằng (của thị xã Hương Thủy hiện nay) với các tên gọi là quận Ngự Bình, quận Nam Giao...); Quận 3 (bao gồm 14 phường vùng phía bắc sông Hương với các tên gọi là quận Kinh Thành, quận Thành Nội, quận Đông Ba, quận Gia Hội, quận Phú Xuân...); 2 thị xã: Hương Trà, Hương Thủy và 6 huyện gồm: Phú Vang, Quảng Điền, Phong Điền, Phú Lộc, Nam Đông, A Lưới.
Phương án 2 dự kiến sẽ thành lập 4 quận, 2 thị xã và 6 huyện. Trong đó, Quận 1 và Quận 2 như phương án 1; Quận 3 (gồm 7 phường phía tây bắc TP.Huế sáp nhập thêm phường Hương Hồ của thị xã Hương Trà hiện tại) với tên gọi quận Kinh Thành, quận Thành Nội, quận Phú Xuân...; Quận 4 (gồm 7 phường đông bắc TP.Huế sáp nhập thêm 8 thôn của phường Hương Vinh (thị xã Hương Trà hiện tại) với tên gọi là quận Đông Ba, quận Gia Hội... Phương án chia đô thị trung tâm của TP.Huế ra thành 4 quận được nhiều ý kiến tán thành, tuy nhiên về tên gọi hành chính cho các quận vẫn có nhiều ý kiến tranh luận khác nhau.
Phát biểu kết thúc hội thảo, ông Nguyễn Văn Cao, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế ghi nhận những ý kiến tâm huyết của các học giả, đại biểu. Ông cũng cho hay đầu tháng 4 đề án thành lập TP.Huế trên cơ sở địa giới hành chính hiện tại sẽ được trình ra Bộ Nội vụ.
Theo đề án, khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, TP.Huế sẽ bao gồm toàn bộ tỉnh Thừa Thiên - Huế với diện tích hơn 5.000 km2, dân số gần 1,2 triệu người. Các đô thị vệ tinh gồm 7 thị trấn đã và đang phát triển (Phú Lộc, Sịa, Phong Điền, A Lưới, Khe Tre, Phú Đa và Lăng Cô) được đánh giá theo các tiêu chuẩn đô thị tùy thuộc vào thực trạng phát triển mỗi đô thị. Với những đặc thù riêng, TP.Huế trực thuộc Trung ương trong tương lai được lựa chọn sẽ phát triển theo mô hình“thành phố di sản, văn hóa, cảnh quan, sinh thái và thân thiện với môi trường”. |
Bùi Ngọc Long - Đình Toàn
Bình luận (0)