Thông tin mới nhất về cấu trúc đề thi kỳ thi đánh giá năng lực năm 2023

28/01/2023 07:05 GMT+7

Năm 2023, nhiều trường đại học (ĐH) tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực phục vụ tuyển sinh. Mỗi kỳ thi đánh giá năng lực có đặc điểm riêng thí sinh cần lưu ý, đặc biệt là cấu trúc đề thi.

Thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM năm 2022

NHẬT THỊNH

ĐH Quốc gia TP.HCM: Cấu trúc đề thi gồm 3 phần

Kỳ thi đánh giá năng lực năm 2023 của ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ được tổ chức theo 2 đợt: đợt 1 vào ngày 26.3 và đợt 2 vào ngày 28.5. ĐH này sẽ mở cổng đăng ký dự thi đợt 1 vào ngày 1.2.2023 tại địa chỉ: https://thinangluc.vnuhcm.edu.vn.

Đáng chú ý, thông tin từ ĐH Quốc gia TP.HCM cho biết, ĐH này và ĐH Quốc gia Hà Nội đã thống nhất chủ trương sẽ công nhận kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của nhau để tránh tình trạng thí sinh phải tham dự 2 kỳ thi trong khi đề thi có sự tương đồng.

Đề thi đánh giá năng lực năm 2023 sẽ được chuẩn hóa hơn nhưng cấu trúc sẽ giữ ổn định. Thí sinh sẽ làm bài thi gồm 120 câu hỏi trắc nghiệm trong 150 phút. Bài thi hướng đến đánh giá năng lực cơ bản để học ĐH của thí sinh gồm: sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng Anh (40 câu); toán, suy luận logic và xử lý số liệu (30 câu); giải quyết vấn đề liên quan lĩnh vực hóa, lý, sinh, địa, lịch sử, chính trị và xã hội (50 câu).

Đa phần các câu hỏi được xây dựng theo hướng cung cấp số liệu dữ kiện và kiến thức cơ bản để đánh giá mức độ vận dụng, phân tích của người học. Tuy nhiên, điểm của từng câu hỏi sẽ có trọng số khác nhau tùy thuộc vào độ khó và độ phân biệt của câu hỏi.

ĐH Quốc gia Hà Nội: Những câu hỏi thử nghiệm không tính điểm

Kỳ thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia Hà Nội (HSA) năm 2023 sẽ được tổ chức 8 đợt với khoảng 70.000 lượt thí sinh tham gia, từ ngày 10.3-4.6, tại các địa điểm: Hà Nội, Thái Nguyên, Hưng Yên, Nam Định, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An.

Thí sinh đăng ký dự thi tại địa chỉ http://khaothi.vnu.edu.vn/ hoặc http:/hsa.edu.vn/ và chọn ca thi tương ứng. Hệ thống đăng ký ca thi chỉ cho phép tài khoản đăng nhập và thao tác trên một thiết bị máy tính tại cùng thời điểm. Lệ phí đăng ký và dự thi nộp trực tuyến trong 96 giờ kể từ khi hoàn thành đăng ký ca thi. Sau 96 giờ thí sinh không nộp lệ phí, ca thi sẽ tự động hủy.

Thí sinh được đăng ký tối đa 2 lượt thi/năm (tính đến ngày 31.12). Hai lượt thi cách nhau liền kề tối thiểu 28 ngày. Ca thi sẽ tự động đóng khi đã hết chỗ đăng ký. Lệ phí dự thi năm 2023 là 500.000 đồng/thí sinh/lượt thi. Lệ phí đã nộp không hoàn lại với bất kỳ lý do gì.

Dự thi HSA, thí sinh sẽ làm bài trên máy tính, thời gian từ 195-199 phút. Bài thi gồm 3 phần với các câu hỏi trắc nghiệm khách quan (lựa chọn đáp án) và câu hỏi điền đáp án. Nội dung thi gồm: toán học (50 câu hỏi, 75 phút); văn học-ngôn ngữ (50 câu hỏi, 60 phút); khoa học tự nhiên-xã hội (50 câu hỏi, 60 phút). Phần 1 và phần 3 sẽ có thêm 1-3 câu hỏi thử nghiệm không tính điểm.

ĐH Bách khoa Hà Nội: Nội dung đề thi đa dạng, nhiều lĩnh vực

ĐH Bách khoa Hà Nội sẽ tổ chức kỳ thi năm 2023 trong 3 đợt: đợt 1 vào tháng 3 tại Hà Nội, đợt 2 vào tháng 5 cũng tại Hà Nội, đợt 3 vào tháng 7 tại một số địa điểm như: Hà Nội, Hải Phòng, Vinh, Đà Nẵng, Tuyên Quang, Thái Nguyên... Năm 2023 cũng sẽ là lần đầu tiên bài thi đánh giá tư duy được tổ chức theo hình thức trắc nghiệm trên máy tính trong thời gian 1 buổi.

Cấu trúc và nội dung bài thi được điều chỉnh theo hướng gọn nhẹ hơn, với nội dung đánh giá tư duy toán học, tư duy đọc hiểu và tư duy giải quyết vấn đề.

