Thông tin thêm vụ Hồ Hữu Tài - giám đốc trung tâm đăng kiểm không biết chữ

04/01/2023 14:59 GMT+7

Liên quan vụ án 'môi giới hối lộ', 'đưa hối lộ', 'nhận hối lộ', 'giả mạo trong công tác' xảy ra tại các trung tâm đăng kiểm, CQĐT xác định bị can Hồ Hữu Tài, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm (TTĐK) 50-17D, H.Nhà Bè, TP.HCM không đi học và không biết chữ. Bị can Tài có thời gian làm công việc san lấp mặt bằng ở địa phương.

Liên quan vụ án "môi giới hối lộ", "đưa hối lộ", "nhận hối lộ", "giả mạo trong công tác" xảy ra tại các TTĐK ở TP.HCM và nhiều tỉnh thành, ngày 4.1.2023, nguồn tin của PV Thanh Niên cho biết, Công an H.Nhà Bè và Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã làm rõ nhiều tình tiết, thủ đoạn của các TTĐK, trong đó có TTĐK 50-17D (H.Nhà Bè, TP.HCM).

Công an thi hành lệnh bắt giữ Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm 50-17D Hồ Hữu Tài

NGỌC LÊ

Đưa người thân vào trung tâm đăng kiểm làm việc

Theo cơ quan công an, bị can Nguyễn Thanh Phong (42 tuổi, ngụ Q.1, TP.HCM) lập Công ty An Phát rồi xin giấy phép lập TTĐK 50-17D từ năm 2019. Sau đó, Tào Huyền Thanh (vợ Phong) cũng được Phong đưa vào làm thủ quỹ của TTĐK này.

Phong có mối quan hệ thân thiết với Hồ Hữu Tài (52 tuổi, ngụ H.Nhà Bè) nên Phong đưa Tài về làm Giám đốc TTĐK 50-17D để “hùn vốn”, góp cổ phần vào TTĐK, và còn để...trả nợ cho Tài vì trước đó Phong mượn tiền của Tài.

Quá trình làm việc ở TTĐK 50-17D, Tài đưa Đinh Thành Trung (30 tuổi, ngụ H.Nhà Bè - con rể của Tài) làm nhân viên tại TTĐK 50-17D nhưng không có hợp đồng lao động.

Đáng chú ý, tại CQĐT, Tài khai với công an là có đi học nhưng qua xác minh ở địa phương xác định Tài không có đi học và không biết chữ. Tài có thời gian làm công việc san lấp mặt bằng ở địa phương.

Hồ Hữu Tài - Giám đốc trung tâm đăng kiểm không biết chữ, làm để trả nợ

Bỏ qua lỗi vi phạm để nhận hối lộ, "kéo" doanh thu về cho công ty

Từ năm 2021 đến khi bị bắt, bị can Tài và Phong "có chủ trương" cho phép các đăng kiểm viên gồm: Phan Hữu Minh, Nguyễn Trung Tín, Dương Minh Khánh (cùng 27 tuổi), Phạm Công Danh (50 tuổi), Lê Tấn Thiện (27 tuổi) bỏ qua các lỗi vi phạm về thắng, đèn… của xe, để nhận tiền hối lộ, "kéo" doanh thu về cho công ty.

Công an TP.HCM khám xét nhiều trung tâm đăng kiểm ở TP.HCM trước đó

NGỌC LÊ

"Khi xe vào đăng kiểm có lỗi, các đăng kiểm viên sẽ báo cho Trung. Sau đó, Trung trực tiếp gặp chủ xe "nói chuyện" nhằm bỏ qua các lỗi vi phạm và nhận tiền. Đến ngày 19.12.2022, khi công an ập vào bắt giữ, Trung khai đã nhận 19,7 triệu đồng từ các chủ xe tới đăng kiểm có lỗi", nguồn tin cho biết.

Số tiền nói trên, Trung thừa nhận đưa cho Thanh (vợ của Phong). Sau đó Thanh lấy một nửa tiền và đưa lại Trung giao cho Trần Thanh Vinh (50 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh - là Phó giám đốc TTĐK 50-17D).

Kết quả điều tra ban đầu xác định, bị can Vinh là người chỉ đạo cho phép đăng kiểm viên bỏ qua các lỗi vi phạm cho các phương tiện để nhận tiền, ký giấy xác nhận đăng kiểm.

Khi nhận được tiền, Vinh chia cho Trung từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng/ngày. Số tiền còn lại, Vinh chia đều cho Minh, Tín, Khánh, Danh, Thiện.

CQĐT cho biết đã khởi tố bị can Phong, Tài và 8 bị can khác về tội "nhận hối lộ" và tội "môi giới nhận hối lộ". Riêng Tào Huyền Thanh được cho tại ngoại chờ điều tra xử lý theo quy định.

Giám đốc trung tâm đăng kiểm không biết chữ, mới học hết lớp 3

Theo Công an TP.HCM, Cơ quan CSĐT - Công an TP.HCM tiếp tục điều tra, làm rõ hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn, thiếu tinh thần trách nhiệm, làm rõ trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra… của các cơ quan, đơn vị có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ quyền hạn được phân công, phân cấp để xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Bỏ qua lỗi vi phạm của hơn 70.000 phương tiện

Như Thanh Niên đã đưa tin, liên quan vụ án "môi giới hối lộ", "đưa hối lộ", "nhận hối lộ", "giả mạo trong công tác" xảy ra tại các TTĐK ở TP.HCM và các tỉnh Long An, Tiền Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp, Bến Tre, Công an TP.HCM cho biết có tổng cộng 43 bị can bị khởi tố để điều tra, làm rõ. Công an cũng đã khám xét tổng cộng 12 TTĐK, trong đó có 5 TTĐK ở TP.HCM, còn lại là các TTĐK ở các tỉnh, thành.

Để có tiền chia cho các nhân viên và làm "quỹ hoạt động", giám đốc các TTĐK nêu trên đã chỉ đạo nhân viên trung tâm, bao gồm các phó giám đốc, đăng kiểm viên, thực tập viên, nhân viên văn phòng… trong quá trình kiểm định chất lượng, đo tiêu chuẩn khí thải bảo vệ môi trường đã cố ý bỏ qua lỗi vi phạm của hơn 70.000 phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.