Theo đó, những thông tin dữ liệu cá nhân bị rao bán như: họ tên, số CMND, số điện thoại, ngày tháng năm sinh, địa chỉ thường trú, tạm trú của công dân; mã số thuế, địa chỉ hoạt động, tên chủ doanh nghiệp… đều bị rò rỉ, đều bị rao bán rầm rộ, tràn lan trên nhiều diễn đàn, web chuyên cung cấp dữ liệu khách hàng...
Phổ biến trên các 'chợ đen' và diễn đàn
Thông tin dữ liệu cá nhân bị rao bán đã khiến nhiều người hoảng hốt và lo sợ. Nhất là khi không ít trường hợp bỗng nhiên nhận những cuộc gọi lạ chèo kéo mua các sản phẩm về sức khỏe, giáo dục, vi tính. Hay có người liên tục những email từ người lạ...
"Chỉ có thể là do lộ thông tin nên mới bị gây phiền hà bằng email, bằng điện thoại như vậy. Nhưng vì sao lộ thì tôi cũng không hiểu lý do", Phan Nhật Ánh Minh (nhân viên công ty thời trang trên đường Nguyễn Văn Quỳ, Q.7, TP.HCM) cho biết.
Ông Nguyễn Văn Cường (Trưởng phòng An ninh mạng, Tập đoàn BKAV) cho biết ông không bất ngờ trước thông tin dữ liệu cá nhân bị rao bán. "Bởi lẽ hiện nay người dùng internet ở Việt Nam chưa có nhận thức cao về việc đảm bảo an ninh thông tin của mình. Họ thường vô tư chia sẻ các thông tin cá nhân của mình trên mạng. Các hệ thống có thu thập thông tin cá nhân của người dùng chưa đặt vấn đề đảm bảo an ninh an toàn thông tin của người dùng lên cao. Do đó việc bị lộ, rao bán thông tin người dùng trên mạng cũng không bất ngờ lắm. Và hiện cũng khá phổ biến trên các 'chợ đen' và diễn đàn", ông Cường nói.
Bên cạnh sự hoang mang, lo lắng, khá nhiều người không hiểu nguyên nhân, lý do vì sao bị lộ thông tin, để rồi những thông tin dữ liệu cá nhân bị rao bán như vậy. Ông Cường giải thích: "Việc lộ lọt này này thì lỗi cũng từ hai phía. Là do người dùng vô tư cung cấp thông tin mà không kiểm soát xem có thực sự cần thiết và không tìm hiểu đơn vị đó có đáng tin không trước khi cung cấp thông tin. Đối với các đơn vị thu thập thông tin thì họ cũng chưa đảm bảo an toàn an ninh thông tin của người dùng dẫn đến hệ thống có lỗ hổng và bị khai thác. Nhiều trường hợp cũng có thể chính đơn vị đó bán thông tin cho bên thứ ba".
Cần làm gì khi thông tin dữ liệu cá nhân bị rao bán?
Sau khi sự việc thông tin dữ liệu cá nhân bị rao bán, Nguyễn Trọng Bình, sinh viên Trường ĐH Quốc tế, phân vân: "Không biết việc lộ thông tin như vậy sẽ có thể gặp những hệ lụy gì. Cũng như nếu đã và đang lộ thông tin thì cần phải làm gì?". Thắc mắc này cũng là câu hỏi của nhiều người trẻ khác.
Trả lời điều này, ông Cường cho rằng khi thông tin dữ liệu cá nhân bị rao bán như vậy sẽ ảnh hưởng trực tiếp, gián tiếp đến đời sống cá nhân của người bị lộ thông tin.
"Họ có thể là nạn nhân của các chiến dịch lừa đảo, các gọi điện làm phiền tư vấn mua bán nhà đất hay mời tham gia đánh bạc online... Và khi phát hiện đã lộ thông tin, thì điều cần làm của mọi người là lập tức thay đổi thông tin mật khẩu các tài khoản liên quan. Đồng thời cẩn trọng đối với những cuộc điện thoại hoặc tin nhắn lạ", ông Cường chia sẻ.