Trong đó, phần thi tư duy toán học bao gồm các câu hỏi trắc nghiệm trong vòng 60 phút, đánh giá toàn bộ sự phát triển năng lực và tư duy toán của học sinh thông qua chương trình toán học lớp 11, lớp 12 tại trường THPT và một phần nhỏ kiến thức số học. Nội dung phần thi gồm kiến thức về: số học, đại số, hàm số, hình học, thống kê và xác suất.

Phần thi tư duy đọc hiểu cũng được thực hiện theo hình thức trắc nghiệm, với thời gian 30 phút, nhằm đo lường khả năng đọc nhanh và hiểu đúng. Các câu hỏi yêu cầu học sinh chuyển hóa ý nghĩa từ một số văn bản thuộc các thể loại: văn bản khoa học, văn bản văn học, văn bản báo chí… nhằm đo lường khả năng thu thập được thông tin với những gì được tuyên bố rõ ràng và lập luận để xác định ý nghĩa tiềm ẩn.

Các câu hỏi yêu cầu học sinh sử dụng các kỹ năng viện dẫn và lập luận để xác định các ý chính, định vị và giải thích các chi tiết quan trọng; hiểu chuỗi các sự kiện; so sánh, hiểu mối quan hệ nhân quả; xác định ý nghĩa của từ, cụm từ và các tuyên bố dựa vào ngữ cảnh, khái quát hóa, phân tích giọng văn và phương pháp của tác giả; phân tích các đòi hỏi và bằng chứng trong các cuộc tranh luận và tích hợp thông tin từ nhiều văn bản liên quan… Nội dung đọc hiểu trong đề thi đa dạng, phong phú, liên quan tới những chủ đề về khoa học, công nghệ, kinh tế, kỹ thuật, công nghiệp, nông nghiệp, tài chính, ngân hàng, y dược.

Phần thi tư duy khoa học, giải quyết vấn đề gồm các câu hỏi trắc nghiệm, với thời gian 60 phút, nhằm đo lường cách giải thích, phân tích, đánh giá, lý giải và các kỹ năng giải quyết vấn đề cần thiết trong lĩnh vực khoa học. Phần thi này bao gồm một tập hợp các thông tin khoa học, theo sau đó là các câu hỏi trắc nghiệm nhằm đo lường khả năng: tính, giải thích được dữ liệu; chỉ ra được phương án phù hợp với thông tin khoa học; thiết lập và thực hiện được các mô hình đánh giá, suy luận và kết quả thử nghiệm.

Thông tin khoa học được truyền tải theo một trong 3 định dạng khác nhau: biểu diễn dữ liệu (đồ thị khoa học, bảng biểu và sơ đồ), tóm tắt nghiên cứu (mô tả một hoặc nhiều thí nghiệm liên quan) hoặc quan điểm xung đột (2 hoặc nhiều tóm tắt mô hình lý thuyết, hiện tượng không phù hợp với nhau).

Từ năm 2022, các trường của Bộ Công an sẽ cùng phối hợp tổ chức một bài thi đánh giá năng lực để có thêm căn cứ xét tuyển. Nội dung bài thi không chỉ kiểm tra kiến thức, mà còn đánh giá về tư duy logic, khả năng phán đoán, xử lý tình huống. Bài thi này đã được tổ chức trong 1 buổi, với hai phần trắc nghiệm và tự luận. Tất cả những thí sinh đã trúng tuyển ở vòng sơ tuyển sẽ được tham dự kỳ thi này. Chỉ có thí sinh trúng tuyển thẳng vào các trường công an nhân dân theo quy định của Bộ GD-ĐT mới không phải dự kỳ thi này.

8 môn thi đánh giá năng lực vào Trường ĐH Sư phạm Hà Nội

Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực năm 2023 gồm 8 môn: toán, ngữ văn, tiếng Anh, vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý. Thí sinh có thể lựa chọn đăng ký thi những môn mà mình có nhu cầu dự thi để sử dụng kết quả thi đăng ký dự tuyển vào các ngành đào tạo ĐH chính quy theo yêu cầu của mỗi trường ĐH.

Thời gian thi vào ngày 6.5, tất cả 8 môn được tổ chức trong một ngày với nhiều ca thi, trong đó các môn vật lý và hóa học sẽ trùng ca thi với lịch sử và địa lý. Riêng bài thi môn tiếng Anh được tổ chức 2 ca khác nhau để tạo cơ hội cho tất cả thí sinh có thể tham dự.

Trường sẽ tổ chức thi đồng thời tại 2 địa điểm: Trường ĐH Sư phạm Hà Nội và Trường ĐH Quy Nhơn.Thí sinh được lựa chọn đăng ký dự thi 1 trong 2 nơi. Thí sinh đăng ký dự thi từ ngày 20.2 đến 9.4, lệ phí thi là 160.000 đồng/môn thi.

