Luật Dầu khí gồm 11 chương 69 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2023.
Báo cáo tiếp thu giải trình trước khi Quốc hội biểu quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết dự thảo đã bổ sung quy định về việc Thủ tướng Chính phủ quyết định cơ chế điều hành hoạt động khai thác tận thu mỏ, cụm mỏ, lô dầu khí.
Với 472/475 phiếu thuận, sáng nay 14.11, Quốc hội đã thông qua luật Dầu khí (sửa đổi) |
L.H |
Đây là chính sách mới với nhiều nội dung mang tính đột phá, là cơ sở pháp lý cần thiết để khai thác hiệu quả hơn tài nguyên dầu khí, góp phần tăng thu ngân sách nhà nước trong bối cảnh dự báo những năm tới có nhiều mỏ dầu khí ở giai đoạn cuối đời mỏ sẽ chuyển sang thời kỳ khai thác tận thu.
Để hoàn thiện căn cứ pháp lý đầy đủ cho hoạt động khai thác tận thu dầu khí, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tiếp tục hoàn thiện nội dung này tại dự thảo Nghị định và rà soát, ban hành các văn bản dưới luật khác có liên quan. Cụ thể, chú trọng các quy định nhằm bảo đảm hiệu quả hoạt động khai thác tận thu và kiểm soát chặt chẽ chi phí hoạt động dầu khí.
Bộ Công thương sớm xây dựng, ban hành, hướng dẫn về định mức chi phí, định mức kinh tế, kỹ thuật cho điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí; Bộ Tài chính, Bộ KH-ĐT và các cơ quan, tổ chức hữu quan phối hợp chặt chẽ và chịu trách nhiệm theo thẩm quyền, xây dựng và ban hành các văn bản khác có liên quan.
Cá nhân được tham gia điều tra về dầu khí
Trước đó, trong thảo luận có ý kiến đề nghị cân nhắc không quy định “cá nhân” tham gia các hoạt động điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí vì sẽ không tránh khỏi tình trạng đặt lợi ích cá nhân lên trên lợi ích quốc gia, có thể làm thất thoát tài nguyên của đất nước.
Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, dự thảo luật quy định “cá nhân” được tham gia hoạt động điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí là phù hợp với chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư vào lĩnh vực này.
Khi tiến hành điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí phải trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, quyền chủ quyền, quyền tài phán, bảo đảm lợi ích và an ninh quốc gia của Việt Nam, tuân thủ pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Liên quan đến hợp đồng dầu khí, vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm trong quá trình thảo luận, ông Thanh phản ánh có ý kiến đề nghị tiếp tục rà soát để quy định những nội dung đặc thù của hợp đồng dầu khí, bảo đảm quy định rõ ràng, minh bạch, chặt chẽ theo đúng tinh thần phân cấp và cải cách thủ tục hành chính. Theo đó, giao Chính phủ ban hành hợp đồng mẫu của hợp đồng chia sản phẩm dầu khí và quy định chi tiết về cơ chế, chính sách có liên quan.
Đại biểu bấm nút thông qua luật Dầu khí sửa đổi |
gia hân |
Tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo luật cũng đã được chỉnh sửa theo hướng quy định 2 khoản riêng về trách nhiệm của các chủ thể có liên quan đối việc quyết định thời gian tạm dừng thực hiện một số quyền và nghĩa vụ trong hợp đồng dầu khí trong 2 trường hợp: bất khả kháng và vì lý do quốc phòng an ninh, bảo đảm phù hợp, chặt chẽ.
Theo đó, trong trường hợp bất khả kháng, các bên tham gia hợp đồng dầu khí thỏa thuận phương thức tạm dừng thực hiện một số quyền và nghĩa vụ trong hợp đồng dầu khí, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam báo cáo Bộ Công thương quyết định. Trong trường hợp vì lý do quốc phòng, an ninh, thời gian tạm dừng thực hiện một số quyền và nghĩa vụ trong hợp đồng dầu khí do Thủ tướng Chính phủ quyết định theo đề nghị của cơ quan có thẩm quyền.
Để thống nhất thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ đối với các dự án dầu khí, dự thảo luật đã quy định trong trường hợp dự án có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất rừng quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, rừng phòng hộ biên giới từ 50 ha trở lên, đất trồng lúa nước từ 2 vụ trở lên với quy mô từ 500 ha trở lên... Quốc hội quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, đất trước khi Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương thực hiện dự án.
Bình luận (0)