Để không rơi vào tình cảnh thông tin dữ liệu cá nhân bị rao bán. Ông Cường khuyên: "Không đăng nhập và chia sẻ thông tin cá nhân vào những website lạ. Chỉ cung cấp khi thực sự cần thiết và đơn vị mình cung cấp thông tin là các đơn có uy tín. Bên cạnh đó, cần hạn chế chia sẻ thông tin trên các trang mạng xã hội. Đặc biệt là phải thiết lập các bảo mật nhiều lớp để tránh bị mất thông tin tài khoản cá nhân".
Kiện được nhưng... khó
Theo Luật sư Nguyễn Trung Tín (Đoàn Luật sư TP.HCM), pháp luật Việt Nam cho phép cá nhân, tổ chức được phép khởi kiện nếu thông tin dữ liệu cá nhân bị rao bán để bảo vệ quyền lợi của mình.
Theo quy định tại Điều 38 Bộ Luật Dân sự 2015 thì cá nhân có quyền được bảo vệ bí mật cá nhân, đời sống riêng tư. "Do đó, nếu thông tin dữ liệu cá nhân bị rao bán, ảnh hưởng xấu đến uy tín cá nhân người đó, thì họ hoàn toàn có quyền khởi kiện cá nhân, tổ chức có hành vi mua bán, cung cấp, sử dụng thông tin cá nhân trái phép ra Tòa án nơi người đó cư trú, làm việc để yêu cầu: chấm dứt hành vi bán thông tin cá nhân và đòi bồi thường thiệt hại theo quy định pháp luật", luật sư Tín nói.
Theo đó, phải chuẩn bị hồ sơ khởi kiện gồm: Đơn khởi kiện, căn cước công dân, hộ khẩu của người khởi kiện, thông tin, địa chỉ của người bị kiện và đặc biệt là phải cung cấp được bằng chứng chứng minh thông tin của mình đã bị rao bán và bị người khác sử dụng trái phép, xâm hại đến uy tín, danh dự của mình.
Nên hạn chế đăng ký tạo tài khoản khi không cần thiếtCó ý kiến cho rằng, nhiều người dù không có nhu cầu sử dụng ngân hàng hay các dịch vụ thanh toán trực tuyến, nhưng vẫn mở các thẻ... để rồi có nguy cơ bị lộ thông tin nhiều hơn. Nói về điều này, vị trưởng phòng An ninh mạng của Tập đoàn BKAV cho rằng: "Đối với ngân hàng hay dịch vụ thanh toán trực tuyến có uy tín thì họ cũng có các chính sách đảm bảo thông tin cá nhân của người dùng không bị lộ. Do đó nhận định này không hoàn toàn đúng. Đối với các cá nhân tổ chức cũng nên hạn chế đăng ký tạo tài khoản khi không cần thiết, tránh bị mất thời gian hạn chế nguy cơ mất thông tin".
|
Luật sư Tín cũng hướng dẫn việc khi phát hiện thông tin dữ liệu cá nhân bị rao bán, có thể nhờ cơ quan thừa phát lại lập vi bằng về hành vi vi phạm đó. Đồng thời, nếu vụ án được Tòa án thụ lý, giải quyết, thì cơ quan này có thẩm quyền thu thập chứng cứ được cho là vi phạm từ các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan, để giải quyết vụ án.
Tuy nhiên, luật sư Tín thừa nhận là việc cung cấp chứng cứ chứng minh thông tin dữ liệu cá nhân bị rao bán là không hề đơn giản. Việc thu thập, tìm kiếm chứng cứ khá nhiêu khê. "Rõ ràng, rất ít cá nhân sử dụng phương án khởi kiện khi phát hiện thông tin của mình bị rao bán trái phép, vì rất khó để tìm ra thông tin của người rao bán như: họ tên, địa chỉ... Và đôi khi, người rao bán đó họ cũng chỉ mua lại thông tin cá nhân (data) từ cá nhân, tổ chức khác. Đồng thời, người bị xâm phạm trong trường hợp này, không đơn giản để chứng minh con số thiệt hại thực tế do hành vi rao bán thông tin gây ra, để yêu cầu bên rao bán bồi thường", luật sư Tín nhìn nhận.
Bình luận (0)