Lịch thi của các ca thi cụ thể như sau:

Nội dung các bài thi tương ứng và phù hợp với nội dung các môn học, môn thi cấp THPT mà học sinh đã quen thuộc; thí sinh làm bài thi trực tiếp trên giấy. Đề thi có kết hợp trắc nghiệm và tự luận với tỷ lệ điểm phù hợp tùy theo bài thi, bao gồm các câu hỏi đánh giá mức độ thông hiểu kiến thức cốt lõi và năng lực lập luận, phân tích, đánh giá, giải quyết vấn đề. Các câu hỏi có nội dung thuộc chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, được giảng dạy ở trường THPT theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT.

Theo đề án tổ chức kỳ thi của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, đề thi không có câu hỏi mức độ nhận biết do đề thi tốt nghiệp THPT đã đánh giá được năng lực của học sinh ở mức độ nhận biết (định nghĩa, nhận dạng, liệt kê...).

Cấu trúc các bài thi và thời gian làm bài cụ thể như sau:

Trường ĐH Sư phạm TP.HCM: Đề thi 70-80% chương trình lớp 12

Trường ĐH Sư phạm TP.HCM sẽ tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt theo 2 đợt: tháng 4 và 6.2023. Thí sinh sẽ bắt đầu đăng ký dự thi vào tháng 3.2023.

Kết quả kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt là điểm môn chính trong tổng điểm xét tuyển gồm 3 môn (2 môn còn lại căn cứ vào điểm học bạ THPT). Thí sinh có thể lựa chọn đăng ký các môn riêng biệt gồm: toán, vật lý, hóa học, sinh học, ngữ văn và tiếng Anh. Trong đó, bài thi toán học được sử dụng để xét vào 3 ngành sư phạm toán học, sư phạm tin học, công nghệ thông tin.

Bài thi ngữ văn được xét vào 3 ngành sư phạm ngữ văn, văn học, Việt Nam học. Thí sinh dự thi bài tiếng Anh có nhiều lựa chọn ngành để xét tuyển nhất gồm: sư phạm tiếng Anh, ngôn ngữ Anh, sư phạm tiếng Trung Quốc, ngôn ngữ Trung Quốc, sư phạm tiếng Pháp, ngôn ngữ Pháp, sư phạm tiếng Nga, ngôn ngữ Nga, ngôn ngữ Nhật, ngôn ngữ Hàn Quốc

Nội dung kiến thức kiểm tra sẽ được giữ ổn định như năm 2022. Theo đó, câu hỏi sẽ bám sát kiến thức trong chương trình THPT, trong đó 70-80% chương trình lớp 12, còn lại thuộc lớp 11 và rất ít phần thuộc lớp 10. Đề sẽ có những câu hỏi yêu cầu năng lực suy luận, phân tích, vận dụng với mức độ cao hơn để phân loại người học.

Trường ĐH Sư phạm TP.HCM mở rộng chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt lên mức 30-40% (thay vì 20% chỉ tiêu mỗi ngành như năm 2022), vào 21 ngành của trường.

Thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM tại điểm thi Trường ĐH Sài Gòn năm 2022

HÀ ÁNH

Trường ĐH Việt Đức: Bài thi hoàn toàn bằng tiếng Anh

Bài kiểm tra đánh giá năng lực TestAS của Trường ĐH Việt Đức sẽ được tổ chức vào ngày 20 và 21.5.2023. Thí sinh có thể nộp hồ sơ đăng ký dự thi từ ngày 3.1-7.5 theo hình thức trực tuyến tại địa chỉ: apply.vgu.edu.vn.

Bài thi TestAS hoàn toàn bằng tiếng Anh, thí sinh không được sử dụng máy tính cầm tay và gồm 2 phần: Phần cơ bản (Kerntest, Core Test), bài thi viết theo hình thức trắc nghiệm, 110 phút.

Phần chuyên ngành (Subject-Specific Test) là bài thi viết theo hình thức trắc nghiệm, từ 145-150 phút nhưng được chia thành các nhóm khác nhau. Cụ thể gồm: Bài thi khoa học kỹ thuật dành cho thí sinh đăng ký ngành kỹ thuật cơ khí, kỹ thuật điện và công nghệ thông tin. Bài thi khoa học máy tính và khoa học tự nhiên dành cho thí sinh đăng ký ngành khoa học máy tính. Bài thi kinh tế học dành cho thí sinh đăng ký ngành tài chính-kế toán và quản trị kinh doanh.

Thông tin chi tiết về cấu trúc và định hướng đề thi của mỗi kỳ thi đánh giá năng lực được các trường ĐH công bố trong đề thi minh họa.

Thí sinh dự kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM năm 2022

HÀ ÁNH

Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM: lần đầu tiên tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực

Năm 2023, Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM tuyển 3.636 chỉ tiêu (chưa bao gồm chỉ tiêu ĐH chính quy quốc tế do đối tác cấp bằng). Trong 5 phương thức xét tuyển năm nay, trường lần đầu tiên tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực phục vụ tuyển sinh.

Phương thức xét tuyển điểm kỳ thi đánh giá năng lực được chỉ áp dụng cho các ngành thuộc chương trình ĐH chính quy chuẩn, từ 10-15% chỉ tiêu mỗi ngành.






Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.